Một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2017, đó là nợ đọng xây dựng cơ bản và những lãng phí trong đầu tư công, cùng với những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công. Nội dung này được nhiều đại biểu thảo luận trong phiên họp sáng 25/5.
Một góc nhà ga Bến Thành (quận 1), công trường dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các ý kiến nhận định, qua gần 2 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, mặc dù đã đạt một số kết quả ban đầu quan trọng, song không thể phủ nhận một thực tế là còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện.
Còn phát sinh nợ xây dựng cơ bản
Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại Nghị quyết 26/2016/QH14 kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng như Luật Đầu tư công, không được phép phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau 31/12/2014. Tuy nhiên, trên thực tế, qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước thì vẫn còn có những nơi, những bộ, ngành, địa phương còn phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đến năm 2017, con số phát sinh là 14.614 tỷ đồng. Từ đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh để không phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Liên quan đến việc chi chuyển nguồn, năm 2017, bên cạnh những thành tích thì trong sử dụng nguồn lực đầu tư, vấn đề chuyển nguồn cũng đáng quan tâm. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng con số chuyển nguồn năm 2017 là 297.387 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây.
"Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như thế này thì đây cũng có thể coi là một khoản lãng phí", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh và đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công phải đưa vấn đề này vào theo hướng thu hẹp phạm vi chuyển nguồn, đảm bảo kỷ luật tài chính.
Một vấn đề khác đại biểu đề cập là thời hạn giải ngân. Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian gần đây có những thời điểm rất khó khăn. Vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 chỉ giải ngân được trên 40%.
"Chúng tôi nghĩ rằng, nguyên nhân là do Luật Đầu tư công đã cho phép kéo dài thời hạn giải ngân, thậm chí trong cả giai đoạn 5 năm. Và đây cũng là vấn đề mà chúng tôi mong muốn được sửa đổi trong Luật Đầu tư công tới đây”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.
Đại biểu cũng chỉ ra theo quy định của Luật Đầu tư công, vấn đề vượt tổng mức đầu tư là không được phép. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế cho thấy chất lượng khảo sát, thiết kế ở một số dự án chưa đạt yêu cầu, năng lực tư vấn còn hạn chế, đã dẫn đến việc nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tới đây, Quốc hội sẽ phải xem xét nhiều dự án, trong đó có những dự án nổi bật như dự án Bến Thành-Suối Tiên, Bến Thành-Tham Lương. Đại biểu mong muốn có giải pháp chấn chỉnh hợp lý những hiện tượng này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu đưa ra những ý kiến cảnh báo về thực trạng vượt mức trần ODA theo Nghị quyết 26 của Quốc hội. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, về huy động nguồn lực ODA, tại kỳ họp trước cũng đã có ý kiến phát biểu về mức trần ODA hiện nay đã vượt ngưỡng. Theo Nghị quyết 26 của Quốc hội thì mức trần là 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, đến nay con số này đã vượt lên xấp xỉ 173 tỷ đồng.
"Như vậy thì cũng có thể là đã vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến an toàn nợ công. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Và tôi cũng muốn nhắc lại là tại Kỳ họp tháng 10 trước đây, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ có báo cáo chính thức gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến giờ phút này chúng tôi chưa có báo cáo chính thức, số liệu chính thức về vấn đề này. Chúng tôi thực sự mong muốn có câu giải đáp để sớm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn trong thời gian sớm nhất có thể" - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.
Cần có giải pháp trước tình trạng chậm giải ngân vốn nhà nước
Cũng trao đổi về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư cơ bản của năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho biết, năm 2017, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 86,8% và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 45%... Đặc biệt trong quý 1/2018 mới đạt 16,3%. Tình hình giải ngân này chắc chắn sẽ tác động đến các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận -Cần Thơ… Không hoàn thành đúng kế hoạch, hậu quả có thể là tăng chi phí đầu tư, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.
"Lý giải của Chính phủ về chậm giải ngân đầu năm 2018 là do các bộ, ngành tập trung giải ngân vốn 2017 và ảnh hưởng của Tết Nguyên đán xem ra không thuyết phục", đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ có phân tích căn cơ nguyên nhân và giải pháp hợp lý để đẩy mạnh tốc độ giải ngân và tránh lặp lại trong những năm tiếp theo, hoàn thành các công trình dự án đầu tư đúng kế hoạch.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu, sáng 25/5. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, cử tri trăn trở trước sự lãng phí nguồn lực nhà nước trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, các chủ đầu tư thực hiện các dự án lớn nhưng chậm đóng thuế cho nhà nước, gây thất thoát cho ngân sách. Trong khi đó, nhiều người dân không có đất sản xuất, tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ "đất vàng" để trục lợi...
"Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh rằng, khi xây một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu đồng, còn nhà nước phải xây hết 1 tỷ đồng mà chất lượng, thẩm mỹ không bằng một nửa nhà dân", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu ý kiến và cho biết cử tri kiến nghị nhà nước nên tính toán lại vấn đề bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ còn thất thoát hơn.
Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ và Chính phủ phải xử lý rốt ráo hiện nay là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp..., cá biệt là dự án nạo vét kè sông Sào Khê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, đã chứng minh tâm tư của cử chi là có cơ sở, Chính phủ cần xử lý rốt ráo những vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng, vốn trái phiếu Chính phủ chậm, cho thấy khâu tổ chức thực hiện còn yếu kém, kéo dài từ nhiều năm chưa giải quyết triệt để. "Cử tri lo ngại, vốn đầu tư phát triển của chúng ta đã ít, nếu kéo dài tình trạng này thì hiệu quả càng thấp. Trách nhiệm này thuộc bộ, ngành, địa phương nào cần quy định cho rõ và xử lý nghiêm" - đại biểu Cầu kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Theo đại biểu, vấn đề này phải làm thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, không để nợ công, nợ thuế, nợ xấu gia tăng gây áp lực cho nền kinh tế. Chính phủ cần xem xét và giải quyết một cách căn bản, rốt ráo trong năm 2018 và những năm tiếp theo./.
(TTXVN)