Nếu chúng ta liên hệ đến thời điểm giữa thế kỷ XX, thời điểm mà vấn đề môi trường chưa đặt ra cấp bách như hiện nay và trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ để bảo vệ độc lập dân tộc thì sẽ thấy được tầm nhìn sâu sắc, lâu dài của Người vì sự phát triển bền vững của đất nước. Trong sinh hoạt hàng ngày, thông qua những việc làm nhỏ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ mong muốn xây dựng một môi trường sống trong lành cho các thế hệ tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói nhấn mạnh đến lĩnh vực này. Tại Hội nghị Tổng kết công tác nông - lâm - ngư nghiệp năm 1956, Người nhấn mạnh: "Nghề nông luôn phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn hán, lũ lụt, sâu bọ, chuột, dịch... lại còn phải đấu tranh với tập quán bảo thủ lạc hậu". Người đã chỉ rõ nội dung, biện pháp phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường là phải toàn diện và chú ý phòng chống cả 3 loại giặc nguy hiểm đó là: "Giặc hạn hán", "giặc bão lụt" và "giặc sâu bệnh". Lúc sinh thời, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn cuộc sống của mình với thiên nhiên, môi trường. Thiên nhiên không những là nơi cung cấp những điều kiện sống và công tác, mà với Người, thiên nhiên là người bạn, người cổ vũ, chia sẻ buồn vui. Với thiên nhiên, Người tìm thấy một sự quân bình trong tâm hồn lúc thảnh thơi hay trong những giờ phút căng thẳng. Vì thế, thiên nhiên (sông, núi, trăng, sao, chim, hoa ...) thường xuất hiện trong thơ của Người ngay cả khi “thân thể ở trong lao”, hay giữa núi rừng Việt Bắc, khi Người còn “chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”...
Người chủ trương sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường. Theo Người, môi trường sống là yếu tố quan trọng đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và giúp cho họ công tác tốt. Chính vì vậy, Người luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở đảm bảo các "phương châm", các "điều kiện": "Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui... Nhà thoáng, ráo, kín, mát" .
Trong những dịp nói chuyện với thiếu nhi, thanh niên, Người không quên nhắc nhở, động viên các em trồng cây. Nói chuyện với thiếu niên, nhi đồng trong dịp Tết Trung thu năm 1960, Người căn dặn: "Các em tiếp tục trồng cây nhiều nữa. Ở thành thị cũng như ở nông thôn, các em nên thành lập những đội nhi đồng chăm nom cây cối để giúp đồng bào trồng cây nào sống cây đó, tốt cây đó". Với những địa phương, đơn vị không thực hiện tốt nhiệm vụ trồng cây, Người thẳng thắn phê bình. Người phê bình nhân dân Thái Nguyên: "Việc trồng cây gây rừng chưa được coi trọng, trồng cây nhưng chưa chú ý chăm sóc để cây chết, cán bộ, công nhân khu gang thép đốt cháy mất hơn 2 vạn cây" và yêu cầu "phải ra sức bảo vệ rừng, không để gây ra cháy rừng". Đồng thời, với những địa phương đơn vị có thành tích về vệ sinh và trồng cây, Người có lời khen ngợi và nêu gương. Người nêu tấm gương về thôn Lạc Trung (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc): "Thôn Lạc Trung hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào. Nhờ trồng cây có kế hoạch nên từ một thôn trơ trọi chỉ sau vài năm Lạc Trung trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường... Bà con xem đó, do Tết trồng cây mà đất nước ta càng thêm xanh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xác định, bão, lụt, hạn hán là những "loại giặc", không chỉ tàn phá môi trường, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp. Theo Người, vấn đề quan trọng trước hết của công tác phòng chống bão, lụt là làm tốt công tác phòng hộ đê, chủ động chăm lo xây dựng, bảo vệ hệ thống đê vững chắc. Người cho rằng, giữ đê, chống lụt là nhiệm vụ khó khăn, quyết liệt, cần phải có ý chí quyết tâm cao, tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo. Trong “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê”, Người chỉ rõ: "Trong việc giữ đê, tổ chức phải chặt chẽ, chỉ huy phải vững vàng, dụng cụ phải đầy đủ. Các đoàn thể Nông hội và Thanh niên phải xung phong, các đơn vị bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp sức đồng bào". Trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai thường đi liền với địch họa, sự "phá hoại kép" này luôn gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Năm 1968, Người đã chỉ thị: "Các ngành và các địa phương cần coi trọng hơn nữa việc phòng và chống lụt, bão, chống địch đánh phá đê, kè... phải vận động đồng bào làm nhiều thuyền, mảng, ụ đất, sàn gác, chằng chống nhà cửa cho vững, phòng khi lụt to,bão lớn. Phải giữ gìn và sửa sang hầm hố, phòng máy bay giặc Mỹ". Người cũngkêu gọi mọi lực lượng, mọi lứa tuổi đều phải tham gia chống hạn: "Mỗi người phải ra sức chống hạn. Ai ai cũng thi đua tham gia chống hạn. Các cụ già có kinh nghiệm, thanh niên có sức lực làm đầu tàu. Các cháu thiếu nhi ra đồng động viên, nấu nước cho đồng bào uống. Mỗi người một tay, già trẻ góp sức, nhất định chống hạn thắng lợi",v.v..
Từ những thông điệp giản dị và cụ thể đó, chúng ta thấy được tư tưởng của Bác về môi trường để rút ra những bài học về bảo vệ và phát triển môi trường bền vững.
Trước hết, phải coi đó là việc của toàn dân, chỉ có dân làm thì sự nghiệp đó mới thành công.
Thứ hai, sự nghiệp bảo vệ môi trường muốn thành công phải để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân tự quản, tự làm, tự kiểm tra.
Thứ ba, đi đôi với phát triển kinh tế, văn hoá phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững.
Thứ tư, con người quan hệ, ứng xử với môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần tiết kiệm, phải có ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ mình và thế hệ con cháu mai sau
Thứ năm, cần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ để họ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi đối xử phù hợp với môi trường, để môi trường phát triển bền vững.
Quán triệt, vận dụng có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về môi trường và bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta coi công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là nội dung không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nước ta; là cơ sở quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta đã được hoàn thiện một bước. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường. Tổng cục Môi trường được thành lập; lực lượng cảnh sát môi trường được hình thành; Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực các sông lớn, tổ chức quản lý môi trường ở các bộ, ngành và địa phương, nhất là Chi cục Bảo vệ môi trường được thiết lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung, các điều kiện, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường cơ bản đã được đáp ứng. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ bước đầu...
Tuy nhiên, trước những thách thức, tác động của biến đổi khí hậu, sự không đồng bộ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động. Đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm; biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Hằng năm, chúng ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão, mưa lũ làm chết hàng trăm người, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng. Thành quả xây dựng và phát triển của địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể biến mất nếu không dự báo đúng và có biện pháp ứng phó kịp thời. Những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước.Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số trong khi mật độ dân số đã quá cao, tình trạng đói nghèo chưa được khắc phục tại một số vùng nông thôn, miền núi; các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường trước những thách thức gay gắt.
Bên cạnh các nguyên nhân do tác động khách quan, các nguyên nhân chủ quan vẫn là chính yếu. Tư duy coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến; phát triển kinh tế vẫn còn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh đang gây áp lực lớn lên môi trường. Trong khi đó, thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vẫn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do những hạn chế trong năng lực tuân thủ pháp luật về môi trường của cộng đồng dân cư, một bộ phận người dân vẫn còn nghèo, sống chủ yếu dựa vào môi trường, vì mưu sinh mà phá hoại môi trường. Những người nghèo ở vùng miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, vì không có đất canh tác nên đã phá rừng để trồng trọt. Phương thức canh tác du canh du cư không bền vững, hủy hoại tài nguyên mà vẫn không thoát được nghèo. Người nghèo ở vùng ven biển, sống chủ yếu dựa vào đánh bắt ven bờ, sử dụng những phương tiện đánh bắt hủy diệt gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, làm cho bản thân họ ngày càng nghèo thêm. Người nghèo ở khu vực đô thị, do không có điều kiện phải sống ở những nơi “ổ chuột”, phải sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm trong sinh hoạt, trốn tránh nộp phí thu gom rác thải bằng việc vứt rác bừa bãi. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, thiếu nhân lực, nhất là ở các địa phương. Đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, còn thiếu cương quyết và chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững. Quan điểm đó của Đảng đã được cụ thể hóa sâu sắc trên những điểm sau:
Thứ nhất, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập quốc tế của nước ta.
Thứ hai, để phát triển bền vững đất nước, cần phải có sự kết hợp cân đối, hài hòa giữa ba nội dung là: phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, phải xem bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế và không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Việc lồng ghép yếu tố môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của các cấp, các ngành phải được quan tâm đúng mức và thực hiện một cách nghiêm túc. Đầu tư cho bảo vệ môi trường cần phải có những chuyển biến rõ rệt trong quan điểm về đầu tư, mức đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức quốc tế, cá nhân và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ ba, bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.
Thứ tư, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường là việc làm khó khăn, tốn kém. Phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là biện pháp hiệu quả nhất và phù hợp nhất. Nếu công tác phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường được thực hiện khoa học, nghiêm túc và hiệu quả thì sẽ tiết kiệm được nguồn lực lớn cho công tác khắc phục, phục hồi môi trường sau này. Phải thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển nhằm tránh và không để xuất hiện các nguồn gây ô nhiễm trong tương lai.
Thứ năm, bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo và quản lý thống nhất của Chính phủ cũng như sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh ô nhiễm, môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, cần xác định những vấn đề ưu tiên, trọng tâm và cấp bách để xử lý, giải quyết, tránh thực hiện dàn trải.
Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách, khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các đoàn thể nhân dân đối với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải chịu trách nhiệm khắc phục, phục hồi, bồi thường thiệt hại. Môi trường là tài sản quốc gia, Nhà nước với tư cách là đại diện có trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường sống cho nhân dân, có quyền buộc các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường, khắc phục.
Đảng ta cũng xác định các mục tiêu cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, đó là: Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.
Để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, cần thấu triệt, thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực quan trọng này, trong đó tập trung quan tâm triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức, tri thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đa dạng hóa các hình thức, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng bảo vệ quốc phòng - an ninh với bảo vệ môi trường. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức hiểu biết về môi trường trong thời kỳ hội nhập (thực hiện tiêu chuẩn môi trường, rào cản môi trường, nhãn hiệu hàng hoá xanh, các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường…). Lồng ghép giáo dục về hoạt động môi trường trong chương trình đào tạo của các nhà trường, cơ sở đào tạo. Nghiên cứu thực tiễn, xây dựng, bồi dưỡng điển hình các đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế về môi trường thời kỳ hội nhập, đạt các tiêu chí đủ điều kiện cấp chứng chỉ. Chúng ta cần xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường và tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Nghiên cứu sớm hoàn thiện, sửa đổi bổ sung và ban hành bộ luật về môi trường mới, rộng hơn, cụ thể hơn và khả thi hơn. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông, môi trường nông thôn, miền núi, biển và hải đảo. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp, các ngành, phải coi nhân dân là “tai mắt” trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra cần được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng cán bộ quản lý môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện chính sách và tiêu chuẩn môi trường phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường năng lực kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi chuyển chất thải, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ bên ngoài vào nước ta. Hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung, từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống không văn minh, thiếu vệ sinh, các hủ tục trong mai táng. Xây dựng công sở, xí nghiệp, gia đình, làng bản, khu phố sạch, đẹp đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân. Quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường.
Bốn là, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng phải được thể hiện rõ hơn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, địa phương, trong từng dự án, với tầm nhìn dài hạn. Ở tầm chiến lược, chúng ta cũng cần nhận thức rõ vấn đề an ninh môi trường của nước ta trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: Biến đổi khí hậu; sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng; những mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên; cũng như vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. Ngoài ra, nguồn nước của các dòng sông lớn bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh,... đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. Vì vậy, an ninh môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm là, cần làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình "tăng trưởng xanh" đã được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh. Những bài học về xây dựng nền “kinh tế xanh” của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển rất có giá trị để chúng ta tham khảo. Việt Nam là nước đã sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tới đây, cần sớm xây dựng Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, theo hướng thích ứng để sống chung với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống, an sinh của nhân dân. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc mở đường giao thông và các hoạt động gây tổn hại đến tài nguyên rừng; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và khôi phục rừng ngập mặn; phát triển kỹ thuật canh tác trên đất dốc có lợi cho bảo vệ độ màu mỡ của đất, ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất và sa mạc hóa đất đai. Nghiêm cấm triệt để việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ; ngăn chặn nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản; quy hoạch phát triển các khu bảo tồn biển và bảo tồn đất ngập nước.
Sáu là, đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về "bao cấp", "xin - cho" trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa sự đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế quốc dân. Tài nguyên thiên nhiên chỉ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước khi chúng ta có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững. Khuyến khích đầu tư vào những ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành tiêu hao nhiều năng lượng, không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường./.
Vũ Thị Mạc Dung