Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 22/9/2010 14:30'(GMT+7)

Phụ huynh vẫn thờ ơ với mũ bảo hiểm cho trẻ

Phụ huynh cần tập thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Phụ huynh cần tập thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Nhiều phụ huynh vẫn“trốn” mũ bảo hiểm cho trẻ

Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy do người lớn điều khiển sẽ phạt người điều khiển từ 100-200 nghìn đồng. Theo đó, hình ảnh các em nhỏ đội mũ bảo hiểm ngày càng nhiều trên đường phố Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ông bố, bà mẹ tìm đủ lý do để “lách luật” và “trốn” đội mũ bảo hiểm cho con. Người thì bảo chưa kịp mua mũ bảo hiểm, người khác lại cho rằng, trẻ con không cần phải đội mũ bảo hiểm cho nặng đầu, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương của trẻ, nhất là xương cổ; người thì nói dối rằng, con của họ chưa được 6 tuổi…

Trên các đường phố Hà Nội, hình ảnh các em bé ngồi trước hoặc sau xe máy của bố mẹ, được trang bị đầy đủ áo chống nắng, khẩu trang nhưng lại thiếu mũ bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến. Những chiếc mũ phớt, mũ vải vẫn được các phụ huynh sử dụng thay thế cho mũ bảo hiểm. Nhiều bậc phụ huynh treo mũ ở trước xe nhưng không đội cho con, chỉ khi tới đoạn đường có công an, họ mới dừng xe lại và cho con đội mũ bảo hiểm để đối phó. Hiện, chưa có tổng kết chính xác về tỉ lệ trẻ em ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên, tại TP Hà Nội và các đô thị lớn, con số này vẫn rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai (sau chết đuối) dẫn đến tử vong của trẻ (từ 0 - 19 tuổi). Theo thống kê của bệnh viện Việt Đức Hà Nội, riêng 6 tháng đầu năm 2010 đã có 604 người bị tai nạn giao thông phải vào viện, trong đó có tới 15% là trẻ em với 33 trường hợp chết tại bệnh viện và 122 trường hợp bị thương tật nặng. Cũng trong thời gian đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có 493 vụ tai nạn giao thông, làm chết 412 người, bị thương 191 người. Tuy vậy, con số này vẫn còn ít hơn nhiều so với số liệu mà trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội ước tính. Thực tế, thương tật và tử vong do tai nạn giao thông gây ra còn cao hơn khoảng 40% so với số liệu báo cáo.

Theo bác sỹ An, khi bị tai nạn giao thông, khả năng chấn thương sọ não rất lớn, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ. Khi bị ngã, trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương sọ não do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các trẻ em lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã. Song, việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đặc biệt là cho trẻ em ngồi trên xe máy vẫn chưa được người dân ý thức đúng đắn. Điều này đã gây ra rất nhiều thương tích và những cái chết thương tâm cho trẻ em.

Hình ảnh các em bé ngồi trước hoặc sau xe máy của bố mẹ
nhưng không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến.

Cần tập thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Cho tới nay, việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vẫn chưa thực sự được xử phạt nghiêm minh. Tại Nam Định, trong đợt ra quân kiểm tra đội mũ bảo hiểm vừa qua, Phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 72 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, song lại không xử phạt trường hợp nào về việc chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Thực trạng này cũng xảy ra tương tự tại Thái Bình và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy định phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy chở người không đội mũ bảo hiểm (trẻ em trên 6 tuổi) - chế tài đã đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Tuy nhiên, việc xác định độ tuổi của các em đối với lực lượng thi hành pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở các phụ huynh vì khó xác định tuổi các cháu.

“Cần vận động và chỉ ra cho các bậc phụ huynh hiểu được rằng, đội mũ bảo hiểm chất lượng và đúng cách là biện pháp hiệu quả nhất để tránh chấn thương sọ não cho bản thân và con em mình trong trường hợp không may xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, phải dạy cho con trẻ “Học đi đường an toàn”: dạy trẻ qua đường, đi bộ, đi xe đạp an toàn; đảm bảo an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe máy, ô tô… Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, muốn tạo dựng được cho người dân ý thức chấp hành pháp luật tốt và có văn hóa giao thông cao, cần phải có thêm chế tài xử phạt nghiêm minh và cần có thời gian để người dân hiểu, có hành vi đúng”, bác sĩ An nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, ở nước ta, 80% học sinh mẫu giáo, tiểu học tại các thành phố hằng ngày được cha mẹ đưa đón bằng xe gắn máy. Thực tế hằng ngày và các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các vụ tai nạn giao thông. Chiếc mũ bảo hiểm hoàn toàn là một công cụ hữu hiệu, an toàn và thích hợp để các bậc làm cha, làm mẹ bảo vệ con cái khỏi nguy cơ chấn thương sọ não.

Đáng tiếc rằng, nhiều phụ huynh vẫn không thật sự ý thức được rằng: việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình không phải vì cảnh sát hay quy định mà quan trọng là để đảm bảo an toàn cho chúng.

Theo  Nguyễn Oanh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất