Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 18/9/2009 20:8'(GMT+7)

Phòng ngập úng cho Thủ đô: Cần một "kịch bản" cụ thể!

"Kịch bản" nào có thể giải quyết được vấn đề trên đang đặt ra không chỉ với cơ quan cấp thoát nước mà nó cần sự hợp lực của tất cả các ngành. Đặc biệt, khi Thủ đô đang chuẩn bị đón sinh nhật 1000 năm tuổi với một diện mạo mới thì cảnh ngập úng cần phải dứt điểm giải quyết...

Báo động....

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội, điều lo nhất của Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành trong mùa mưa bão năm nay là nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là mưa lớn gây ngập úng nặng.

Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội trong năm nay sẽ nhiều hơn những năm trước. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy dẫn đến lũ trên các sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Nhuệ... diễn biến phức tạp, có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Bởi vậy, UBND thành phố đang chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai.

Để khắc phục những hạn chế trong chống úng ngập, từ năm 2008, UBND thành phố đã thành lập 3 ban: Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy Cứu trợ và Đảm bảo đời sống nhân dân thành phố và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão úng thành phố. Việc tổ chức các ban chuyên trách này đảm bảo tính cơ động cao trong triển khai các phương án chống ngập úng, cứu nạn, cứu trợ kịp thời cho người dân khi có tình huống xấu.

Cũng theo ông Thịnh, phương án cứu trợ dân vùng ngập úng đã được Ban chỉ huy Cứu trợ và Đảm bảo đời sống nhân dân thành phố hoàn tất. Theo đó, nếu mưa lớn gây úng ngập từ 1- 5m, thì nhiều vùng dân cư sẽ bị cô lập, chia cắt. Nặng nhất là các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Long Biên, Thanh Trì, Từ Liêm... Để đối phó với trường hợp này, ngoài sự chuẩn bị của người dân, chính quyền các cấp, Ban chỉ huy Cứu trợ và Đảm bảo đời sống nhân dân thành phố có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa cứu trợ, thuốc men, lực lượng y tế, phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ...

Chủ động tiêu úng

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, việc tiêu úng cho nội đô Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu trông chờ vào hai trạm bơm Yên Sở và Thanh Trì, đập điều hòa Thanh Liệt. Hệ thống kênh mương nội đồng, cống, kè... ở những địa bàn xung yếu đã được tu bổ, thi công hoàn tất và sẵn sàng đối phó với tình huống xấu. Để tăng cường năng lực tiêu úng cho Hà Nội, nhất là ở phía Tây, thành phố đang khẩn trương chuẩn bị báo cáo Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án Trạm bơm Yên Nghĩa.

Để chủ động tiêu úng cho Hà Nội trong mùa mưa, nhiều phương án phân lũ, chậm lũ đã được đưa ra. Kèm theo đó là các phương án cứu trợ, đảm bảo đời sống cho người dân vùng ngập úng cũng được Ban chỉ huy Cứu trợ và Đảm bảo đời sống nhân dân thành phố xây dựng cụ thể. Điển hình như tình huống phân lũ vào sông Đáy. Khi nước sông Hồng tiếp tục lên nhanh vượt 13,1m tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố lệnh báo động khẩn cấp phân lũ sông Đáy. Khi đó, 108 xã của 8 huyện là Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức với trên 103.949 hộ dân, tương đương 450.000 nhân khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Nếu trường hợp này xảy ra, người dân cần dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, thuốc y tế thông thường...

Ban chỉ huy Cứu trợ và Đảm bảo đời sống nhân dân thành phố cũng đưa ra các phương án phân, chậm lũ khu vực bụng chứa Vân Cốc, Lương Phú; cùng nhiều tình huống có thể vỡ đê tại một số tuyến trên địa bàn thành phố. Kèm theo nhiều phương án tiêu úng là các biện pháp cứu trợ về lương thực, thuốc men, nước uống... cho người dân vùng lũ.

Tuy nhiên, tất cả những động thái trên của cơ chuyên ngành cũng mới chỉ dừng lại ở các giải pháp tình thế. Hà Nội đang cần một "kịch bản" hay để giải quyết tận gốc vấn đề trên thì chưa có và đang rất cần./.

Hữu Tâm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất