(TG) - Bên cạnh các hình thức truyền thống, hoạt động tuyên truyền còn được lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong mỗi dịp lễ hội và sinh hoạt văn hóa của người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống.
Huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có 59,4% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống; 6 xã thuộc chương trình 229 và 133 thôn bản đặc biệt khó khăn. Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn, những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật luôn được huyện Thanh Sơn quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả. Thực tế cho thấy, công tác trợ giúp pháp lý ở Thanh Sơn thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần loại bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn.
Thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số đã được Hội đồng PBGDPL huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể các cấp tập trung triển khai. Thông qua các hoạt động như: Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo các hình thức trợ giúp pháp lý; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hòa giải ở cơ sở, cấp phát miễn phí tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, tổ chức hội nghị, cuộc họp phổ biến pháp luật trực tiếp, tuyên truyền lồng ghép với các chương trình, hoạt động xã hội…
Thông qua hoạt động TGPL, các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật; chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững được thông tin, phổ biến đến với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào các bộ luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em… nhờ đó, đông đảo người dân, đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, giúp nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong năm 2016, huyện đã phối hợp với Trung tâm TGPL của tỉnh tổ chức được hàng chục hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, TGPL cho hàng trăm đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, thanh - thiếu niên. Những hoạt động tuyên truyền pháp luật thu hút đông đảo cán bộ công chức, viên chức, hội viên các tổ chức xã hội tham gia. Tiêu biểu là các hoạt động tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại 15 xã trên địa bàn huyện như: Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Hương Cần, Võ Miếu… đã tư vấn cho trên 1.500 người dân tộc thiểu số về các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo, đất đai, lao động, bảo hiểm, phòng chống bạo lực gia đình... Cùng với đó là các nội dung liên quan đến giới thiệu Luật TGPL, tuyên truyền Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tiếp nhận ý kiến và tư vấn, giải đáp pháp luật đối với những vấn đề còn vướng mắc của nhân dân. Bên cạnh đó, Hội đồng PBGDPL huyện tiến hành cấp phát hành trên 100 cuốn tài liệu pháp luật, trên 2.000 tờ gấp pháp luật... tới đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự đa dạng trong cách thức tuyên truyền hướng đến các đối tượng cụ thể và hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả đã tạo ý thức tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân trong huyện. Nhân dân đã chủ động tìm hiểu, áp dụng quy định pháp luật để giải quyết hoặc tìm đến cơ quan TGPL để được tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tạo điều kiện để công tác PBGDPL cho đồng bào vùng cao Thanh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực.
Để công tác TGPL thực sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân, huyện Thanh Sơn xác định đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là hướng đến đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện đúng những quy định pháp luật gắn trực tiếp với đời sống, phù hợp với phong tục tập quán, nếp sống của đồng bào. Bên cạnh các hình thức truyền thống, hoạt động tuyên truyền còn được lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong mỗi dịp lễ hội và sinh hoạt văn hóa của người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống./.
Bài, ảnh: Phùng Huyền Trang