Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/9/2008 16:29'(GMT+7)

Phát triển công nghiệp phụ trợ phải được tiến hành chọn lọc

Hội thảo quốc gia lần thứ nhất về "Chương trình hành động về phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức đã diễn ra ngày 5/9, tại Hà Nội.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi và kiến nghị với đại diện các cơ quan Nhà nước về nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cũng như đề xuất những giải pháp để triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đã được Chính phủ phê duyệt từ 2007.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp phụ trợ phải được tiến hành chọn lọc, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và phân công lao động quốc tế. Ban đầu, công nghiệp phụ trợ có thể gắn liền với mục tiêu nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sau phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất quốc tế của các công ty và tập đoàn đa quốc gia.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, công nghiệp phụ trợ là động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là nền tảng cho việc phát triển bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn đến 2020. Do đó, công nghiệp phụ trợ cần được phát triển theo hướng phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là của các đối tác chiến lược- các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Phát triển công nghiệp phụ trợ phải phù hợp với những xu thế, đặc thù riêng của từng chuyên ngành công nghiệp và từng đối tác chiến lược.

Thực trạng của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam trong thời gian qua được các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là vẫn đang ở mức độ thấp. Hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Ngành dệt may hàng năm xuất khẩu mang về cho đất nước hàng tỷ USD nhưng phần lớn số ngoại tệ đó được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho sản xuất của ngành.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, ngành này đã phát triển từ rất lâu. Nó là ngành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho việc chế tạo các sản phẩm chính của các ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Cũng chính nó đã giúp Nhật Bản sớm trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư Nhật sang Việt Nam, họ không thể có được sự hỗ trợ như tại quê nhà.

Tỷ lệ nội địa hoá của các nhà sản xuất Nhật Bản vào Việt Nam chỉ mới đạt 22,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở khu vực Đông Nam Á.

Khi ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển hoặc phát triển không tương xứng với tốc độ phát triển chung của các ngành công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp lắp ráp) thì các ngành công nghiệp đó rất khó phát triển.

Trong điều kiện lộ trình mở cửa hoàn toàn thị trường trong nước đang đến gần, nếu không xây dựng được công nghiệp phụ trợ tương ứng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sang đầu tư thương mại vào thị trường Việt Nam hơn là đầu tư vào sản xuất. Việc đóng cửa cơ sở sản xuất của SONY tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là một minh chứng cho vấn đề này. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sakaba cho rằng: Đẩy mạnh sản xuất là biện pháp giảm lạm phát tốt nhất, chính vì vậy cần xây dựng một nền tảng sản xuất công nghiệp phụ trợ cơ bản của Việt Nam để giữ chân các nhà nhà đầu tư vào sản xuất. Phát triển công nghiệp phụ trợ không chỉ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản giảm được chi phí sản xuất, giúp Việt Nam giảm nhập siêu mà nó còn giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều việc làm và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới sự liên kết giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam, tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam các hoạt động cụ thể thiết thực như tổ chức hội chợ, giới thiệu nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản về các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Thời gian tới, mục tiêu hợp tác Việt - Nhật về CNHT sẽ tập trung phát triển vào các ngành công nghiệp điện tử gia dụng, điện tử nghe nhìn, sản xuất các máy móc thiết bị văn phòng, ô tô - xe máy, cơ khí chính xác. Bên cạnh đó, mục tiêu hợp tác cũng chú trọng đến các ngành cơ khí chế tạo và nhựa, đây là hai ngành trọng yếu để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất