Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa giáo
Thứ Hai, 23/12/2019 16:6'(GMT+7)

Quảng Ninh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Trên cơ sở nhận diện, định vị lại những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, Quảng Ninh đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đây được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền mỗi địa phương, đơn vị. Trong đó, xác định 3 điểm mấu chốt để tiếp cận gần hơn với cách mạng công nghiệp 4.0, đó là: 1) Xác định cải cách thể chế, cơ chế, chính sách và biện pháp điều hành làm đột phá. 2) Phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng. 3) Lấy ứng dụng, chuyển giao và làm chủ KHCN, tăng năng suất các yếu tố tổng hợp và định hướng thị trường làm động lực,… Từ đó, Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả nổi bật, toàn diện.

Thứ nhất, cơ chế, chính sách được xây dựng đồng bộ, hoàn thiện tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

tỉnh luôn đi đầu, đột phá trong việc xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. 14/14 huyện, thị xã, thành phố đều hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Riêng quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long có tầm nhìn đến 2050. Trong đó, có quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển KHCN và được Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề riêng. Hằng năm, tỉnh ưu tiên nguồn lực bố trí từ 4-5% ngân sách chi thường xuyên cho KHCN. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên chủ động phối hợp với Bộ Công thương xây dựng bộ 18 tiêu chí của tỉnh công nghiệp. Kết quả, đến năm 2015, Quảng Ninh đã đạt các tiêu chí là tỉnh công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 56,2%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 56,9%, quy hoạch nông thôn mới đạt 100%.

Thứ hai, xác định “kết nối” là yếu tố then chốt để tận dụng thời cơ.

Là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước xây dựng và ban hành kiến trúc và mô hình tổng thể thành phố thông minh, Quảng Ninh tiến tới nền kinh tế tri thức để phát triển bền vững. Đến nay, hạ tầng nền tảng cho chính quyền điện tử đã hoàn thiện: Trung tâm tích hợp dữ liệu tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế (Tier và TIA-942); 239 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã. Đề án khung về xây dựng mô hình thành phố thông minh tập trung vào các lĩnh vực: trường học, bệnh viện, giao thông, an ninh, chính quyền thông minh,... xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, năng động hướng tới lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp, người dân; lựa chọn một số nhiệm vụ, dự án có sản phẩm cuối cùng với quan điểm đối tượng thụ hưởng là nhân dân, du khách, bệnh nhân, học sinh,… được sử dụng dịch vụ chất lượng cao. Điểm đáng ghi nhận, xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Quảng Ninh từ năm 2016 đến nay liên tục xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố cả nước. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2025.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

Với mục tiêu đổi mới quy trình đầu tư theo hướng từ “trên xuống” thay vì từ “dưới lên”, Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 14/14 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND cùng cấp; kết nối 186/186 bộ phận một cửa 186 xã, phường, thị trấn. Đây cũng là tỉnh có Cổng dịch vụ công thứ 2 được công bố, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng thông tin của Chính phủ; ký kết hợp tác với Công ty cổ phần VNG xây dựng trang mạng xã hội của tỉnh với tên gọi “Chính quyền điện tử Quang Ninh” để cung cấp dịch vụ hành chính công và các thông tin, thông báo đến người dùng.

78,4%  thủ tục hành chính được thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả ngay tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; tích cực triển khai việc sử dụng thêm con dấu thứ 2 để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ” với 19 sở, ngành. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh cung cấp dịch công mức độ 3, 4 đạt 72,1%; cấp huyện đạt 83,8%; đã ban hành Bộ chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI).

Thứ tư, đề cao phương châm “hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh”.

Với phương châm “coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KHCN”, Quảng Ninh xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực kinh tế chính của tỉnh. Tính đến tháng 6-2019, tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh đăng ký là 18.750; số vốn đăng ký là 178.400 tỷ đồng. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh theo đó từng bước được cải thiện. Năm 2018, tỉnh đứng thứ 3 toàn quốc trong bảng đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT; được vinh danh, đón nhận giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng tại Nhật Bản. Niềm tin của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đang đầu tư trên địa bàn tỉnh được củng cố, tạo hiệu ứng tích cực. Thu hút vốn đầu tư tăng dần qua từng năm, tính chung cả giai đoạn từ năm 2012 đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước quy đổi đạt gần 6 tỷ USD; tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên địa bàn tỉnh có khoảng 47.000 tỷ đồng, với tổng số 44 dự án.

Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là nhân tố quyết định trong ứng dụng thành tựu KHCN.

Quảng Ninh đã biến lợi thế cơ cấu “dân số vàng” (trong đó số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh khoảng 68% tổng số dân) thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập, phân công lao động. Tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020”, nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường Đại học, cao đẳng nghề, nhất là đối với trường Đại học Hạ Long theo hướng đa ngành, đa liên kết đào tạo. Từ đó, dần thay đổi quan niệm về bằng cấp, quan niệm về “du học” truyền thống...  thu hút sinh viên ở nhiều tỉnh, thành phố khác về Quảng Ninh “du học”, kể cả sinh viên ở các quốc gia khác đến Việt Nam. Việc tập trung xây dựng 3 trường nghề đạt tầm quốc tế, cùng với xây dựng Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong tỉnh và ban hành chính sách hỗ trợ lao động đã tạo nên những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong dạy và học, tiếp cận với chuẩn mực giáo dục tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phối hợp nâng cao toàn diện nguồn nhân lực công nghệ thông tin để sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển và kịp thời tiếp cận các công nghệ mới khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tính đến tháng 6-2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Quảng Ninh ước đạt 77% (thuộc nhóm cao nhất cả nước).

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index) hai năm liền (2017, 2018) dẫn đầu cả nước; đứng vị trí thứ 7 về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), tăng 23 bậc so với năm 2017; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt 6/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao.

Thứ sáu, thực hiện an toàn, an ninh thông tin trong tình hình mới.

 Đến nay, Quảng Ninh đã ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong các cơ quan đảng, đoàn thể tỉnh; thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư hệ thống giám sát có khả năng phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn mạng. Các hoạt động diễn tập, ứng cứu sự cố an toàn thông tin, đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được tổ chức thường xuyên. Hằng năm, cán bộ, công chức chuyên trách và bán chuyên trách về công nghệ thông tin được tham dự lớp đào tạo bồi dưỡng về an toàn bảo mật thông tin; trực tiếp tham gia diễn tập ứng cứu sự cố của tỉnh.

Điểm mới và đi đầu trong đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền báo chí, tạo sự kết nối và lan tỏa, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng đề án, thành lập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh, chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2019. Qua 9 tháng hoạt động, đã khẳng định sự cần thiết và phù hợp của mô hình này với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, phát huy hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình. Đến nay, đã có hơn 20 địa phương, cơ quan đến trao đổi, học tập kinh nghiệm ở tỉnh.

Những kết quả bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng và cách làm phù hợp của Quảng Ninh; chứng minh KHCN thực sự là đòn bẩy, động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều đột phá, các mô hình mới đi vào hoạt động nền nếp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.

XÁC ĐỊNH 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Đứng trước thời cơ và thách thức của tình hình mới, Quảng Ninh xác định trong thời gian tới trên đà phát triển của của cuộc cách mạng công nghệ số, tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích trong việc ứng dụng KHCN để phát triển bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, Nghị quyết về KHCN theo hướng tập trung vào ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ thông tin gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ ba, ưu tiên, dành nguồn lực thỏa đáng ngân sách nhà nước để đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực nhằm chuyển giao, vận hành hiệu quả sau đầu tư.

Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh, hiện đại, đứng trong nhóm các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án chính quyền điện tử giai đoạn 2 gắn với các dự án thành phần của Đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020 hướng tới Chính quyền số. Gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.

Thứ năm, tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng và thực hiện chính sách nhập khẩu công nghệ. Xây dựng kế hoạch và chính sách khuyến khích, trọng dụng cán bộ KHCN; thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ KHCN trẻ, tài năng, trong đó có ngành công nghệ thông tin.

Thứ sáu, tiếp tục đào tạo cán bộ điện tử, công dân điện tử nhằm vận hành, sử dụng hiệu quả chính quyền điện tử, thành phố thông minh và chính quyền số; trước mắt là việc khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4./.

Vi Ngọc Bích
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất