Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 26/8/2020 10:36'(GMT+7)

Quản lý giáo dục - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam thời kỳ CMCN 4.0

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh: TTXVN).

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh: TTXVN).

Khái niệm “Quản lý” có hình thái lịch sử từ đầu nền văn minh nhân loại, nhưng khái niệm hiện đại của nó có thể được kết nối từ giữa thế kỷ 19. Khái niệm “Quản lý giáo dục” (QLGD) không thể vượt ra khỏi các nguyên tắc trong sự phát triển lịch sử của “Quản lý” nói chung. Công việc của những người đứng đầu và quản lý các tổ chức giáo dục là rất năng động và không phải là dễ dàng, vì luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tăng học sinh, sinh viên, thay đổi phương pháp dạy-học cũng như quản lý tài nguyên giáo dục. Tất cả những điều này đòi hỏi QLGD phải thật sự hiệu quả để đạt các hoạt động và mục tiêu đã lập kế hoạch; và thành tích đạt được của quản lý là những cái duy nhất thể hiện kết quả tích cực của một tổ chức.

Trong xã hội hiện đại có 2 khái niệm hay bị nhầm lẫn với nhau là Quản trị và Quản lý. Để hiểu rõ nội hàm quản lý giáo dục, cần phân biệt sự khác nhau giữa quản lý và quản trị: Nhà quản lý cần có khả năng tổ chức, có phẩm chất kiên định, linh hoạt và làm việc hiệu quả. Nhà quản trị lại cần có tầm nhìn, có khả năng động viên, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho nhân viên. Quản trị cần đặt ra các chiến lược. Quản lý quan tâm đến chiến thuật và phương án nhiều hơn. Quản trị là xem thứ gì được cho phép và thứ gì không. Quản lý là làm mọi thứ được cho phép một cách tối ưu. Về đối tượng: Quản lý là quản lý công việc, Quản trị là quản trị con người. Về bản chất: Chức năng của quản trị là đưa ra quyết định, thành lập ra mục tiêu, chính sách cho tổ chức. Chức năng của quản lý là thi hành, là hành động để thực hành chính sách đã được quyết định bởi quản trị. Quản trị giáo dục có hai cấp độ là: cấp vĩ mô nhà nước và cấp vi mô nhà trường, còn quản lý giáo dục có 3 cấp được mô tả dưới đây và là nội dung chính của bài viết.

1.Khái niệm các thuật ngữ chính:

Ý nghĩa của quản lý: Quản lý được định nghĩa là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát nỗ lực của tất cả các thành viên trong tổ chức, sử dụng mọi nguồn lực của tổ chức để đạt được các mục tiêu đã chỉ định.

Quản lý giáo dục: là sự đổi mới quan trọng trong hệ thống giáo dục thế kỷ 20. Khi nhà trường chỉ có 1 lớp học, nó được dẫn dắt bởi một giáo viên. Khi nhà trường có nhiều lớp học thì tổ chức nhà trường được thành lập để gắn với các hoạt động dạy-học.

Nhà quản lý: là người quản lý một tổ chức hoặc nhóm nhân viên. Nhà quản lý được bổ nhiệm và có quyền hợp pháp cho việc khen thưởng và trừng phạt. Khả năng ảnh hưởng của họ được thành lập dựa trên cấp thẩm quyền chính thức vốn có,

Quản lý hiệu quả: mức độ mục tiêu, phạm vi các vấn đề cần được giải quyết.

2. Cấp độ của quản lý trong giáo dục: (Mô hình cấp độ quản lý trong giáo dục gồm cấp bộ, cấp sở và cấp trường (cơ sở giáo dục). Ứng với mỗi cấp trong mô hình quản lý là cấp độ nhà quản lý)

2.1. Mô hình cấp độ quản lý theo hình tháp

Ở tất cả các tổ chức hoạt động, mọi người làm việc trong một môi trường năng động, nhưng không hoạt động ở cùng cấp độ, mà ở các cấp độ khác nhau. Hệ thống phân cấp của hoạt động trong tổ chức được gọi là các cấp quản lý. Có ba cấp sau:

•Cấp cao nhất là cấp chiến lược (Strategic level)

•Cấp trung gian là cấp chiến thuật (Tactical level)

•Cấp thấp hơn là cấp thực hiện cơ sở (Operational level). Có thể tổng quát 3 cấp độ quản lý này trong hình tháp dưới đây:

Tháp quản lý theo 3 cấp độ: (1) Cấp chiến lược/cấp Bộ; (2) Cấp chiến thuật/cấp Sở/Phòng trung gian; (3) Cấp hoạt động cơ sở/cấp trường.

Cấp quản lý cao nhất/cấp bộ là cấp chiến lược. Cấp này gồm những người ở vị trí cao nhất, đóng góp vào quá trình lập kế hoạch và nhân sự, đó là Bộ trưởng, Ủy viên hội đồng, Thư ký điều hành, là những người quản lý hàng đầu chuẩn bị các kế hoạch chiến lược của toàn bộ hệ thống giáo dục; Cấp chiến thuật (cấp Sở/Phòng trung gian) triển khai các chỉ đạo của Bộ; Cấp trường là cấp hoạt động cơ sở.

2.2. Chức năng của các cấp quản lý:

a. Chức năng quản lý cấp chiến lược:

- Phân tích, đánh giá và đối phó với các lực tác động môi trường bên ngoài;

- Thiết lập các chiến lược mục tiêu giáo dục dài hạn tổng thể và chính sách giáo dục của hệ thống bao gồm cả ngân sách tổng thể để phân bổ nguồn lực;

- Tạo ra khung tổ chức bao gồm các mối quan hệ trách nhiệm chính quyền;

- Bổ nhiệm cán bộ, giám đốc điều hành quan trọng khác ở cấp Vụ, Cục, Viện vv…

- Cung cấp sự lãnh đạo tổng thể cho toàn hệ thống tổ chức.

Cấp độ này được đại diện bởi Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học-Công nghệ hoặc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng chính quyền khu vực hay chính quyền địa phương.

b. Cấp quản lý trung gian: cấp tỉnh/thành và huyện/thị (cấp chiến thuật)

Quản lý cấp trung gian là các giám đốc sở, giám đốc chi nhánh và điều hành cơ sở. Giám đốc chi nhánh là người đứng đầu chi nhánh hoặc đơn vị chính quyền địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục cán bộ giáo dục cấp sở/phòng được định vị ở đây. Các loại viên chức này là người thực hiện chính sách ở cấp độ bảo đảm/giám sát chất lượng. Nhiệm vụ của họ là:

- Giải thích, theo dõi thực hiện chính sách theo khung lãnh đạo cao nhất đã ban hành;

- Soạn thảo và ban hành các hướng dẫn chi tiết về hoạt động;

- Duy trì liên lạc chặt chẽ với kết quả hoạt động để đánh giá hiệu suất;

- Tham gia vào các quyết định điều hành;

- Hợp tác để hợp nhất, điều phối các phòng/ban nhằm tích hợp hoạt động và cung cấp liên kết hỗ trợ vận hành, là nòng cốt hoạt động giữa quản lý cấp cao với cấp cơ sở.

c. Cấp quản lý cơ sở (hoạt động cấp trường)

Quản lý cấp cơ sở là các quản đốc và giám sát viên, được cấp quản lý trung gian lựa chọn. Đây là cấp độ hoạt động/giám sát cơ sở hoặc tuyến quản lý đầu tiên. Trong bối cảnh giáo dục nhà trường, nơi các giáo viên và trưởng bộ môn là người giám sát điều hành mọi hoạt động hướng tới mục tiêu, các nhiệm vụ đó gồm:

- Lên kế hoạch sản xuất hàng ngày theo mục tiêu được cơ quan cao hơn vạch ra;

- Phân công việc cho người lao động để sắp xếp đào tạo và phát triển;

- Giám sát/kiểm soát công nhân viên và duy trì liên lạc cá nhân với người phụ trách;

- Sắp xếp tư liệu và công cụ và để duy trì bộ máy;

- Tư vấn và hỗ trợ người lao động bằng cách giải thích các quy trình làm việc và giải quyết vấn đề của họ.

3. Kỹ năng quản lý cần cho nhà quản lý giáo dục ở các cấp độ khác nhau

Những kỹ năng bổ sung quan trọng nhất mà các nhà quản lý cần phải có để áp dụng vào trong giáo dục là:

3.1. Kỹ năng khái niệm: các vị trí quản lý cấp cao nhất của tổ chức giáo dục cần có kỹ năng khái niệm. Đó là kỹ năng sử dụng khả năng quản lý để hình thành khái niệm, bao gồm kỹ năng tư duy sáng tạo, hình thành trừu tượng, phân tích tình huống phức tạp, suy luận logic, phán đoán và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này là yêu cầu không thể thiếu đối với các cán bộ điều hành ở vị trí quản lý cấp cao, được dùng để giải quyết khôn ngoan các vấn đề giáo viên và nhân viên hành chính không giảng dạy.

3.2.Kỹ năng liên cá nhân: được sử dụng khi tương tác với mọi người. Một số tác giả gọi chúng là kỹ năng giao tiếp/kỹ năng con người. Điều quan trọng cần lưu ý là cách thức và phương pháp chúng ta tương tác với người khác có thể tạo ra hoặc phá vỡ mối quan hệ của chúng ta với họ. Trong một số cơ sở giáo dục mối quan hệ sinh viên-giảng viên là khá nghèo nàn. Để tăng cường kỹ năng này, người đứng đầu khoa/phòng/ban, giảng viên và giáo viên cần thiết lập văn hóa cho phép sinh viên tương tác tự do với họ, hoặc giữa các đồng nghiệp đang làm việc với nhau. Các tổ chức thành công rất cần các nhà quản lý có các kỹ năng quản lý con người được phát triển tốt.

3.3.Kỹ năng chuyên môn: là kiến thức và sự thành thạo cần thiết để hoàn thành kỹ thuật, khoa học hoặc bất kỳ nhiệm vụ cụ thể nào. Nó tập trung vào kiến thức chuyên ngành sử dụng chúng khi nào và thế nào. Giáo viên cần một số kỹ năng nhất định   được đào tạo như luật pháp yêu cầu về trình độ chuyên môn cho giáo viên.

3.4. Kỹ năng chuẩn đoán: cho phép bạn hình dung ra phản ứng phù hợp nhất với mọi tình huống để thành công. Tức là phải có khả năng phán đoán và phân tích các vấn đề trong tổ chức bằng cách nghiên cứu các triệu chứng và đề ra giải pháp. Người quản lý nhà trường nên sở hữu kỹ năng này mỗi khi có vấn đề phát sinh trong trường học.

Các nhà quản lý kỹ năng công nghệ số cần phải có hiểu biết về máy tính và  cách sử dụng các công nghệ ICT này một cách hiệu quả. Sử dụng công nghệ ICT làm tăng giá trị và năng suất của tổ chức ở cấp quản lý vì máy tính giúp thực hiện nhanh chóng các nhiệm vụ khác nhau như lập kế hoạch, phân tích tài chính, truyền thông điện tử, hội thảo và xêmina qua internet (Webinar, Teleconference). Trong các nhà trường, nhà quản lý phải cập nhật củng cố các kỹ năng quản lý của mình bằng cách tham gia đào tạo, hội thảo trong khi tiếp tục làm việc. Điều này cũng sẽ cải thiện năng suất của tổ chức giáo dục.

2. Kinh nghiệm và thực tiễn QLGD ở cao đẳng, đại học trong thời kỳ CMCN 4.0

Khi thế giới chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, thì giáo dục và đào tạo (trình độ cao đẳng, đại học) ngày nay còn sa lầy trong thời đại công nghiệp, vẫn đặt nặng trách nhiệm lên vai người giáo viên, buộc mọi sinh viên phải học thụ động, đối xử với sinh viên giống nhau và bắt họ phải làm những việc như nhau trong cùng một thời gian. Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải chuyển sang mô hình dạy-học hoàn toàn mới. Mô hình mới này với trợ giúp của e-Learning và hệ thống quản lý học tập (Learning management system-LMS) để đánh giá trình độ kiến thức và kỹ năng hiện tại của người học, hỗ trợ thày và trò xác định mục tiêu học phù hợp, chọn hướng dẫn thích nghi cho từng đối tượng. Vai trò to lớn của LMS trong giáo dục và đào tạo là:

- Hướng dẫn có tính xây dựng, linh hoạt hơn trong xác định mục tiêu người học;

- Hỗ trợ học cộng tác trong và ngoài nhà trường qua gia sư điện tử, mở rộng môi trường học đến tận nhà và liên hệ với phụ huynh,

- Đánh giá cá nhân tốt, theo dõi tiến độ báo cáo, đáp ứng nhu cầu người học;

- Tích hợp các hệ thống liền mạch, cải thiện hợp tác giữa các bên liên quan;

- Đổi mới dự báo, phát triển nghiệp vụ giáo viên, cải thiện hiệu quả chi phí và tận dụng tốt hơn nguồn lực hiện có.

2.1. Kinh nghiệm ở một số quốc gia Châu Á

a. Thái Lan: Để cải tiến hoạt động giáo dục và đào tạo (trình độ cao đẳng, đại học), tạo ra người tốt nghiệp chất lượng cao, các nhà QLGD Thái Lan mô tả đôi cánh cơ sở giáo dục và đào tạo dưới 4 khía cạnh: phát triển giáo dục, đánh giá giáo dục, phát triển nghiên cứu và đánh giá nghiên cứu. Để hiểu tốt hơn đôi cánh này, họ đã xác định các nhân tố khác nhau như: thiết lập chương trình, văn hóa đại học, năng lực giảng viên và cơ sở vật chất đảm bảo dạy-học chất lượng.

b. Phillipine: Đổi mới hệ thống kiểm định chất lượng nội bộ trường đại học để được quốc tế công nhận đầu ra học tập nhằm phục vụ xu thế hội nhập khu vực.

c. Ấn Độ: nỗ lực nghiên cứu hệ thống quản lý học tập (LMS) trong tiếp cận dạy-học tích cực, linh hoạt, hiệu quả chi phí trong GDĐH để đạt được học tập hiệu quả. Nó cho phép người dùng trải nghiệm việc học theo các cách khác nhau, phù hợp từng cá nhân, tự học theo nhịp độ riêng và thúc đẩy học tập suốt đời. Hệ thống quản lý học tập (LMS) cung cấp quyền truy cập dễ dàng và thúc đẩy tính linh hoạt để người học có thể bắt đầu từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế về thời gian và địa điểm.

2.2. Kinh nghiệm ở một số quốc gia Châu Âu:

a.Rumani: Từ năm 2008, lãnh đạo của Đại học Danubius ở thành phố Galati đã thông qua quyết định chiến lược để phát triển hệ thống thông tin tích hợp, kết hợp hệ thống thông tin sinh viên với nền tảng học tập điện tử, hệ thống nghiên cứu và quản lý hành chính. Đến năm 2010, đại học Danubius đã thực hiện cuộc khảo sát 28 trường đại học trên khắp thế giới về sử dụng phần mềm Sakai và sử dụng chúng trong hoạt động ICT trên nền tảng Danubius Online.

b. Bungari: từ đầu năm 2000 đã không coi lớp học chuẩn, sách giáo khoa, tài liệu giấy là cách duy nhất để đào tạo cao đẳng, đại học. Sự phát triển của ICT đã tạo cơ hội cho việc sử dụng trực tuyến vào quá trình đào tạo. Các loại hình đào tạo mới như học điện tử, học từ xa và học qua thiết bị di động đã xuất hiện. Tất cả đều sử dụng internet để cung ứng học liệu điện tử với tên gọi e-Learning trên web nhằm cung cấp sự tương tác không đồng bộ, bất cứ lúc nào, nơi nào, hỗ trợ làm việc theo nhóm và sử dụng các công nghệ mới trong giáo dục.

c. Croatia: Kết quả nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Croatia cho thấy sự hài lòng của sinh viên về các khóa học trực tuyến chỉ tăng lên khi có cả tài liệu trực tuyến chất lượng lẫn các hướng dẫn điện tử được chuẩn bị kỹ để dẫn dắt khóa học đó trong môi trường cộng tác. Học kết hợp (Blended learning) đang trở thành phương thức đào tạo qua ICT ngày càng phổ biến, đặc biệt phù hợp trong quá trình chuyển dịch từ phương thức dạy-học truyền thống mặt đối mặt sang học trực tuyến. Trong mô hình dạy-học này, một lượng đáng kể các yếu tố mặt đối mặt được thay thế bằng dạy-học qua công nghệ. Do đó, ngày nay ít có các lớp học kiểu mặt đối mặt trực tiếp vì công nghệ thông tin ngày càng được sử dụng để cung cấp học liệu điện tử và hỗ trơ điều kiện học tập. Mô hình giảng dạy hiệu quả nhất là phương pháp tiếp cận học kết hợp giữa trực tuyến và mặt đối mặt trên lớp đảm bảo cá nhân hóa tốc độ học.

3.Vận dụng kinh nghiệm QLGD tiên tiến trên thế giới vào bối cảnh Việt Nam

Khi xem xét kinh nghiệm và thực tiễn QLGD quốc tế vào bối cảnh Việt Nam, có nhận xét chung là những năm qua xã hội chưa hài lòng với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo. Ở phần này, tác giả muốn đánh giá những lợi ích rút ra được từ thực tiễn quốc tế trong QLGD ở các cấp, và đưa ra vài đề xuất, khuyến nghị các cấp QLGD ở Việt Nam nên làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là với diễn biến mới nhất đòi hỏi dạy-học trực tuyến trong thời đại dịch Covid-19 hiện nay.

Trong cuốn “Nghịch lý và lối thoát”, tác giả Vũ Cao Đàm đã có lý khi bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam với đề xuất tái cấu trúc hệ thống khoa học và giáo dục. Để phù hợp với xu thế của đổi mới giáo dục và đào tạo, nên chăng giáo dục phải đi trước khoa học một bước để tạo ra đội ngũ có trình độ cao làm khoa học. Muốn giáo dục đi trước một bước, thiết nghĩ việc đổi mới tư duy quản lý giáo dục ở tất cả các cấp phải đặt lên hàng đầu cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào quản lý giáo dục là rất cấp thiết.

Từ thực tiễn QLGD ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy chúng ta phải suy nghĩ và đánh giá lại thực tiễn QLGD ở Việt Nam suốt từ đổi mới (sau năm 1986) đến nay, tuy có tiến bộ, song luôn ở thế bị động, nhiều giải pháp đưa ra chỉ mang tính tình thế, thiếu tính chiến lược dài hạn. Do vậy, đặt ra yêu cầu phải trao đổi về tiềm năng ứng dụng phương thức kết hợp cách dạy-học trực tiếp với ứng dụng công nghệ cho giáo dục trực tuyến trong giáo dục và đào tạo bậc cao đẳng, đại học, trước mắt là lĩnh vực đào tạo giáo viên không chỉ cần sư phạm trực tiếp mà cả sư phạm trực tuyến để có được thế hệ giáo viên thành thạo dạy trực tuyến trong tương lai gần.

Xét bối cảnh Việt Nam hiện nay, có gần 100 triệu dân và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cùng khoảng 2 triệu nhà giáo các cấp học; tốc độ phổ biến và thâm nhập thiết bị di động, phủ sóng 4G, 5G cũng tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Việc học tập qua thiết bị di động là vô cùng quan trọng và thật sự cần thiết trong thời đại công nghệ số cũng như khắc phục được những khó khăn từ đại dịch Covid-19. Để có được những giải pháp hữu hiệu, tận dụng được các nguồn lực xã hội thì rất cần phải có chính sách vĩ mô cho áp dụng thiết bị di động vào mục đích học tập.

Xu thế chung trên thế giới là áp dụng quy trình văn hóa chất lượng từ lĩnh vực sản xuất-chế tạo vào quy trình dịch vụ phi sản xuất như giáo dục-đào tạo. Quy trình Văn hóa chất lượng tinh gọn (Lean) của Toyota những năm 1940 và Quy trình Six Sigma của Motorola những năm 1980 đang được tích hợp để xây dựng Văn hóa chất lượng như một công cụ quản lý trong cả lĩnh vực sản xuất-chế tạo lẫn khu vực dịch vụ. Vấn đề cần đặt ra cho đổi mới QLGD ở Việt Nam hiện nay là nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa chất lượng trong giáo dục và đào tạo ở tất cả các bậc học./.

Tài liệu tham khảo:

1.- Aabha Chaubey and Dr. Bani Bhattacharya: Learning Management System (LMS) in Higher Education; IJSTE - International Journal of Science Technology & Engineering | Volume 2 | Issue 3 | September 2015 ISSN (online): 2349-784X;

2.- Culture of Quality: Achieving Success with Tools, Processes, and People; © Copyright 2019 Intelex Technologies Inc.intelex.com;1 877 932 3747 intelex@intelex.com;

3.- Đàm Vũ Cao: Nghịch lý và Lối thoát- Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam; NXB Thế giới-2014

4.- Fatih Çağatay BAZ1: NEW TRENDS IN THE APPLICATION OF INFORMATION SYSTEMS  IN DIFFERENT FIELDS; Chapter VI in the book “ New Horizons in Social, Human and Administrative Sciences”- Birinci Basım / First Edition • ©EKİM 2019, ISBN • 978-605-80229-3-5;

5.- Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

6.- Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

7.-Radoslava Kraleva, Mehrudin Sabani, Velin Kralev: An Analysis of Some Learning Management Systems; International Journal on Advanced Science Engineering Information Technology -Vol.9 (2019) No. 4; ISSN: 2088-5334;

8.- ROSEMARY R. SEVA: Implementing the ABET Quality Framework at De La Salle University (Philippines).- Managing Change at Universities – A selection of case studies from Africa and Southeast Asia – Volume II, edited by Peter Mayer and Marc Wilde; © University of Applied Sciences, Osnabrück, 2015 Postfach 1940, 49009 Osnabrück;

9.- Postolache Florin, Postol ache Mihaela, Filip Alin Constantin, Raileanu A lina Beatrice: New Technological Trend in Educational Management; in European Integration - Realities and Perspectives 2011; alinaraileanu@univ-danubius.ro;

10.- Tỉnh Mai Văn  & Hoa Lê Mai: Xu thế toàn cầu của Dạy - Học trực tuyến trên thiết bị di động - Vấn đề đặt ra đối với đổi mới phương thức dạy-học ở Việt Nam hiện nay - Bản tin HĐLL, ngày 10-4-2020;

11.- William Nathan Mwaisumo: Effective Management of Educational Institutions In Tanzania- P.O.Box 428,Sumbawanga,Tanzania, 2017./.

ThS. Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT.

TS. Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích Chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất