Nhiều cử tri tại Nam Định, Bình Dương, Tiền Giang cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch tài chính 5 năm, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo niềm tin trong nhân dân.
* Lý giải, làm rõ nhiều vấn đề
Cử tri Nguyễn Văn Chiến ở phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhìn nhận, qua báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những mục tiêu quan trọng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng GDP, thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Thời gian qua cả nước đã triển khai đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm, được xem như “đòn bẩy” để phát triển kinh tế, không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chuẩn mực đạo đức công vụ người cán bộ, đảng viên...
Điển hình trong việc đầu tư công trình kéo dài tại Nam Định là Dự án Bệnh viện Đa khoa Nam Định quy mô 700 giường được khởi công tháng 11/2007 trên diện tích gần 10 ha tại phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định do hai nhà thầu chính thi công gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và Công ty Cổ phần xây dựng 504-Vinaconex. Đây được xem là công trình y tế trọng điểm của vùng nam Đồng bằng sông Hồng do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư ban đầu là 598,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2009 số vốn được điều chỉnh tăng lên 850,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, công trình Bệnh viện quy mô 700 giường, hiện đại này dự kiến được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2011. Đến nay bệnh viện này vẫn chưa thể hoàn thành khiến cử tri và nhân dân thắc mắc. Từ thực tế đó, cử tri Nguyễn Văn Chiến đề nghị, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, có nhiều chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Đặc biệt, là thực hiện đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dẫn đến trượt giá, đội vốn, kéo dài thời gian đầu tư gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước.
Chia sẻ về các nội dung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, cử tri Huỳnh Quang Tá, Chủ tịch MTTQ xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đánh giá, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo cử tri Huỳnh Quang Tá, nếu không có nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia thì các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai chương trình an sinh xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần có nhiều chính sách cho vùng khó khăn hơn nữa, tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo an toàn; quan tâm đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… nhằm nâng cao đời sống cho người dân.
Cử tri Huỳnh Quang Tá nhận xét, tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu đã chia sẻ, kiến nghị nhiều kinh nghiệm, giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của đất nước, địa phương. Đại diện các bộ, ngành trung ương đã lý giải, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách giúp các đại biểu và cử tri nắm được tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, những khó khăn, vướng mắc và theo dõi, giám sát được tính khả thi của các giải pháp đưa ra tại kỳ họp này.
*Nỗ lực đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại tỉnh Bình Dương, Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh, Khoa kinh tế của Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, cần có quy định cụ thể về hiệu quả chi tiêu công cho từng loại dự án, ưu tiên cho đầu tư phát triển. Các quy định này không nhất thiết phải căn cứ phân bổ theo từng địa phương, mà phân bổ theo hiệu quả của dự án đầu tư công, lợi ích mà dự án đầu tư công mang lại, các chỉ tiêu hiệu quả của các dự án này. Các bài toán này sẽ cần phải được tính toán khoa học, thực tế, đạt một tỷ lệ nhất định về kết quả mang lại và mức độ chấp nhận rủi ro của dự án thì Nhà nước mới đầu tư. Các vùng có dân số ít, dự án co cụm, cần phải tính toán cẩn thận, bởi nhiều dự án đầu tư công trên thực tế rất lãng phí, nó thể hiện ngay từ khi tính toán về mặt lý thuyết cho bài toán đầu tư công, nếu dựa vào việc tính toán đề án khoa học, cẩn thận, sẽ có thể dừng ngay được các ý tưởng ở các dự án đầu tư công kiểu dạng này.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước- Môi Trường Bình Dương bày tỏ hài lòng về cách điều hành của Chính phủ hiện nay. Với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc không mệt mỏi, tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, gần gũi với các địa phương, không quản ngại khó khăn, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, động viên, khơi gợi định hướng phát triển. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, có trọng tâm, khái thác tiềm năng các nhà đầu tư, khuyến khích phát triển dân doanh, lắng nghe những đề xuất của doanh nghiệp. Do vậy, trước những khó khăn của nền kinh tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ bước đầu đã giữ được sự ổn định nền kinh tế và có phát triển tốt, các khoản nợ có dấu hiệu sáng sủa, lạm phát trong phạm vi tốt. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thiền kiến nghị, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nên để lại địa phương để đầu tư hạ tầng cho địa phương đối với công trình do ngân sách địa phương cấp, một phần làm quỹ cho vay lãi suất ưu đãi như quỹ môi trường, thời gian cho vay khoảng 15 năm trở lên để các doanh nghiệp lĩnh vực hạ tầng sau cổ phần hóa có cơ hội tiếp tục phát triển ổn định.
Còn theo ông Đậu Trọng Hiển, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ Thống Thông Minh , Chính Phủ cần nghiên cứu đưa ra các thủ tục đơn giản hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học cũng như vay vốn phát triển công nghệ để các doanh nghiệp trong nước có thể vươn lên cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.
*Quan tâm đầu tư kiến thiết hạ tầng địa bàn khó khăn
Ông Trần Hoàng Huân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, các phiên thảo luận được cử tri, nhất là giới doanh nghiệp rất quan tâm, bởi từ đó sẽ định hướng giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, góp phần việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và an sinh xã hội.
Ông Trần Hoàng Huân kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy tốt hiệu quả đồng vốn đầu tư công. Mặt khác, chú trọng đầu tư kiến thiết hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, các tỉnh nghèo và các địa phương giàu tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cần khắc phục khó khăn, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc phía Nam, sân bay Long Thành; đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào sử dụng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; tiếp tục đầu tư thêm các công trình trọng điểm như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2… nhằm tạo thêm động lực, phát huy các tiềm năng kinh tế các tỉnh trong khu vực vươn lên giàu mạnh, vừa thúc đẩy tinh thần đồng khởi khởi nghiệp trong giới doanh nghiệp, doanh nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), là cử tri thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, ông theo dõi hầu hết các phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường. Theo ông Châu, không khí thảo luận hết sức sôi nổi. Các đại biểu đã mổ xẻ “đến nơi đến chốn” những vấn đề mà nhân dân quan tâm về phát triển kinh tế - xã hội và các bộ trưởng cũng đã đăng đàn trả lời. Ông Châu nhất trí cao với giải trình, làm rõ một số vấn đề của các thành viên Chính phủ, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đồng thời, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cũng cho rằng, là một chuyên gia về nông nghiệp, ông thấy khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy. Đặc biệt, nạn phá rừng ở Tây Nguyên vẫn là một nhức nhối còn ở Tây Nam bộ, vấn đề sạt lở bờ sông cũng khá nghiêm trọng. Do đó, cần có giải pháp thỏa đáng giúp người dân an cư lạc nghiệp. Nông sản xuất khẩu nhiều nhưng thương hiệu vẫn chưa có. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt đối với các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, thanh long, xoài, sầu riêng, tôm, cá tra chế biến…/.
Theo TTXVN