Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 20/10/2009 10:47'(GMT+7)

Phụ nữ làm quản lý

Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Chủ tịch Phi-đen Cat-xtơ-rô (Ảnh minh họa).

Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Chủ tịch Phi-đen Cat-xtơ-rô (Ảnh minh họa).

Phụ nữ ở nước ta tỏ ra rất xứng đáng với truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu ngày xưa, có khả năng lãnh đạo chỉ huy ở những cương vị rất lớn. Và họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng, không kém bất cứ một “đấng mày râu” nào, nếu không nói có những phẩm chất còn hơn hẳn. Không chỉ có nữ tướng Bùi Thị Xuân xưa, ở thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã có một vị Tổng tư lệnh lực lượng võ trang là một phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Định đã rất có uy lực và chiếm được tình cảm trọn vẹn cuả các chiến sĩ giải phóng. Phía bên kia chiến tuyến cũng phải nể phục bà. Rồi vị trí phó chủ tịch nước cũng lần lượt được trao vào tay các vị thuộc phái đẹp: Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa và hiện nay là Nguyễn Thị Doan. Đứng đầu các ngành y tế, lao động thương binh và xã hội, du lịch… và một vài cơ quan ngang bộ khác hiện nay ở nước ta đang là những phụ nữ có uy tín. Rất nhiều Thứ trưởng, phó chủ tịch các tỉnh và thành phố cũng đang là các chị. Đó là chưa kể đội ngũ cán bộ quản lý những cơ quan dưới bộ, đứng đầu nhiều nhà máy xí nghiệp công ty lớn, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, giám đốc các nhà xuất bản, Tổng biên tập các báo… Con số ấy phải tới hàng ngàn. Các chị em tỏ rõ sở trường, năng lực quản lý ở tất cả các lĩnh vực xã hội, khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hoá tư tưởng. Dù đứng đầu một cơ quan sự nghiệp hay sản xuất kinh doanh hoặc lãnh đạo đoàn thể , phụ nữ luôn hoàn thành tốt đẹp sứ mạng cuả mình.

Nhìn rộng ra thế giới, cũng có nhiều người đẹp nổi tiếng đã từng hoặc đang nắm giữ những trách nhiệm trọng đại mà quốc gia giao phó: Gan Đi (Thủ tướng Ấn Độ), Thát Chơ ( thủ tướng Anh), Tổng thống Inđônêxia nhiệm kỳ trước và Tổng thống Phil Líp Pin bây giờ đều là phụ nữ. Đang có 2 bộ trửơng ngoại giao khá nổi tiếng được thế giới bàn luận nhiều là bà ClinTơn (Mỹ) và Zu rabi shvili( Gru Zi a). Đó là chưa kể trong quá khứ và hiện tại còn có rất nhiều nữ hoàng trị vì ở những nước có chế độ vua mà Võ tắc Thiên là người nổi tiếng nhất.

Không ít người cho rằng so với nam, phụ nữ không thể cáng đáng được những công việc đòi hỏi trí tuệ bản lĩnh, ít nhất được như nam giới. Đó là những ý nghĩ rất nhầm. Khoa học đã nghiên cứu và cho thấy: Chỉ số thông minh cuả nữ không thể kém nam. Nhưng đã có một thực tế: tỷ lệ nữ thành đạt thấp hơn phái “mày râu”. Điều này thật dễ hiểu: Bởi vì phụ nữ còn có một chức phận hết sức nặng nề không thể thoái thác: sinh đẻ và nuôi con cùng việc thu xếp quán xuyến tề gia nội trợ trong gia đình. Thiên chức sinh đẻ và nuôi con gắn với quy luật tự nhiên duy trì phát triển loài người. Tuy rất nặng nhưng phụ nữ lại luôn cảm thấy hạnh phúc mãn nguyện khi được thực hiện thiên chức này. Thực tế cho thấy không một người đẹp nào dù có ở mọi cương vị xã hội, thành đạt đến đâu chăng nữa lại có thể dễ dàng từ bỏ thiên chức làm vợ làm mẹ. Các chị em đang nắm giữ trọng trách ở mọi lĩnh vực xã hội vừa nói trên đều đang làm mẹ và đã từng vô cùng vất vả để nuôi con trưởng thành. Không thiếu chị hiện tại đang nuôi con nhỏ trong khi vẫn cáng đáng công việc quản lý. Như vậy, một phần lớn thời gian sức lực trí tuệ họ đã phải dành vào công việc thiêng liêng ấy mà nam giới thì không. Cho nên không có gì khó hiểu về cái tỷ lệ còn khiêm tốn ở trên. Một chứng minh rất thuyết phục cho điều này: lúc còn bé, trong các lớp học thường các bé gái giỏi hơn các bé trai. Suốt quá trình đi học từ lớp 1 lên đại học, số học sinh sinh viên giỏi là nữ nhiều hơn nam. Vậy mà sau khi ra trường nam giới lại thành đạt hơn nhiều nữ. Ai cũng thấy rõ: trong khi nam rong ruổi miệt mài lao vào sự nghịêp thì nữ mang bầu, sinh con và chăm sóc gia đình. Với 2 đứa con từ lúc mang thai đến lúc chúng ở tuổi 15- nghĩa là có thể tạm yên tâm về con cái - người phụ nữ mất đứt đi 20 năm mà dù có nỗ lực vượt bậc thì cũng chỉ có thể dành cho công việc một nửa thời gian.

So với nam giới, phụ nữ làm quản lý, bên cạnh những hạn chế về sức khoẻ, về sự phân tâm do phải cáng đáng thiên chức trong gia đình thì cũng có nhiều thuận lợi mà nhiều chị em đã biết phát huy để hoàn thành tốt sứ mạng. Trước hết chị em luôn giàu lòng nhân hậu vị tha - một phẩm chất không dễ có ở đàn ông. Nếu nam giới quản lý luôn phải áp dụng những biện pháp hành chính - có khi là những kỷ luật thép - thì phụ nữ lại không mấy khi cần đến. Chị em quản lý chủ yếu bằng thu phục nhân tâm, bằng tình yêu thương, bằng việc đánh thức những nhận thức đúng đắn, đánh thức lương tâm và trách nhiệm trong mỗi nhân viên dưới quyền. Đó thực sự là biện pháp tích cực mang đậm ý nghĩa nhân văn. Nam giới làm quản lý không phải là không thực hiện được cách này và thực tế cũng có nhiều vị đạt được nhưng so với nữ thì còn thua xa. Bản tính nóng vội luôn muốn đạt hiệu quả nhanh đã thúc đẩy nhiều vị “sếp mày râu” không đủ kiên nhẫn để thực thi những biện pháp thuyết phục mềm mỏng. Thay vì họ đã tìm đến ngay những biện pháp hành chính với những quy định nghiêm ngặt rồi đốc thúc guồng máy vận hành. Nếu ai vi phạm đi chệch khỏi cái guồng ấy nhiều lần thì sẽ bị xử lý vói những mức độ khác nhau. Chị em không làm như vậy. Với nhiều người đẹp làm sếp, kỷ luật cấp dưới dù ở mức độ nhẹ nhất là nhắc nhở khiển trách cũng tối kỵ. Thường họ hay lấy cái tâm từ thiện của mình để thuyết phục cấp dưới.

Những phẩm chất biện pháp quản lý tốt đẹp này cũng lại có mặt trái như con dao hai lưỡi mà lắm khi chị em không lường trước hết được những hậu quả. Thường thì biện pháp quản lý này chỉ phát huy tác dụng ở những cơ quan tương đối “thuần”. Mọi người trong tập thể đều “biết điều”, tự trọng. Còn thì với những đối tượng cố tình chống phá tập thể, gian tham mưu cầu lợi ích cá nhân bằng mọi giá thì nhiều khi họ đã lợi dụng chính sự tử tế ấy cuả sếp để thực hiện tham vọng. Không thiếu chị em trước sự năn nỉ của cấp dưới đã vị nể, cả vì thương mà thoả mãn yêu cầu, đến khi đạt được, chính kẻ đó đã chẳng những không biết ơn mà lại còn quay ngoắt lại báo hại chỉ để đạt được một tà ý nào đó. Chị em có tâm thì nghĩ: Mình tốt với mọi người, luôn làm việc vô tư, vì quyền lợi của tập thể chứ chẳng vì bản thân thì chắc chắn sẽ nhận được sự tử tế từ anh em. Nhưng cuộc sống đã chứng minh không hẳn đơn giản như vậy. Những chị em là “sếp” có thể rất sắc sảo trong công việc nhưng lại dễ tin người. Và trái tim mềm yếu cuả họ cũng dễ mủi lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, tội nghiệp, trước những lời dãi bày hoặc năn nỉ, xin xỏ cuả cấp dưới. Họ không dễ phân biệt những hoàn cảnh đáng cảm thông thực sự và những kẻ nguỵ tạo, giả dối.

Một phẩm chất đáng quý khác nữa cuả phụ nữ làm quản lý là luôn gương mẫu, chịu khó chăm chỉ, “miệng nói tay làm” chứ ít khi “chỉ tay 5 ngón”, nói nhiều làm ít như “sếp mày râu” thường mắc. Đó vừa là ưu điểm nhưng đồng thời có lúc có nơi laị trở thành điểm yếu nếu trong tập thể có người luôn trây ì lười biếng, tìm mọi cách “trốn việc quan đi ở chùa”. Tóm lại, rất nhiều phẩm chất tốt của phái đẹp được bộc lộ trong nghề quản lý đã giúp các chị gặt hái được nhiều hiệu quả. Song cũng chính từ những điểm mạnh đó mà khiến các chị không ít mệt mỏi khi gặp phải đối tượng tiêu cực luôn lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân, mà một điểm yếu nổi rõ nhất cuả chị em là sự mềm yếu, có khi là quá tốt, quá nhân hậu, không nỡ thực thi những biện pháp cứng rắn trong công tác điều hành.

Thật đáng mừng là đội ngũ chị em làm quản lý ở nước ta ngày càng hùng hậu và chất lượng. Đóng góp vào mọi thành tựu lớn cuả đất nước có công lớn cuả họ. Toàn xã hội hãy ghi công và cùng tạo mọi điều kiện để họ tiếp tục phát huy tác dụng, viết tiếp trang sử truyền thống phụ nữ Việt Nam: Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang./.

Nguyễn Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất