(TG) - Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2023 nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện, chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản và nội dung xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 gắn với việc thực hiện những nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác xuất bản của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan chủ quản xuất bản...
Chiều ngày 8/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2023.
Hội nghị nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện, chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản và nội dung xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 gắn với việc thực hiện những nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác xuất bản của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan chủ quản xuất bản; kịp thời phát hiện những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; đôn đốc, phát huy vai trò của xuất bản trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong những tháng cuối năm 2023, chỉ đạo các nhà xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị xuất bản các ấn phẩm có giá trị, chất lượng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam dự, chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, gồm có các đại biểu: đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành, Giám đốc và Tổng biên tập của gần 57 nhà xuất bản…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 14.968 cuốn với 176.830.566 bản (giảm 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản).Trongđó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 13.380 cuốn với 163.888.479 bản (giảm 30,5% về cuốn và giảm 53,9%);Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 xuất bản phẩm (giảm 2,8%); Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với 12.942.087 bản (giảm 24,9% về số xuất bản phẩm và tăng 115% về bản).
|
Về nội dung xuất bản phẩm, các nhà xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức được xuất bản, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả loại sách, từ sách lý luận chính trị, sách kinh tế - xã hội, sách văn hóa - văn học, sách chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, sách giáo dục - dạy nghề, sách khoa học - công nghệ đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi... Đặc biệt, một số ấn phẩm tiêu biểu, có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”bằng 7 ngoại ngữ; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” do NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà xuất bản đã chủ động phối hợp với bộ ngành, địa phương, đơn vị tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai trên toàn quốc, qua đó tạo được hiệu ứng, sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, phát huy những mô hình, không gian văn hóa nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của quần chúng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng lâu dài và bền vững.
Sách về chủ đề lịch sử, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hộiđược các nhà xuất bản quan tâm, đầu tư, xuất bản. Thông qua các xuất bản phẩm giới thiệu các giá trị văn hoá truyền thống, lịch sử, các thành tựu phát triển của đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới và ngược lại. Một số cuốn tiêu biểu như: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển; Người thầy…
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, Hội nghị cũng phân tích, làm rõ một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Số lượng xuất bản phẩm vi phạm nội dung tuy giảm so với các năm, song cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức: yêu cầu sửa chữa lỗi sai 3 xuất bản phẩm; yêu cầu thẩm định nội dung 7 xuất bản phẩm. Vẫn xuất hiện sách có nội dung chính trị, tư tưởng không phù hợp, vi phạm qui định về thuần phong, mỹ tục, vi phạm bản quyền, nội dung chưa được kiểm chứng; một số nhà xuất bản chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm xuất bản, trong đó có đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, nhà xuất bản...
Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các nhà xuất bản, ngành xuất bản đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành cần quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: (1) Tập trung xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và các ngày lễ lớn của đất nước, nhất là những đề tài về tuyên truyền kết quả, thành tựu đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; (2) Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần của Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; (3) Đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóahoạt động để phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0; (4) Chú trọng việc hợp tác quốc tế, giao dịch bản quyền và xuất khẩu nội dung sách thông qua các nền tảng đa phương tiện; (5) Tiếp tục quán triệt triển khai Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; quản lý nội dung xuất bản phẩm, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành; xây dựng, triển khai chiến lược phát triển nhà xuất bản, chuyển đổi số xuất bản; (6) Tập trung đánh giá, tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp đối với xuất bản phẩm thuộc đề án, dự án của Đảng, Nhà nước; tập trung nỗ lực hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ đề ra trong năm 2023./.
Tin, ảnh: Nhật Minh