Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm
toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc
gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính với 445/450 đại biểu Quốc hội tham
gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,9% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật Chứng khoán được sửa
đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát
hành, chào bán chứng khoán. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định
như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng
khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.
Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và
xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành,
chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có
liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường
chứng khoán. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi
bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Hủy bỏ đợt chào bán.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của
thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường, luật hoàn
thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các
giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung
tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với Luật Kế toán, sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chuẩn
mực kế toán; dịch tài liệu ra tiếng Việt; kỳ kế toán đầu tiên và cuối
cùng của đơn vị kế toán; đơn giản nội dung chứng từ kế toán; ký chứng từ
kế toán điện tử; quy định về báo cáo tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân
quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán cho
các bộ, cơ quan ngang bộ trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm
công tác kế toán.
Về Luật Kiểm toán độc lập, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm
mục tiêu chính: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà
nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế;
Nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông
tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; Mở rộng các đối
tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục
vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến: Quản lý nhà nước về
hoạt động kiểm toán độc lập; Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc
lập; Những người không được đăng ký, tiếp tục hành nghề kiểm toán; Nghĩa
vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh
nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; Luân chuyển kiểm toán viên
hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị
được kiểm toán; Mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc.
Về Luật Ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa
phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các
công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa
bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ. Sửa đổi, bổ sung quy
định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi
đầu tư và thường xuyên như: chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử
dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định,
phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương
đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định
nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà
soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng
cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải
tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án
đã đầu tư xây dựng…
Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sửa đổi, bổ sung để đẩy
mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng
tài sản công đối với một số quy định về: Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản
công; Thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài
sản công; Cập nhật hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý”
đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thẩm quyền phê duyệt
Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết; Tính khấu hao, hao mòn tài sản công tại đơn vị sự
nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng... Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ
sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng
tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó, bổ sung
quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ
đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất
đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan. Đồng thời, bổ sung quy định
việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản
xuất, xây dựng kinh tế; việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh
nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực
hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản
công.
Đối với Luật Quản lý thuế, sửa đổi theo hướng tháo gỡ vướng mắc về cơ
chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tăng cường
trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống
nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy
định về: Mức tiền phải trả lãi; Thẩm quyền quyết định hoàn thuế; Nguyên
tắc quản lý thuế; Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất
cảnh; Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý
thuế; Quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.
Để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua mở rộng cơ
sở thu, chống thất thu thuế, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy
định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo
công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh
doanh dựa trên nền tảng số; khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan
Thuế với các cơ quan liên quan.
Đối với Luật Dự trữ quốc gia, Luật đã bổ sung cơ chế cho phép Thủ
tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại
của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân
cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương
mua bù hàng dự trữ quốc gia.
Trước đó, trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự
thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ,
trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội
dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy
định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá
nhân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ
sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật
này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế
toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử
dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật
Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”./.
TTXVN