Chủ Nhật, 24/11/2024
Định hướng - Chỉ đạo
Thứ Năm, 30/7/2015 22:21'(GMT+7)

Phát triển nhân lực khám bệnh, chữa bệnh theo tinh thần Nghị Quyết 46-NQ/TW của Bộ chính trị

Giáo viên Trường đại học Y Hải Phòng hướng dẫn sinh viên thực hành. (Ảnh: Báo Hải Phòng)

Giáo viên Trường đại học Y Hải Phòng hướng dẫn sinh viên thực hành. (Ảnh: Báo Hải Phòng)

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị Quyết 46-NQ/TW của Bộ chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2992/QĐ-BYT phê duyệt "Kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) giai đoạn 2015-2020".

Theo đó, "Kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) giai đoạn 2015-2020" nêu rõ quan 5 điểm phát triển như sau:

1. Phát triển nhân lực khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo tinh thần Nghị Quyết 46-NQ/TW của Bộ chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” với quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” và theo quan điểm chung phát triển nhân lực y tế Việt Nam trong Quyết định 816/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020”;

2. Phát triển nhân lực KBCB dựa trên cơ sở thực tiễn, kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm, khắc phục những bất cập và yếu kém để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân lực cho việc phát triển hệ thống KBCB, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) ngày càng tăng của nhân dân;

3. Phát triển nhân lực khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, tính khả thi và sự phù hợp giữa các vùng kinh tế xã hội ở Việt Nam. Điều chỉnh dần những mất cân đối trong phân bố nhân lực giữa các vùng kinh tế, các khu vực thành thị và nông thôn, các chuyên ngành, ưu tiên tăng cường nhân lực KBCB cho tuyến huyện, xã, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và các vùng khó khăn về kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm ngày càng công bằng hơn trong cung cấp các dịch vụ KBCB cho nhân dân;

4. Giáo dục y đức luôn được chú trọng và thực hiện song song với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời với phát triển năng lực nghiên cứu khoa học y học, rút ngắn khoảng cách trình độ công nghệ trong lĩnh vực KBCB với các nước phát triển trong khu vực và thế giới;

5. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực về tài chính và tiếp thu công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam trong phát triển và phân bổ nguồn nhân lực KBCB.

Mục tiêu của Kế hoạch được xác định là: Phát triển đội ngũ nhân lực KBCB đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, theo hướng tối ưu về phân bố giữa các khu vực và phân bố giữa các chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu CSSK, đặc biệt là chăm sóc sớm, dựa vào cộng đồng, song song với phát triển kỹ thuật để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KBCB, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trước mắt cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể, như tăng nhanh số lượng nhân lực, nhất là bác sỹ, thông qua các loại hình đào tạo khác nhau, ưu tiên nhân lực cho các địa phương còn nhiều khó khăn, các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã; chú trọng phát triển đội ngũ bác sỹ chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật, nâng cấp bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng KBCB; nâng cao trình độ và năng lực quản lý điều hành nhân lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bệnh viện; xây dựng chính sách và chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân lực KBCB, đặc biệt là các vùng miền núi, hải đảo, khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và một số lĩnh vực chuyên khoa kém thu hút nhằm cân đối phân bố nhân lực KBCB, góp phần nâng cao chất lượng KBCB ở tuyến dưới.

Bên cạnh những nội dung liên quan đến việc dự báo nhu cầu nhân lực khám bệnh, chữa bệnh đến năm 2020, Kế hoạch của Bộ Y tế cũng đưa ra  các chỉ tiêu chung về nhân lực y tế cần đạt vào năm 2020 như: Trong lĩnh vực KBCB, đạt chỉ tiêu 8 bác sỹ, 2 dược sỹ đại học và 16 điều dưỡng cho 10.000 dân; đạt 30% tổng số điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học; các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có trên 50% tổng số bác sỹ có trình độ chuyên khoa cấp I trở lên (BSCKI và BSCKII) và tương đương, ít nhất 20% tổng số bác sỹ có trình độ chuyên khoa cấp II và tương đương; các bệnh viện chuyên khoa tim mạch, nhi (hoặc sản nhi), chấn thương chỉnh hình có đủ bác sỹ làm việc, trong đó có ít nhất 50% tổng số bác sỹ có trình độ chuyên khoa cấp I và cấp II và tương đương; mỗi bệnh viện huyện có ít nhất 5 bác sỹ chuyên khoa cấp I thuộc các chuyên ngành chủ yếu, bao gồm nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa và truyền nhiễm; đạt 90% các trạm y tế xã (TYT) có bác sỹ hoạt động và 95 % TYT xã có hộ sinh hoặc y sỹ sản, nhi; đạt 90% tổng số lãnh đạo các bệnh viện được đào tạo và cấp chứng chỉ về quản lý bệnh viện; nhân lực KBCB trong khu vực ngoài công lập phát triển đạt 10% tổng nhân lực KBCB; mức gia tăng trung bình mỗi năm về số lượng cho cả đào tạo mới và đào tạo liên tục đạt 120-150%.

Nhằm thực thi có hiệu quả “Kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015 – 2020”, những giải pháp cụ thể trong lĩnh vực nhân lực KBCB cũng được Bộ Y tế đưa ra, trong đó có giải pháp về chính sách (như tăng cường tuyển dụng và đãi ngộ cho đội ngũ KBCB tại khu vực nông thôn, miền núi, địa bàn khó khăn; tăng cường nhân lực KBCB tại tuyến cơ sở; phát triển nhân lực KBCB ngoài công lập và tận dụng một số các nguồn nhân lực có tiềm năng khác....); giải pháp về đào tạo; giải pháp về quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin; giải pháp tài chính.../.

Minh Thế




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất