Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 14/7/2009 13:5'(GMT+7)

Quan niệm về hiệu quả công tác tư tưởng

Hội nghị Báo cáo viên hằng tháng-một trong những hoạt động thường xuyên của công tác tư tưởng. Ảnh minh họa

Hội nghị Báo cáo viên hằng tháng-một trong những hoạt động thường xuyên của công tác tư tưởng. Ảnh minh họa

Nói đến hiệu quả của một hoạt động, người ta thường đề cập đến các vấn đề sau:

 Hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả trước và sau khi tiến hành một hoạt động, giữa kết quả đã có và kết quả sẽ có.

- Hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả đạt được và mục đích, là sực ăn khớp một phần hay hoàn toàn của kết quả với mục đích và nhiệm vụ được đặt ra từ trước.

- Hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả đạt được và chi phí về vật lực, tài lực... để đạt được kết quả đó.

Tổng hợp các quan niệm trên đây về hiệu quả, có thể đưa ra khái niệm hiệu quả công tác tư tưởng như sau:

Hiệu quả công tác tư tưởng là sự tương quan giữa kết quả đạt được do tác động tư tưởng mang lại với mục đích của công tác tư tưởng được đặt ra và với chi phí để đạt được kết quả đó trong một điều kiện xã hội nhất định.

Như vậy, hiệu quả khác với kết quả. Kết quả là cái đạt được do hoạt động tư tưởng mang lại, là sự thay đổi trong nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng sau một chu trình tác động tư tưởng nhưng chưa tính đến chi phí để có kết quả đó. Còn hiệu quả là tương quan, là sự so sánh của kết quả với mục đích và với chi phí trong công tác tư tưởng. Nói cách khác, hiệu quả là sự so sánh giữa cái đạt được (kết quả) với cái đặt ra (mục đích) và cái bỏ ra (chi phí). Không đồng nhất hiệu quả với kết quả trong công tác tư tưởng.

1. Phân loại hiệu quả công tác tư tưởng

Giống như mục đích, hiệu quả công tác tư tưởng có nhiều loại. Thông thường, hiệu quả công tác tư tưởng có các loại và chúng được phân loại như sau:

- Phân loại theo phạm vi tác động: có hiệu quả chung và hiệu quả cụ thể.

Hiệu quả chung là hiệu quả của toàn bộ công tác tư tưởng được đánh giá trên phạm vi toàn xã hội, có ý nghĩa về mặt xã hội.

Hiệu quả cụ thể là hiệu quả của một nội dung, một hình thức, một phương tiện công tác tư tưởng được thể hiện trong một đối tượng cụ thể nào đó. Chẳng hạn, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên mới của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện X trong năm 2006, hoặc hiệu quả công tác tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho nông dân huyện Y trong 2 năm 2005 - 2006.

- Phân loại theo thời gian tác động: có hiệu quả trước mắt và hiệu quả lâu dài.

Hiệu quả trước mắt là hiệu quả được đánh giá cho một khoảng thời gian ngắn, trước mắt (thường là một quý, nửa năm, một năm...). Hiệu quả trước mắt tương ứng với mục đích trước mắt của công tác tư tưởng.

Hiệu quả lâu dài là hiệu quả được đánh giá cho một khoảng thời gian dài (thường là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn). Hiệu quả lâu dài tương ứng với mục đích lâu dài của công tác tư tưởng.

- Phân loại theo lĩnh vực tác động: có hiệu quả tinh thần và hiệu quả thực tiễn.

Hiệu quả tinh thần là hiệu quả được đánh giá bằng sự thay đổi trong lĩnh vực tinh thần (nhận thức, thái độ, niềm tin) của con người và xã hội.

Hiệu quả thực tiễn là hiệu quả được đánh giá bằng sự thay đổi trong tính tích cực, trong hành vi của đối tượng hay trong lĩnh vực đời sống xã hội mà hoạt động thực tiễn của đối tượng tác động đến.

2. Đặc điểm của việc đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng

Một là, mỗi tác động tư tưởng mang lại không chỉ một mà thường một loại kết quả. Kết quả này biểu hiện ở cả trong ý thức và hành vi của con người, trong tất cả các lĩnh vực của hiện thực mà con người với tư cách là đối tượng công tác tư tưởng, tác động đến.

Hai là, hiệu quả tác động của công tác tư tưởng đến lĩnh vực tinh thần của con người biểu hiện một cách trực tiếp, còn đối với lĩnh vực kinh tế hoặc chính trị - xã hội thì biểu hiện một cách gián tiếp thông qua kết quả hoạt động của con người trong lĩnh vực ấy.

Ba là, khác với lĩnh vực sản xuất vật chất, nơi hiệu quả thể hiện một cách lập tức, trong một thời gian ngắn, trong lĩnh vực tư tưởng kết quả đạt được chỉ thể hiện dần dần, từ từ, trong một thời gian tương đối dài. Để đánh giá trình độ ý thức giác ngộ, niềm tin... cần có thời gian. Mặt khác, có những tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng chỉ bộc lộ ra bằng hành động trong những điều kiện nhất định (ví dụ: lòng căm thù giặc như một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước chỉ thể hiện bằng hành động trong những điều kiện nhất định, chẳng hạn trong điều kiện đất nước có nạn ngoại xâm).

Bốn là, trong lĩnh vực tư tưởng những chỉ số của hiệu quả về số lượng cũng được áp dụng (ví dụ: số sách đã đọc, số lần đi xem phim, nghe thời sự...). Tuy nhiên, những chỉ số về số lượng không phải là chủ yếu. Chỉ số chủ yếu của hiệu quả công tác tư tưởng là những chỉ số mang tính chất lượng (sự chuyển hóa của tri thức thành niềm tin, thành động cơ hành động...). Vì vậy, cần xác định phương pháp đánh giá hiệu quả một cách thích hợp.

Năm là, hiệu quả công tác tư tưởng được đánh giá trong sự thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi của đối tượng, do đó nó được đo lường ở phía đối tượng, ngay trong ý thức và hành vi của đối tượng.

Sáu là, khi nói đến hiệu quả người ta nhớ đến lời phân tích của V.I.Lênin về hiệu quả: "có khả năng thu được kết quả nhiều nhất, vững chắc nhất mà lại ít tốn sức nhất". Kết quả cao chưa nhất thiết đưa lại hiệu quả cao. Hiệu quả cao chỉ khi cùng một kết quả nhưng chi phí thấp nhất. Cho nên, trong công tác tư tưởng phấn đấu đạt hiệu quả cao không phải bằng mọi giá, mà phải bằng cách sử dụng những phương pháp công tác tố nhất, có hiệu lực nhất.

3. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng

Như phần trên đã phân tích, hiệu quả công tác tư tưởng có nhiều loại khác nhau. Mỗi loại hiệu quả của công tác tư tưởng lại có những tiêu chuẩn đánh giá tương ứng. Phần này xác định tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả chung và hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng trên hai lĩnh vực tinh thần và thực tiễn.

Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả chung của công tác tư tưởng

- Tiêu chuẩn tinh thần

Đánh giá hiệu quả chung của công tác tư tưởng về mặt tinh thần có các tiêu chuẩn sau:

+ Sự phát triển, hoàn thiện của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Khả năng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách vào thực tiễn cách mạng.

+ Mức độ truyền bá, mức độ xâm nhập, chiếm lĩnh (chi phối, thống trị) của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật trong đời sống tinh thần cá nhân và xã hội.

+ Trình độ, năng lực, phương pháp tư duy lý luận của các nhóm đối tượng và của toàn xã hội. Đối với tiêu chuẩn này cần đặc biệt coi trọng trình độ, năng lực, phương pháp tư duy lý luận của đảng viên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý, của toàn Đảng.

- Tiêu chuẩn thực tiễn

Về mặt thực tiễn, khi đánh giá hiệu quả chung của công tác tư tưởng tức là hiệu quả được đánh giá trên quy mô toàn xã hội, người ta sử dụng các tiêu chuẩn sau:

+ Tính tích cực trong lao động - sản xuất, tính tích cực trong hoạt động chính trị - xã hội, tính tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Quy mô, tính chất các phong trào hành động cách mạng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kết quả của các phong trào đó.

Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng

- Tiêu chuẩn tinh thần

Về mặt tinh thần, hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng tức là hiệu quả của một nội dung, một hình thức, một phương tiện cụ thể thể hiện trong một đối tượng cụ thể của công tác tư tưởng được đánh giá bằng các tiêu chuẩn như tính tích cực nhận thức - tri thức - niềm tin.

- Mức độ thấp nhất của hiệu quả công tác tư tưởng là việc hình thành sự hứng thú của đối tượng đối với vấn đề nghiên cứu, là tính tích cực nhận thức gắn với những khái niệm như: lòng say mê, ước vọng, thiên hướng và hy vọng của con người muốn mở rộng tầm hiểu biết của mình, sự quan tâm của họ đến việc nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong phạm vi tiêu chuẩn này thì sự phong phú của nhu cầu nhận thức và sự hứng thú đối với vấn đề nghiên cứu là những chỉ số rất quan trọng. Nếu không xuất hiện nhu cầu hiểu biết, sự hứng thú đối với vấn đề nghiên cứu thì không thể đạt tới kết quả nào cả. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho người cán bộ tư tưởng là tạo ra sự hứng thú ấy làm tiền đề cho công tác tư tưởng đạt kết quả cao.

- Tri thức là mức độ cao hơn của hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng. Quá trình thu nhận tri thức mới được thể hiện trong sự thống nhất của nhận thức lý luận và kinh nghiệm. Căn cứ vào đó người ta phân ra các chỉ số của tiêu chuẩn tri thức như sau:

Một là, sự am hiểu về những sự kiện, hiện tượng của thực tế khách quan.

Hai là, trình độ những tri thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa mới tiếp thu được.

Ba là, nắm vững nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu rõ phương pháp luận và biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích các quá trình và hiện tượng của đời sống xã hội là tiêu chí cao nhất của tiêu chuẩn tri thức.

- Trên cơ sở tri thức có căn cứ khoa học và thực tiễn, nhận thức biến thành niềm tin. Niềm tin là tiêu chuẩn cao nhất của hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng về mặt tinh thần. Trên cơ sở niềm tin, con người có lòng trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Những tiêu chuẩn biểu hiện niềm tin:

Một là, mức độ tin tưởng vào tính khoa học, tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, vào sự đúng đắn của tư tưởng, lý luận, quan điểm được trang bị.

Hai là, khả năng đánh giá đúng và định hướng đúng, sự kiên định lập trường, quan điểm trước những diễn biến phức tạp của hiện thực xã hội.

Ba là, ý chí vững vàng trong cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản và các quan điểm, luận thuyết phi khoa học; tinh thần, ý chí đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng.

Bốn là, sự kết hợp chặt chẽ quan điểm với hành động thực tế, sự sẵn sàng hành động phù hợp với tri thức được trang bị. Do đó, niềm tin tự nó bao hàm sự thống nhất lời nói với việc làm.

Hiện nay vấn đề hình thành niềm tin của quần chúng đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với Đảng, với chủ nghĩa xã hội là rất quan trọng. Để hình thành niềm tin cho đối tượng người cán bộ tư tưởng trước hết phải có niềm tin vững chắc vào những vấn đề tuyên truyền, giáo dục.

Tiêu chuẩn thực tiễn

Hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng trong thực tiễn biểu hiện thông qua tính tích cực xã hội của con người, bao gồm tính tích cực lao động và tính tích cực chính trị - xã hội.

- Tính tích cực lao động - sản xuất biểu hiện trong các tiêu chuẩn sau:

Một là, tận tụy với công việc và mức độ sáng tạo trong công việc được giao.

Hai là, sự tinh thông nghề nghiệp, thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao trình độ nghề nghiệp, trình độ văn hóa và khoa học - kỹ thuật.

Ba là, năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt, tuân thủ nghiêm túc kỷ luật lao động.

Bốn là, tham gia tích cực, sáng tạo vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, đổi mới cơ chế kinh tế.

Năm là, biết làm giàu cho mình và cho đất nước bằng lao động chính đáng, biết lao động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh.

Sáu là, tham gia vào việc đấu tranh chống những hành vi vi phạm lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, làm ăn phi pháp...

- Tính tích cực chính trị - xã hội biểu hiện trong các tiêu chuẩn sau:

Một là, ý thức cao về nghĩa vụ công dân và mức độ thực hiện nghĩa vụ đó.

Hai là, tham gia tích cực, nhiệt tình vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, tham gia tích cực, tự giác vào các lĩnh vực khác nhau của công tác xã hội; vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặt ra trước xã hội; vào việc quản lý các công việc của nhà nước, của tập thể, của các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, tham gia tích cực, tự giác vào việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, tham gia bầu cử các cơ quan chính quyền của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tham gia xây dựng Đảng...

Năm là, tham gia tích cực, tự giác vào cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống chính trị như: tệ quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, thói thờ ơ chính trị...

Hiện nay, việc hình thành năng lực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội trở thành một trong các tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng. Do đó hướng tới việc hình thành các năng lực ấy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là một trong những mục tiêu chủ yếu của công tác tư tưởng.

Tóm lại, hiệu quả cụ thể của công tác tư tưởng là một thể thống nhất của hiệu quả tinh thần và hiệu quả thực tiễn, được thể hiện trên ba mức độ từ thấp đến cao theo con đường tri thức - niềm tin - hành động thực tiễn. Mức độ hành động thực tiễn (tính tích cực) là trình độ cao nhất của hiệu quả công tác tư tưởng. Ở mức độ này công tác tư tưởng trở thành một yếu tố của sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Song, không nên hiểu công tác tư tưởng chỉ là phương tiện tích cực hóa nhân tố con người. Bằng hành động tích cực, thông qua hành động thực tiễn cải tạo xã hội, con người cải tạo chính mình, trở thành con người phát triển toàn diện.

Tác động của công tác tư tưởng đến ý thức và hành vi của con người không kết thúc ở mức độ thứ ba (hành động thực tiễn). Trong quá trình hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội, cải tạo bản thân, ở mỗi người lại xuất hiện nhu cầu nắm vững tri thức mới cần thiết cho hoạt động thực tiễn của mình. Cứ như vậy chu trình tác động tư tưởng hoàn thành và chuyển lên trình độ cao hơn.

4. Quan điểm đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng

Quan điểm toàn diện

Quan điểm này đòi hỏi khi đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng phải xuất phát từ nhiều căn cứ, phải dựa vào nhiều tiêu chuẩn: tiêu chuẩn chung và cụ thể, tiêu chuẩn tinh thần và thực tiễn, tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng. Đồng thời phải phân tích một số lượng lớn thông tin được thu thập từ nhiều nguồn bằng nhiều phương pháp như phương pháp xã hội học và phương pháp truyền thống, phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp, phương pháp định tính và phương pháp định lượng.

Quan điểm lịch sử - cụ thể

Quan điểm này đòi hỏi phải xem xét, đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng trong điều kiện không gian và thời gian xác định, phải tính đến sự khác nhau của các nhóm xã hội riêng biệt với tư cách là những đối tượng tác động tư tưởng khác nhau. Không thể sử dụng những tiêu chuẩn đánh giá như nhau, các phương pháp nghiên cứu giống như cho việc đánh giá hiệu quả của những nội dung, phương pháp, phương tiện công tác tư tưởng khác nhau, ở những đối tượng khác nhau và trong những thời gian, không gian không giống nhau.

5. Phương pháp đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng

Để đánh giá hiệu quả cần xác định kết quả của quá trình tác động tư tưởng. Muốn đánh giá kết quả có thể sử dụng các phương pháp định lượng như: phỏng vấn (câu hỏi đóng), bảng hỏi (câu hỏi đóng), điều tra, thống kê... và các phương pháp định tính như: phỏng vấn (câu hỏi mở), bảng hỏi (câu hỏi mở), thảo luận nhóm, quan sát, phân tích nội dung...

PGS. TS Lương Khắc Hiếu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất