Nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau COVID-19, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng bình quân 6% (tương ứng mức tăng từ 180.000-260.0000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, song cũng có những lo lắng mức lương tăng thì giá cả cũng tăng theo.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tăng lương giúp người lao động yên tâm sản xuất
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian qua người lao động hết sức vất vả. Tôi thấy nhiều mặt hàng giá cả đều tăng vọt, nhưng lương không tăng nên cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Việc tăng lương bắt đầu từ ngày 1/7 là hết sức cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Mặc dù tăng lương gây khó khăn cho ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã tính toán và cân đối rất kỹ. Trong khi đó, tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn.
Lương là lương tối thiểu và khi thu nhập thấp thì người lao động phải “tay trái, tay phải” để có thêm thu nhập, ổn định đời sống. Do đó, việc tăng lương tuy không cao, nhưng là "món quà tinh thần" kích thích người lao động giúp họ yên tâm sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Trương Xuân Cừ: Mức lương tối thiểu hiện chưa bảo đảm mức sống người lao động
Tôi cho rằng, vấn đề tăng lương được rất nhiều người lao động quan tâm. Việc tăng lương giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công việc. Tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm trên là rất cần thiết, bởi thông thường lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau một năm thực hiện. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2019.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Do đó, các cơ quan chức năng kịp thời bố trí nguồn kinh phí để sớm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp cũng biết được lộ trình thực hiện.
Đại biểu Quản Minh Cường: Giá cả ngày càng tăng cao
Nói đến việc tăng lương, nhiều người lao động rất mừng. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng về vấn đề giá cả ngày càng tăng cao. Bởi, chưa tăng lương thì giá đã tăng và không cần tăng lương thì giá cũng tăng.
Do vậy, ngoài việc tăng lương, Chính phủ cần có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, tái tạo sức lao động và cống hiến cho đất nước.
Ngoài ra, coi trọng những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối nền kinh tế và đảm bảo mức lương phù hợp với người lao động./.
Diệp Anh-Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)