Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 15/11/2008 9:34'(GMT+7)

Quốc hội thảo luận: Áp dụng hạn chế hình phạt tử hình

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường

Trong phiên làm việc tại hội trường, có 27 ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Về cơ bản, các ý kiến nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều cơ bản, cấp bách phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, chưa đặt ra vấn đề sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc Chính phủ đề nghị bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều đã nêu trong Tờ trình. Theo các đại biểu, Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Ngô Minh Hồng (TP. Hồ Chí Minh) trong điều kiện nước ta hiện nay và những năm tới hình phạt tử hình tuy vẫn cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng rất hạn chế đối với một số người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong những trường hợp nhất định.

Các đại biểu này cũng tán thành chủ trương của Chính phủ là bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể trong lần sửa đổi luật này và cho đây cũng là xu hướng tiến bộ thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước ta trong chính sách hình sự.

Một số ý kiến đề nghị nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ngay trong lần sửa đổi này để xử lý một số loại tội phạm về kinh tế, về môi trường, về thuế v.v... Sửa đổi, bổ sung các nhóm tội liên quan đến vấn đề tổ chức phạm tội, rửa tiền, tội buôn bán người v.v.... để thực hiện các Điều ước, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.

Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) đề nghị cần tiếp tục sửa đổi bổ sung tội trốn thuế, gian lận thuế bởi trốn thuế là hành vi gây thiệt hại trực tiếp nghiêm trọng đến nguồn thu của Nhà nước phải được xử lý thật nghiêm nhằm tạo tính giáo dục răn đe đối với người có hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp

Theo quy định Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hiện hành thì nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp được bầu năm 2004 sẽ kết thúc vào năm 2009.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nhất là đối với Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy, thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có khoảng cách khá xa về thời gian, không thuận lợi cho việc hoạch định mỗi kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế-xã hội.

Thêm vào đó, trong thời gian mỗi kế hoạch 5 năm có nhiều cuộc bầu cử như hiện nay, vừa gây lãng phí về thời gian, tốn kém về tiền của, vừa khó bảo đảm sự kế thừa liên tục của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định kéo dài thêm 2 năm nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 để thời điểm bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa tới sẽ được tiến hành vào năm 2011, cùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII là phù hợp.

Nghị quyết về việc điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động năm 2004-2009 của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp được Quốc hội thông qua với 90,47% số đại biểu tán thành, theo đó, sẽ kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp cho đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp khoá sau vào năm 2011. Ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khoá sau do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố./.

(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất