(TG)- Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc thiết thực giúp giảm nghèo bền vững cho các xã vùng khó”, Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh các phong trào “đỡ đầu hộ nghèo có địa chỉ”, thành lập các tổ hợp tác thanh niên…
Con đường đến xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, gập ghềnh bởi đồi núi nhưng không thể làm nản lòng những dấu chân tình nguyện. Băng đèo, vượt suối bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, những đoàn viên thanh niên của Huyện đoàn Vĩnh Linh đã góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt thôn bản nơi đây.
Đến Vĩnh Ô, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng ấm áp của người dân địa phương dành cho các đoàn viên thanh niên bởi từ lâu họ đã gắn bó thân thiết với bản làng như những đứa con ruột thịt. Anh Phan Ngọc Khoa, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh cho biết: Có được kết quả hôm nay là một quá trình nỗ lực và cố gắng của đoàn viên thanh niên. Những ngày đầu, các đoàn viên gặp rất nhiều khó khăn, đối với bà con cái gì cũng mới, cũng lạ, muốn nói để bà con tin và làm theo rất vất vả. Để gần gũi người dân, các đoàn viên thực hiện “4 cùng”: Cùng ăn, cùng nói tiếng Pakô-Vân Kiều, cùng lên rẫy làm việc và cùng sinh hoạt văn hóa truyền thống với người dân. Mặt khác, các bạn trẻ phải là người đi tiên phong, làm mẫu. Đến nay, những đoàn viên thanh niên đã trở thành những thành viên không thể thiếu trong đại gia đình lớn của bản làng.
Vĩnh Ô là một trong 3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất ở miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh. Toàn xã có 1.127 nhân khẩu nhưng có đến trên 68% tổng số hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Địa hình của xã chủ yếu là núi non hiểm trở, tập trung đồng bào dân tộc Pakô và Vân Kiều sinh sống, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Thực hiện Đề án 1695 của UBND huyện Vĩnh Linh về giảm nghèo bền vững, Huyện đoàn Vĩnh Linh đã quyết định chọn xã Vĩnh Ô, trong đó có bản Xà Nin là bản nghèo nhất xã với 100% hộ dân đều thuộc diện nghèo và cận nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Các đoàn viên thanh niên đã đi khảo sát từng hộ dân trong diện nghèo đặc biệt khó khăn để nắm bắt nhu cầu, mong muốn và điều kiện phù hợp của gia đình, từ đó đưa ra những giải pháp, mô hình giảm nghèo phù hợp. Bằng cách làm “cho cần câu chứ không cho xâu cá” để phát triển mô hình kinh tế bền vững, Huyện đoàn Vĩnh Linh xác định hướng phát triển chính là trồng rừng và chăn nuôi phù hợp với địa hình đồi núi và đất đỏ bazan. Bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, các đoàn viên thanh niên đã trực tiếp hướng dẫn người dân thay đổi phương thức sản xuất áp dụng khoa học kĩ thuật vào phát triển kinh tế, thay đổi tập quán canh tác.
Những ngày đầu, các bạn trẻ phải trèo đèo lội suối đi đến từng nhà hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình kinh tế mới. Khó khăn rất nhiều khi người dân đã quen với tập quán sản xuất lạc hậu, canh tác nương rẫy từ xưa. Sau đó, 3 mô hình kinh tế điểm ở các gia đình có hoàn cảnh nghèo nhất xã được tổ chức Đoàn hỗ trợ đã bắt đầu thay đổi quan niệm của người dân. Xác định giảm nghèo bền vững là một quá trình lâu dài, trong đó đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt đi đầu, Huyện đoàn Vĩnh Linh đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho các đoàn viên trong xã, đồng thời hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế để người dân trong bản làm theo.
Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc thiết thực giúp giảm nghèo bền vững cho các xã vùng khó”, Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh các phong trào “đỡ đầu hộ nghèo có địa chỉ”, thành lập các tổ hợp tác thanh niên… Đến nay, Huyện đoàn Vĩnh Linh đã hỗ trợ xây dựng 23 mô hình kinh tế như về chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch trị giá 108 triệu đồng, trường mầm non trị giá 70 triệu đồng, hệ thống điện chiếu sáng trị giá 50 triệu đồng… cho bản Xà Nin. Chỉ tính riêng trong năm 2014, huyện Đoàn đã huy động nguồn kinh phí trên 156 triệu đồng để tổ chức nhiều hoạt động giảm nghèo hiệu quả cho các hộ đồng bào dân tộc tại bản Xà Nin, xã Vĩnh Ô.
Huyện đoàn còn tổ chức các đợt tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” tại bản Xà Nin với nhiều hoạt động như: Trồng 300 cây chuối và hướng dẫn cách chăm sóc cây cho dân bản ; hỗ trợ tấm lợp và tu sửa, làm nhà cho 6 hộ dân khó khăn về nhà ở; khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho hơn 80 người dân; làm cỏ chăm sóc, phát rẫy tràm; hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho các em thiếu nhi; tặng quà cho các học sinh nghèo học giỏi, các hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Vĩnh Ô…
Ông Hồ Văn Sáu, Chủ tịch xã Vĩnh Ô cho biết: Đoàn thanh niên đã tích cực hỗ trợ xã trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt mới từ năm 2013. Điều này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Đặc biệt, nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, người dân đã từ bỏ những tập quán canh tác lạc hậu như đốt rừng làm nương rẫy.
Kinh tế của xã Vĩnh Ô đã khởi sắc. Những nóc nhà sàn mới vững chãi thay thế cho những căn nhà sàn cũ mục nát, hệ thống đường thôn bản rộng rãi thuận tiện cho việc đi lại giao thương buôn bán với các xã khác. Những tiếng cười đùa của trẻ em vang vọng trong ngôi trường mới… Tất cả đều in dấu màu áo xanh tình nguyện./.
TG