Chủ Nhật, 24/11/2024
Định hướng - Chỉ đạo
Thứ Năm, 8/1/2015 16:41'(GMT+7)

Phòng chống dịch bệnh cần công khai, minh bạch thông tin

Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân nhi. (Ảnh: TTXVN)

Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân nhi. (Ảnh: TTXVN)

Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về công tác phòng chống dịch trong năm qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thưa phó giáo sư, năm 2014 đã qua với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, ông nhìn nhận gì về công tác phòng chống dịch tại Việt Nam trong năm qua?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Trong năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, gia tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới. Mặc dù dịch bệnh Ebola xuất hiện trên thế giới từ năm 1976 nhưng năm nay bùng phát mạnh mẽ nên Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng.

Còn đối với trong nước, bệnh dịch lưu hành có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Năm qua, ngành y tế tập trung vào việc khống chế không cho sự xâm nhập của dịch bệnh Ebola, MERS-CoV, dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam. Dịch cúm A/H7N9 bùng phát mạnh ở Trung Quốc… Việt Nam tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Tuy vậy, trong năm vừa qua, chúng ta cũng đã ghi nhận sự gia tăng về số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng. Đặc biệt tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắcxin sởi thấp không đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% ở quy mô xã, phương tạo vùng "lõm" về tiêm chủng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng lây chéo tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

- Trên phương diện của nhà quản lý lẫn vai trò của một chuyên gia phòng chống dịch. Ông có thể cho biết bài học nào ngành y tế rút ra được sau một năm đối mặt với nhiều dịch bệnh?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cũng thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó việc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh từ các cửa khẩu quốc tế và tại cộng đồng. Khi phát hiện thấy ca bệnh phải xử lý ngay, triệt để không để lây lan hết sức quan trọng.

Ví dụ trong năm vừa qua, tại thành phố Hà Nội khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên nên trong vòng một tuần ổ dịch này đã được khống chế hoàn toàn, dịch không bùng phát rộng như những năm trước.

Tại một số huyện miền núi sau khi phát hiện có dịch sởi, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch ngay cả ngày Tết nguyên đán nên dịch không bùng phát mạnh ra các vùng xung quanh.

Như vậy, việc phòng chống dịch cần phải quyết liệt và triệt để ngay từ những ca bệnh đầu tiên sẽ tạo được hiệu quả lớn không để dịch lây lan tại cộng đồng.

Ngoài ra, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như khai báo khi có dịch, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, và đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Một yếu tố cũng hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như đảm bảo đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương…


Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu.

- Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng ngành y tế cần công khai thông tin khi có dịch bệnh để tránh việc thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh thông tin mạng chính thống và mạng xã hội nhiều như hiện nay?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu:
Tôi cho rằng phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh. Bởi việc công khai và cập nhật tình hình dịch bệnh sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên việc truyền tải thông tin như thế nào là rất quan trọng.

Nếu việc đưa thông tin không có tính định hướng tốt hoặc thông tin không chính xác thì nó lại trở thành trở ngại, làm người dân quá lo lắng hoặc không huy động được sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, có vấn đề không chỉ dừng lại ở khía cạnh sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến đời sống người dân, an sinh xã hôi, phát triển kinh tế….

Ví dụ nếu chúng ta chỉ đưa quá nhiều thông tin về phản ứng có thể có của vắcxin (những phản ứng thường có đã được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới hoặc nhà sản xuất) mà không đưa thông tin có lợi rất lớn của vắcxin đó để phòng bệnh khiến cả cộng đồng không đi tiêm chủng, hậu quả là dịch bệnh sẽ bùng phát.

Nếu mỗi khi có dịch cúm gia cầm chỉ có tại một địa phương mà chúng ta truyền thông không tốt dẫn tới người dân cả nước tẩy chay thực phẩm gia cầm, thực sự ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân và có thể ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Để làm tốt việc này, tôi cho rằng cần có sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông, trong đó ngành y tế đóng vai trò là người cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời.

- Theo ông, năm 2015 Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì về dịch bệnh và ngành y tế đã lên phương án chuẩn bị đối phó thế nào?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Theo tôi, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm cũng có thể xảy ra. Dịch bệnh Ebola ở châu Phi chưa khống chế được; dịch cúm trên gia cầm và trên người đang bùng phát ở nhiều nơi.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ đã lưu hành như lao, sốt rét, HIV, nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại rộng mở giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tập quán lạc hậu nên một số dịch bệnh lưu hành trong nước cũng có thể gia tăng và bùng phát như bệnh cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus, dại… Đặc biệt là những khu vực có sự biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số.

Như vậy, trong năm 2015 có thể chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch trong năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh.

Một yếu tố quan trọng thành công trong công tác phòng chống dịch, bệnh phụ thuộc ý thức, trách nhiệm của người dân, hãy coi phòng chống dịch bệnh là một phần trách nhiệm của mình.

Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư! ./.

Đức Minh (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất