Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 16/5/2012 21:13'(GMT+7)

Phát triển kinh tế bền vững: Khai khác và sử dụng năng lượng như thế nào?

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: KD

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: KD

Trong bài phát biểu đề dẫn, TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: Hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, an ninh năng lượng ở Việt Nam đã được củng cố đáng kể trên cơ sở nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã chuyển từ một nước nhập khẩu hoàn toàn nguồn xăng dầu sang xuất khẩu dầu mỏ từ năm 1990. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng kinh tế hiện nay, đất nước đang đứng trước nguy cơ thiếu các nguồn năng lượng trong tương lai không xa. Ông nhấn mạnh, đối với Việt Nam, vấn đề năng lượng lại càng quan trọng, bởi chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, cân đối năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

GS.TS.Phan Hồng Khôi nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu nhận định, hiện nay việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng đã trở thành quốc sách của tất cả các nước ở trên thế giới. Ở nước ta, lượng điện chiếu sáng trên toàn quốc chiếm khoảng 25,3% tổng lượng điện tiêu thụ (thế giới (19%), vì vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng đã đang và sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng vào chương trình bảo tồn và tiết kiệm năng lượng của Nhà nước.

Để làm được điều này cần có sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp chiếu sáng nước ta tiếp thu và làm chủ công nghệ chiếu sáng hiện đại, đặc biệt là công nghệ chiếu sáng LED - nguồn sáng siêu tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường của thế kỷ 21, là hết sức cấp thiết. Sự hỗ trợ của Nhà nước bao gồm:Đưa công nghệ sản xuất đèn LED dùng cho chiếu sáng – công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ bán dẫn vi điện tử, vào danh mục lĩnh vực thuộc công nghệ cao ông Khôi nhấn mạnh.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh nơi tập trung tiêu thu nguồn năng lượng lớn nhất trong cả nước trong những năm trở lại đây cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại Hội thảo ThS. Huỳnh Kim Tước Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ một số kinh nghiệm về triển khao hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thời gian qua. Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành các thể chế chuyên trách về tiết kiệm năng lượng: Ban chỉ đạo tiết kiệm điện thành phố, Trung tâm TKNL, chương trình TKNL cho thành phố … Đồng thời có sự phối hợp triển khai với các cơ quan, tổ chức liên quan: Các Sở ban ngành, Hội liên hiệp phụ nữ, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao,…Đặc biệt còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc,…) và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM đóng vai trò tham mưu về chuyên môn. Kết quả trong giai đoạn từ năm 2006-2010, toàn TP. Đã tiết kiệm 5% điện tiêu thụ toàn thành phố trong 5 năm 2006-2010. Trong đó, xác lập mục tiêu TKNL cho từng đối tượng tiêu thụ năng lượng. Cụ thể, ngành công nghiệp tiết kiệm từ 2-3%, dịch vụ từ 1-1,5%, hạ tầng đô thị 0,5%, các hộ gia đình 2%.

Còn tại T.P Hà Nội, Ths. Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội cho biết, TP tập trung manh vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thứuc cho cộng đồng trong việc tiết kiệm năng lượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó thành phố cũng đẩy mạnh triển khai tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai tiết kiệm nanưg lượng trong nông nghiệp, nông thôn cũng như đến từng hộ dân. Đáng chú ý, các đơn vị, cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đã đi đầu trong công cuộc tiết kiệm năng lượng mà thành phố phát động. Theo đó, các đơn vị này đã cam kết tiết kiệm 10% điện năng sử dụng. Đồng thời đưa nội dung thực hiện tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu mô hình giải pháp tiết kiệm điện, ban hành các nội quy về tiết kiệm điện...

Đáng chú ý hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến xu hướng phát triển điện hạt nhân. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Phương, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học Công nghệ) nhận định, phát triển điện hạt nhân là một lựa chọn tất yếu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội, quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường. Việt Nam đã thể hiện cam kết và quyết tâm nhất quán về việc phát triển điện hạt nhân với các dự án đầu tiên là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, trong đó an toàn được xem là ưu tiên hàng đầu. Ông Phương nhấn mạnh, iện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ cao, yêu cầu vốn đầu tư lớn và an toàn, an ninh ở mức tuyệt đối, cùng các cam kết, hợp tác quốc tế, đòi hỏi quyết tâm và sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và sự ủng hộ của công chúng cũng như quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho quản lý, nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng, vận hành nhà máy là một thách thức để có thể đảm bảo kịp thời, đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng của đội ngũ nhân lực. Với sự ủng hộ trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các quốc gia đối tác, Việt Nam có điều kiện để trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có điện hạt nhân an toàn, hiệu quả.

Kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam nhấn mạnh: Phát huy sáng kiến tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng bảo đảm sự phát triển bền vững, huy động các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành năng lượng quốc gia chính là cách để chúng ta tham gia vào mục tiêu bảo đảm cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Hữu Hào cũng chỉ ra, hiện nay việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với các nguồn năng lượng khác, khung pháp lý quy định cho lĩnh vực này còn hạn chế nhưng trong tương lai, đây sẽ là lĩnh vực rất có tiềm năng phát triển. Do đó, với các thảo luận chi tiết tại Diễn đàn này, tôi hy vọng sẽ đưa ra những ý kiến thỏa đáng để khơi dậy và phát huy được tiềm lực nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta trong thời gian tới đây./.

Hoàng Anh Huy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất