Cụ thể, vào ngày 17-3, tại Bệnh viện đa Khoa Quảng Trị xảy ra vụ sản phụ Nguyễn Thị Tám (34 tuổi, trú tại Thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) đã tử vong sau một đêm sinh mổ tại Khoa sản của bệnh viện này.
Ngày 16-3, chi Tám đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị để chờ sinh lần 2, sản phụ được chỉ định lấy thai cấp cứu. Sau đó được chuyển về Khoa sản theo dõi, được cho “bệnh diễn biến tốt, ổn định”. Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ sáng ngày 17-3, sản phụ có triệu chứng đau ngực, khó thở, sùi bọt mép rồi tim ngừng đập, ngừng thở. Ngay sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã tiến hành cấp cứu với đội ngũ y bác sĩ giỏi và trang thiết bị máy móc hiện đại, nhưng sản phụ Tám vẫn không qua khỏi. Người nhà bệnh nhân sau đó đã kéo đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị để yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Tám.
Đến chiều ngày 20-3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị kiểm tra và báo cáo vụ sản phụ Nguyễn Thị Tám tử vong. Đến ngày 21-3, Sở Y tế Quảng Trị đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Trị. Theo đó, nguyên nhân tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Tám là “Do ngừng tuần hoàn, thuyên tắc mạch phổi sau sinh”; BVĐK Quảng Trị cũng đã đình chỉ công tác tạm thời đối với kíp trực gồm 2 bác sĩ, 4 hộ sinh.
Gia đình, người thân nạn nhân đã kéo lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị để yêu cầu làm rõ nguyên nhân về cái chết bất thường của sản phụ Nguyễn Thị Tám
Ngoài ra, ngay trong ngày 23-3, Bộ Y tế tiếp tục gửi văn bản khẩn yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị phải xác minh, làm rõ trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà tử vong tại Phòng khám tư nhân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Trước đó, ngày 13-3 tại phòng khám tư, nằm trên đường Hùng Vương (Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh), do bác sĩ Trần Cảnh Toàn, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị quản lý đã xảy ra trường hợp một bệnh nhân nữ bị sốc thuốc. Danh tính bệnh nhân được xác định là Nguyễn Thị Thu Hà (32 tuổi, trú tại thôn Thủy Trung, xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh).
Chị Hà bị sốt kéo dài, đau cổ, không ăn uống gì được nên tìm đến phòng mạch tư của bác sĩ Toàn để khám bệnh. Bệnh nhân sau đó được bác sĩ Toàn siêu âm thấy có hạch ở cổ, cơ thể suy nhược nên đã truyền dung dịch Lactate Rigner (dung dịch điều chỉnh sự mất cân bằng về nước và chất điện giải). Khoảng 20 phút sau, bệnh nhân Hà bị sốc thuốc nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh nhưng sau đó đã tử vong.
Trước đó vào ngày 14-11-2016, tại Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cũng xảy ra vụ việc một bé sơ sinh nặng 4,8kg sinh ra bị các biến chứng nghiêm trọng như gãy xương đòn, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, liệt cơ hoành, gan đẩy lên cao… Phía gia đình sau đó, đã gửi đơn khiếu nại lên Ban Giám đốc bệnh viện vì cho rằng đội ngũ y, bác sĩ quá tắc trách nên gây ra vụ việc…
Bé sơ sinh nặng 4,8 kg bị gãy xương đòn khi được sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị giải thích: Về vụ trẻ sơ sinh xảy ra hồi tháng 11-2016 không có chỉ định sinh mổ, khi sinh thường do thai nhi quá to (trên 4kg) nên bác sĩ phải can thiệp, hiện sức khỏe cháu bé đã bình phục, bệnh viện cũng đã đình chỉ công tác bác sĩ trực.
Còn vụ tại phòng mạch riêng ở huyện Vĩnh Linh đã có kết luận của pháp y là do “sốc phản vệ”, bác sĩ sau đó đã tiến hành các biện pháp cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bác sĩ Toàn cũng đã đến gia đình bệnh nhân thăm hỏi, hai bên đã thông cảm cho nhau. Sở Y tế Quảng Trị cũng đã tạm đình chỉ cơ sở của bác sĩ Toàn để chờ hướng giải quyết.
“Sắp tới đây chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, quản lý sâu sát đến từng khoa, thành lập hội đồng đánh giá toàn bộ những vụ việc. Tiến hành phân công làm việc theo ca 8 tiếng một ngày, không trực nữa. Những sai sót, tai biến nghề nghiệp phải luôn chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc.”- ông Thành cho hay.
NGỌC OAI/SGGP