Ngày 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về
việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; việc kéo dài thời hạn thực
hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện
tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; dự án Luật Cảnh sát biển
Việt Nam.
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần
thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại
tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu
nhất từ trước tới nay.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tham gia CPTPP với tư cách
là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương
chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam, khẳng định vai
trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng
như trên trường quốc tế.
Về mặt kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng
tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết
trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong
việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước
ngoài. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện
thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm
nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về những thách thức, khó khăn khi Việt
Nam tham gia CPTPP. Đó là thực tiễn thương mại song phương, đa phương
có thể gặp một số khó khăn. Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ
logistics... có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh.
Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh
doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói
chung. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số
doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất
nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều
chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu
trí tuệ, lao động...
Liên quan đến việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14
về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập
cảnh Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm
cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là việc
làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích chung của quốc gia mà mục tiêu
là tiếp tục phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
16 ý kiến thảo luận tại hội trường của các đại biểu Quốc hội về dự án
Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong chiều 5/11 đã nêu nhiều khía cạnh đối
với dự án này.
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất cao với dự án Luật Cảnh sát biển
Việt Nam. Nhất trí với quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ
trang nhân dân, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá quy định
này nhằm thể hiện hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số
09 ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số
28 ngày 25/10/2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và
định hướng xây dựng quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đối với các nội dung quy định về đào
tạo cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam; nhiệm vụ, quyền hạn của
cảnh sát biển Việt Nam; biện pháp công tác của lực lượng này.../.
TTX