Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 11/8/2011 15:30'(GMT+7)

Phim "Chủ tịch tỉnh"- Lòng tốt sẽ chinh phục mọi người, sự ngay thẳng cuối cùng sẽ chiến thắng!

Cảnh trong phim Chủ tịch tỉnh

Cảnh trong phim Chủ tịch tỉnh

Tuy cùng đề cập trực tiếp đến nhân vật lãnh đạo cấp tỉnh, nhưng "Chủ tịch tỉnh” có nội dung khác hẳn "Bí thư tỉnh ủy”. Nếu như "Bí thư tỉnh ủy” có nguyên mẫu thực là cố Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú Hoàng Kim Ngọc – tác giả khoán 10 thì "Chủ tịch tỉnh” không có nguyên mẫu cụ thể. Thời gian phản ánh trong phim cũng khác nhau. "Bí thư tỉnh ủy” tái hiện một thời kỳ lịch sử cuối năm 1960 và thập niên những năm 70 của thế kỷ 20 còn "Chủ tịch tỉnh” lại lấy bối cảnh thời gian và không gian hiện tại. Đó là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Phim xoay quanh những câu chuyện Được - Mất, Sống - Còn, các vấn đề "chạy”, từ chạy dự án đến chạy chức chạy quyền. Bên cạnh đó, phim cũng đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng khác của đời sống xã hội như: những mối tình quan chức – người đẹp; sự trả giá tình – tiền – chức tước...

Nội dung phim "Chủ tịch tỉnh” phơi bày một phần mảng tối nhưng là sự thật của cuộc chạy đua chức quyền với nhiều thủ đoạn đã diễn ra ở một số tỉnh. Sau sự ra đi của vị chủ tịch tỉnh, bắt đầu có sự xáo trộn lớn về mặt tổ chức ở Đông Giang: ai sẽ là người lên kế nhiệm người đã khuất? Và cái việc ngỡ như đơn giản ấy lại thành một chuyển động bạo liệt, ma mãnh của một dây chuyền dài dằng dặc. Nghĩa là trong bộ máy, khi đã mất đi mắt xích đầu tiên, đương nhiên theo thứ tự, các mắt xích khác phải đôn lên. Vậy là một cuộc maratông đã xảy ra. Người chạy chọt để được thay ông Sính làm chủ tịch tỉnh, kẻ muốn kế chân người sẽ được giữ cương vị ông Sính. Và không ít người muốn ở cương vị người đã được kế chân người kế chân ông Sính... Phó thay trưởng. Trưởng Sở nhăm nhe lên phó chủ tịch... Và cứ vậy, cuộc chạy đua chức quyền với nhiều mánh khóe đã diễn ra. Ở đây đã bộc lộ một điều rất rõ là tại sao người ta ham hố chức quyền tới mức bất chấp luân thường đạo lý?

Biên kịch Đình Kính cho biết: "Mặc dù không có nguyên mẫu nào cho nhân vật chủ tịch tỉnh nhưng tôi đã góp nhặt rất nhiều đặc điểm của các vị chủ tịch từ Bắc tới Nam mà tôi đã gặp để xây dựng hình tượng nhân vật Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ. Nhân vật chủ tịch tỉnh Trí Tuệ là một tấm gương điển hình mà mọi người đều mong muốn có được trong cuộc sống”.

Chọn giải pháp "an toàn” cho phim, hai đạo diễn họ Bùi (đạo diễn Bùi Huy Thuần và Bùi Quốc Việt) đã chọn những diễn viên trong "ê kíp” quen thuộc của mình trong nhiều bộ phim truyền hình gần đây. Hầu hết họ là diễn viên chuyên nghiệp và đã thành danh, nhiều người là NSƯT. Ví như: NSƯT Phạm Cường (vai Chủ tịch tỉnh), NSƯT Minh Hòa, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Minh Thảo, NSƯT Hoàng Dũng, Phạm Cường, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Lan Hương, NSƯT Duy Thanh, Linh Huệ, Hồng Sơn, Phú Thăng, Vi Cầm... Cách lựa chọn "chắc ăn” này của đạo diễn phần nào đã giải tỏa được tình trạng "thảm họa diễn xuất” nhưng lại khiến khán giả có phần lúng túng khi xem cùng một thời điểm phim "Ngôi biệt thự màu tro lạnh” cũng của đạo diễn Bùi Huy Thuần và Bùi Quốc Việt.

Tâm sự bên lề, đạo diễn Bùi Huy Thuần cho biết: Vì là phim "nhạy cảm” nên khi thực hiện một số cảnh quay rất khó khăn. Có tỉnh đã từ chối ủng hộ cảnh quay vì ngại "hiểu nhầm” là phim nói về tỉnh của mình. Rất may là UBND tỉnh Bắc Ninh đã ủng hộ đoàn phim trong rất nhiều cảnh quay. Đặc biệt là cảnh quay đoàn người biểu tình tụ tập rất đông trước của UBND tỉnh.

Dù là phim chống tiêu cực nhưng "Chủ tịch tỉnh” không vì thế mà bị phủ lên một không gian u ám. Đây đó vẫn sáng lên niềm tin: lòng tốt sẽ chinh phục mọi người; sự ngay thẳng cuối cùng sẽ thắng. Bên cạnh những lãnh đạo còn ham hố quyền lực, lợi lộc, bất chấp luân thường đạo lý, vẫn còn có những nhà lãnh đạo công tâm, vì nhân dân.

Huy Văn/ĐĐK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất