Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 10/9/2016 10:22'(GMT+7)

Phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thu hoạch dứa tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Thu hoạch dứa tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất. Thực tế đã chứng minh, khi từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSCL, hạn hán gay gắt trên diện rộng ở các tỉnh miền trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước. Việc sản xuất trồng trọt thiệt hại nặng nề là một trong những nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (giảm 0,18%) trong sáu tháng đầu năm. Cụ thể, thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, vụ lúa đông xuân 2015-2016 vừa qua tại các tỉnh phía nam, tổng diện tích xuống giống đạt khoảng 1,926 triệu ha, giảm 23,9 nghìn ha so vụ trước; năng suất bình quân đạt 64,9 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 12,19 triệu tấn, giảm 1,29 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL, sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn, giảm hơn 1.000 tấn; vùng Tây Nguyên đạt 418 nghìn tấn, giảm 64 nghìn tấn; duyên hải miền trung đạt gần 1,3 triệu tấn, giảm 175,6 nghìn tấn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết, cho nên diện tích của hầu hết cây trồng cạn của vụ đông xuân 2015-2016 đều giảm. Trong đó, diện tích ngô giảm 1,8%, khoai lang giảm 8,8%, đỗ tương giảm 25,3% so cùng kỳ năm trước… Việc sản xuất nông nghiệp đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do BĐKH gây ra khiến các bộ, ngành và địa phương cần phải có những giải pháp thiết thực để ứng phó hiệu quả, nhất là vùng ĐBSCL. PGS, TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, theo dự báo của các nhà nghiên cứu khoa học thế giới về BĐKH, trong số 13 vùng đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ bởi BĐKH, vùng ĐBSCL là một trong ba đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là khi nước biển dâng. Kịch bản của BĐKH vùng ĐBSCL giai đoạn 2030-2040 cho thấy nhiều nơi ở khu vực này, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm khoảng 10 đến 20%; xâm nhập mặn sớm hơn, sâu hơn vào nội đồng...

Nhằm thích ứng với BĐKH trong sản xuất, theo PGS, TS Mai Thành Phụng, Việt Nam cần có giải pháp canh tác thông minh. Theo đó, tích cực tuyên truyền để người dân tham gia phòng, chống hạn, mặn hiệu quả hơn nữa; đồng thời rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, tôm, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, xem lại cách vận hành các công trình trữ ngọt, ngăn mặn sao cho có hiệu quả nhất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác lúa phù hợp với từng địa phương. Nếu độ mặn của đất và nước vượt quá mức chịu đựng của cây lúa thì nên chuyển đổi đất sang mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và thân thiện với môi trường.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết vấn đề, nền nông nghiệp cần phát triển theo hướng thích ứng với BĐKH; thực hiện, tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường các biện pháp canh tác, phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, chú trọng đầu tư nghiên cứu chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH, chống chịu được rét, nóng, hạn hán, ngập úng hay phèn mặn.

Hải Lâm/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất