Nếu không biết tạo độ chênh mặt nước thì Hà Nội sẽ còn chịu lụt
Là người đóng góp ý kiến đầu tiên trong chiều nay cho vấn đề quy hoạc đô thị, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mai, Đoàn Ninh Thuận đã lấy một lý do quá trực quan và đang còn hiện hữu là ngập lụt của Hà Nội để mở đầu. Theo ĐB Mai:”Việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam như hiện nay sẽ còn tái diễn đến bao giờ? Tôi xin trích lời nói của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đăng trên Báo Đất Việt: "Đợt lũ nặng nề hiện nay là hệ quả của một quá trình mà quy hoạch tổng thể Hà Nội không được quán xuyến qua nhiều đời lãnh đạo". Theo ông Thảo nếu không biết cách tạo độ chênh mặt nước thì dù có chi hết 2.500 tỷ đồng vẫn không giải được bài toán xử lý lượng nước đổ ra kênh, mương thì Hà Nội sẽ còn chịu lụt.”
ĐB Mai băn khoăn, như vậy sự thiệt hại về con người và tài sản của nhân dân Hà Nội trong trận ngập lụt vừa qua trách nhiệm thuộc về ai? Bức tranh quy hoạch của thủ đô, trái tim của cả nước là như vậy. Các đô thị khác có lẽ cũng không khác lắm mấy, vì sao? Chẳng lẽ chúng ta cứ nói mãi là vì không có tầm nhìn, không có phân trách nhiệm rõ ràng, không khoa học trong quản lý, nguồn nhân lực chưa đủ tâm và đủ tầm hay sao?
Đề cập tới “căn bệnh” hiện nay của quy hoạch đô thị, ĐB Mai cho rằng, trong những năm qua việc quy hoạch và quản lý đô thị của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các chuyên gia cũng như những người tâm huyết, hiểu rõ điều kiện thủy văn, địa lý, địa lợi và dự báo sự phát triển lâu dài của từng dự án quy hoạch.
ĐB Mai đã nêu vấn đề: “Như đường giao thông vừa làm xong lại đào lên chôn ống nước, cắm trụ điện gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông, gây tai nạn và lãng phí tiền của của nhân dân.”
Nói về tầm nhìn quy hoạch, ĐB Mai cho biết, phải trên quan điểm chiến lược lâu dài có tầm nhìn không phải 10 năm, 20 năm mà phải là hàng trăm năm.
Vấn đề quy hoạch treo, tình trạng quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn tùy tiện, lãng phí, làm cho người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, không dám đầu tư, sản xuất trên mảnh đất của mình cũng đã được các ĐB đề cập.
|
Ngập lụt ở Hà Nội - một ví dự sinh động cho vấn đề quy hoạch đô thị trên nghị trường. Ảnh: Lê Quang |
Luật có nên quy định có kiến trúc sư trưởng không?
Vấn đề cần có hay không cần có Kiến trúc sư trưởng cũng được một số ĐB đề cập. Theo những ý kiến này, trong những năm qua các thành phố trực thuộc Trung ương đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố quản lý Nhà nước về quy hoạch kiến trúc đô thị cụ thể như là Sở qui hoạch kiến trúc, Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở giao thông công chính, Sở kế hoạch đầu tư.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Gia Lai bày tỏ:”Tôi không tán thành chức danh kiến trúc sư trưởng bởi luật quy định chức danh kiến trúc sư trưởng là tư vấn tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố. Tư vấn và tham mưu là hai chức năng khác nhau, không nên quy định kiến trúc sư trưởng vừa tham mưu vừa tư vấn. Quy định như vậy không rõ ràng, lẫn lộn, trùng lặp với chức năng của Hội đồng kiến trúc quy hoạch, Sở kiến trúc quy hoạch, Sở xây dựng, sẽ phức tạp thêm trong quyết định của Chủ tịch UBND thành phố.”
ĐB Nguyễn Vinh Hà, Đoàn Kon Tum đã đề nghị:”Không quy định chức danh Kiến trúc sư trưởng trong luật vì qua tìm hiểu tôi thấy chức danh này chỉ có ở một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Hiện hay một số nước tư bản phát triển chức danh này, nhiệm vụ của chức danh này được giao cho ông thị trưởng thành phố.”
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, về Kiến trúc sư trưởng, ý kiến còn khác nhau, nếu chấp nhận tồn tại cả mấy chủ thể: Hội đồng kiến trúc quy hoạch, Kiến trúc sư trưởng, Sở xây dựng kiến trúc thì phải thật rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, tính độc lập trong mối quan hệ phối hợp cần thiết giữa các chủ thể.
VnMedia