Thứ Năm, 12/12/2024
Tư liệu
Thứ Bảy, 2/9/2017 10:32'(GMT+7)

Quân tình nguyện Việt Nam - Khi máu xương hoà quyện trên mảnh đất Lào

Nhân dân Lào chào đón quân tình nguyện Việt Nam. (Nguồn: Sách Ảnh quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Nhân dân Lào chào đón quân tình nguyện Việt Nam. (Nguồn: Sách Ảnh quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith đã khẳng định như vậy khi nói về tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào trong suốt 55 năm qua.

Ngược lại dòng lịch sử, ngày 15/6/1949, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào.

Dựa trên những biến chuyển mới của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Quan hệ chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Lào Ítxalạ được quy định rõ theo nguyên tắc: "Chỉ huy và tác chiến thì Việt Nam làm chỉ huy trưởng. Vũ trang tuyên truyền thì làm chung, phối hợp chỉ huy."

Việc xác định danh nghĩa quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào; đồng thời tạo cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội hai nước Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Cũng từ năm 1949 này, danh xưng Bộ đội Phật đã xuất hiện và trở thành danh xưng phổ biến của Quân Tình nguyện Việt Nam trên nước bạn từ khoảng những năm 1954 trở đi. Nhân dân Lào thấy bộ đội Việt Nam rất hiền lành, luôn dũng cảm hy sinh, che chở cho bạn, rất tốt với bạn nên đã gọi bằng cái tên thân thương như vậy.

 
 Đồng chí Cayxỏn Phômvihản (đầu tiên bên trái) cùng các cán bộ
Quân đội Việt Nam tại Lào (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào nhằm giành lại độc lập cho đất nước, từ năm 1945 đến thắng lợi năm 1975, những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, với sự gian khổ nhất, kiên cường nhất, đã kề vai sát cánh cùng với các cán bộ, chiến sỹ quân giải phóng nhân dân Lào và nhân dân các dân tộc Lào tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, bền bỉ trên tinh thần đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, trải qua không biết bao nhiêu chiến dịch lớn nhỏ, đập tan mọi âm mưu và sách lược của bọn đế quốc và bè lũ tay sai. 

Một cựu chiến binh đã chiến đấu ở Lào từng tâm sự: “Hành quân trong rừng, chiến trường khốc liệt, suốt cả chiến dịch chúng tôi cũng không gặp một người dân Lào, không biết đất Lào giống hay khác gì mình, chỉ luôn tâm niệm rằng đánh địch ở đây cũng như ở quê hương mình, hai nước cùng một kẻ thù, vậy là phải đánh sao cho thắng”.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, chỉ tính riêng trong năm 1951, đã có hơn 12.000 cán bộ, chiến sỹ Việt Nam tình nguyện sang hoạt động ở chiến trường Lào.

Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội V​iệt Nam gồm Đại Đoàn 308, Đại Đoàn 304 chủ lực, các Đoàn tình nguyện VN 82, 83 phối hợp với 5 đại đội Bộ đội Lào Itxala cùng hàng ngàn dân quân, du kích, dân công hoả tuyến…Tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phong Sa Lỳ.

Thắng lợi của Chiến dịch đã mở ra một vùng hậu phương kháng chiến rộng lớn của cách mạng Lào nối liền với vùng tự do của Việt Nam, tạo ra thế phối hợp chiến lược giữa hai nước.

Các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng, Trung đến Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng quân và dân Lào đẩy mạnh chiến đấu và công tác. 

Với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân các bộ tộc Lào, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào Ítxala tổ chức tập kích, phục kích, đập tan nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững các khu căn cứ kháng chiến, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước phối hợp đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.

Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lần lượt các đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự 100, 959, 463, 565 và các đoàn quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866 và 968 đã sang chiến trường Lào, dốc sức giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài. 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:  “Phải chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào, tuyệt đối không được tự cao, tự đại, bao biện; phải luôn luôn đoàn kết với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Lào,” những người lính xa quê hương cũng luôn sẵn sàng lao vào giúp đỡ người dân Lào trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, từ giã gạo, nấu cơm, trồng rau, đến hướng dẫn vệ sinh, xem bệnh. 

 
Bộ đội tình nguyện Việt Nam giã gạo giúp nhân dân Lào
(Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn) 

Chính trong những ngày gian khổ đó, tình quân dân thắm thiết Việt Nam-Lào đã nảy nở và gắn kết bền chặt. 

Những người cựu chiến binh quân tình nguyện, mỗi khi họp mặt, vẫn luôn nhắc nhở, kể cho nhau nghe về những phút giây ấm áp bên người dân đất nước Triệu Voi. 

Một cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 335 trên chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng kể lại: “Sống trong chốn ​'rừng thiêng, nước độc' nhưng điều ấn tượng với tôi và đồng đội khi đó là sự nồng hậu của nhân dân Lào đối với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Mỗi khi hành quân qua làng bản, bà con ​ đều chào đón chúng tôi như những người con thân thiết trở về gia đình, dành cho điều kiện ăn ở tốt nhất.”

Vẫn còn đây nơi những người lính già, vẹn nguyên sự xúc đông, bồi hồi của người phi công trẻ khi nhận ống cơm lam còn nóng hổi từ hai cô gái Lào, giữa lúc miệt mài sửa máy để kịp cất cánh vận chuyển hàng tiếp tế​; vẫn vẳng nghe tiếng gọi mừng rỡ giữa rừng của người học trò Lào nay đã trở thành đồng đội.

Đó còn là những kỷ niệm về những bà mẹ  Lào thân thiết gọi bộ đội Việt Nam là con, coi họ như núm ruột của mình, che chở, chia sẻ từng ngọn rau, ống cơm lam, những hạt gạo hiếm hoi cho lính Cụ Hồ. Và người mẹ Lào đang nuôi con nhỏ, vừa tang chồng nhưng đã suốt 1 tháng ròng dành sữa của mình cho những người lính Việt Nam đang cận kề cái chết.

Những chiến sỹ cứu nước Lào và nhân dân các bộ tộc Lào cũng không bao giờ quên những trận chiến ác liệt, khi máu của bộ đội Việt-Lào hoà quyện với nhau cùng sống còn với giặc cho đến giây phút cuối cùng. Là hình ảnh người chiến sỹ Lê Thiệu Huy dùng thân mình đỡ đạn cho Chủ tịch Xuphanuvong vượt song về vùng an toàn, là cậu bé liên lạc 13 tuổi nhỏ bé vẫn như con thoi chuyển mật lệnh qua màn lửa đạn của chiến trường đầy máy bay, xe tăng và quân thiện chiến bao vây liên quân Việt -Lào  tại mặt trận Thà Khẹc tháng 3/1946.

Nói đến các chiến công của liên quân Lào-Việt, cũng không thể nhắc đến sự khốc liệt trên chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng – địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, nơi hai bên giành giật nhau từng điểm cao, từng tấc đất. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Cánh đồng Chum là nơi chịu nhiều bom đạn và nóng bỏng nhất nước Lào. Trên mảnh đất này, có khoảng 12.000 bộ đội quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh. Những ai đã đi qua cuộc chiến ác liệt vào những năm 70 của Thế kỷ trước, ắt đều luôn nhớ mãi tới Cánh đồng Chum. Ngoài ra, còn là những tháng ngày bám đất, bám dân, chia sẻ ngọt bùi ở vùng Nam Lào, Thượng Lào, Sầm Nưa.

“Có thể chúng ta không nhớ hết được có bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu con suối dòng sông, bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu đồn trại địch mà các cán bộ, chiến sỹ anh hùng của hai nước chúng ta đã vượt qua và đập tan, nhưng có một điều chắc chắn không nhà cách mạng nào của hai nước có thể quên được là trong mỗi trận hiệp đồng chiến đấu, các cán bộ và chiến sỹ cách mạng Lào-Việt Nam đã cùng chung một chiến hào, hạt gạo chia đôi-cọng rau sẻ nửa, bảo vệ, chở che và giúp đỡ lẫn nhau mà không màng nghĩ tới tính mạng của chính bản thân mình, động viên nhau và sẵn sàng hy sinh xương máu vì nhau để giành được mục tiêu thắng lợi chung, ” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith đã tổng kết như vậy về những ngày sát cánh chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam và quân dân các bộ tộc Lào.

Sau chiến tranh, có những người lính tình nguyện trở về với đầy ắp kỷ niệm, nỗi nhớ dành cho các bà mẹ, cô gái, đồng đội Lào. Nhưng cũng rất nhiều người cũng nằm lại đất nước Triệu Voi, để lại niềm đau đáu của đồng đội.

 
Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước.
(Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Hơn 5 vạn cán bộ chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã bị thương, hơn 4 vạn cán bộ chiến sỹ hy sinh trên đất bạn Lào. Có người được mai táng cẩn thận, có người nằm xuống giữa chiến trường, đồng đội chỉ kịp khắc tên, quê quán và đơn vị đặt vào phần mộ, thậm chỉ có người chỉ còn lại một dòng chữ ghi vội Liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.

Không chỉ người thân đồng đội các anh, mà cả người dân Lào tại các vùng chiến trường xưa, vẫn đang khắc khoải tìm kiếm với hy vọng đưa các anh trở về Đất Mẹ. Có những người lính Lào năm xưa, nay lạị hàng ngày chăm sóc phần mộ, tưởng niệm những người lính Việt Nam đã chiến đấu và rồi mãi mãi để lại tuổi thanh xuân trên mảnh đất Lào.

Lịch sử của các đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào sẽ được khắc ghi như biểu tượng của tình hữu nghị đời đời bền chặt của hai nước, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith từng nói: “Hình ảnh những người cha, người mẹ Việt Nam và Lào tiễn đưa những người con yêu dấu của mình ra tiền tuyến, hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào kề vai sát cánh bên nhau, hiên ngang ra trận, cùng ăn mừng chiến thắng sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân hai nước chúng ta và sẽ không bao giờ nhạt phai.”/.

Theo VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất