Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 28/5/2012 22:1'(GMT+7)

Phát triển kinh tế cửa khẩu Lào Cai thời kỳ hội nhập

Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngày nay.

Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngày nay.

Lợi thế cửa khẩu

Khu KTCK Lào Cai nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) đã đưa Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương đặc biệt quan trọng với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam -Trung Quốc.

Sớm xác định lợi thế của Khu KTCK Lào Cai trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Lào Cai luôn đặt mục tiêu “Khai thác tốt nhất những lợi thế về cửa khẩu, đưa kinh tế cửa khẩu thực sự là mũi nhọn, là động lực để phát triển kinh tế địa phương”.

Cho đến nay, Khu KTCK Lào Cai đã hoàn thành các khu chức năng: khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai là khu vực hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ; Khu Phố Mới xây dựng Ga đường sắt quốc tế, Cảng ICD; Khu công nghiệp- thương mại... cùng nhiều công trình khác đã và đang hoàn thiện đưa vào sử dụng với tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng khu KTCK giai đoạn 2003-2011 đạt trên 2.300 tỷ đồng đã cơ bản đáp ứng về hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh...

Sau hơn 10 năm Lào Cai tích cực đẩy mạnh phát triển KTCK đã cho thấy chủ trương phát triển này hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện của địa phương, bởi cho đến nay phát triển KTCK đã kéo theo sự phát triển hệ thống dịch vụ, du lịch, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Với tốc độ gia tăng kim ngạch xuất-nhập khẩu bình quân tăng 3,5%/năm đã đưa cửa khẩu Lào Cai trở thành cửa khẩu “tỷ đô (USD)” trong năm 2011, dự kiến con số này sẽ gấp đôi vào năm 2020.

Đặc biệt, điểm tạo “dấu ấn” cho KTCK Lào Cai phải kể đến số thu ngân sách trên địa bàn Khu KTCK giai đoạn 2001- 2011 tăng trên 25%/năm, đã góp phần đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo vươn lên gia nhập câu lạc bộ các tỉnh có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm, qua đó cho thấy sự phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại tuyến biên giới Việt – Trung.

Cần thể chế hiện đại

Thực tế cho thấy, đẩy mạnh phát triển KTCK trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp cho kinh tế đối ngoại phát triển mạnh mẽ, nhằm mục tiêu thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, góp phần đưa nền kinh tế của địa phương ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế và khu vực. Song, điều đáng quan tâm ở đây là thể chế hành chính và kinh tế đối với các khu KTCK nói chung và Khu KTCK Lào Cai nói riêng chưa có sự vượt trội, chỉ giống như các khu công nghiệp mà thôi. Chẳng hạn, về thể chế kinh tế, một số quy định, chính sách của Chính phủ đối với khu KTCK thường xuyên sửa đổi, bổ sung, không mang tính ổn định lâu dài nên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, một số ưu đãi về thương mại, du lịch, tín dụng... cho khu KTCK đến nay không còn được ưu đãi nữa, về thực chất chính sách riêng cho các khu này không còn sự khác biệt so với chính sách chung.

Để Khu KTCK Lào Cai trở thành một “toạ độ” đột phá mạnh về kinh tế, là một trong những “cứ điểm” thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu cấp bách hiện nay là các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế hiện đại, phù hợp cho sự vận hành của Khu KTCK Lào Cai, theo đó yêu cầu bắt buộc hàng đầu phải là tính vượt trội về trình độ hệ thống thể chế. Trong đó, cần chú trọng tính ổn định chính sách đối với khu KTCK để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Hiện nay, cả nước có 28 khu KTCK, nhu cầu đầu tư phát triển cho các khu này là rất lớn, song việc khó khăn về nguồn vốn luôn là rào cản cho sự phát triển của các khu KTCK. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cho đến nay các Khu KTCK ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh vẫn đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xuất - nhập khẩu. Bởi vậy, để Khu KTCK Lào Cai “cất cánh”, ngoài việc phát huy nội lực vẫn cần sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù để lại 30% số vượt thu ngân sách từ khu KTCK để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu KTCK trên bộ, trong đó có Lào Cai. Tuy nhiên, để có thể phát huy lợi thế này, rất cần sự quan tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Lào Cai xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án khu hợp tác kinh tế biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc); đồng thời cùng với sự nỗ lực thúc đẩy hợp tác từ phía Chính phủ hai nước Việt – Trung và sự quan tâm của các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, chắc chắn sẽ tạo những bứt phá ngoạn mục trong giao lưu kinh tế qua biên giới và đem lại những thành tựu to lớn trong chiến lược phát triển KTCK của mỗi địa phương./.

Bài, ảnh: Nguyên Sa (Lào Cai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất