Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 1/11/2018 12:33'(GMT+7)

Quy hoạch xây dựng tỉnh - hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Không thể thiếu Quy hoạch xây dựng tỉnh

Dự án Luật bao gồm 32 điều; trong đó 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành. Về sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực xây dựng, có 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng có liên quan đến quy hoạch được sửa đổi, gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các luật này quy định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Đối với Luật Xây dựng, sửa đổi theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng để đảm bảo đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch. Theo đó, Quy hoạch xây dựng bao gồm Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn, Quy hoạch khu chức năng, Quy hoạch xây dựng tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, Quy hoạch xây dựng vùng huyện. 

Bàn về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho biết Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng tỉnh đã được bàn từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và đến bây giờ là kỳ họp thứ 6. 

Tuy nhiên, Quy hoạch tỉnh theo đề xuất trong Luật Quy hoạch và Quy hoạch xây dựng tỉnh được đề xuất trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch là những nội hàm khác nhau. 

Nếu cho rằng nội dung của Quy hoạch xây dựng tỉnh này đã tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thì chưa thực sự đầy đủ, chính xác. Vì Quy hoạch tỉnh được xác định theo Luật Quy hoạch là những quy hoạch định hướng, quy hoạch chung. Còn Quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa của Quy hoạch tỉnh. Đây là nguyên tắc và cách tiếp cận rất hợp lý. 

Bởi vậy, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch có đề xuất Quy hoạch xây dựng tỉnh không trái với Luật Quy hoạch và không trái các luật khác. Nó chỉ là cụ thể hóa cách tiếp cận rất khoa học. Do đó, không thể thiếu Quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật Quy hoạch lần này - ông Nghiêm thẳng thắn nhận xét. 

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) Nguyễn Thành Hưng, Quy hoạch xây dựng tỉnh (trước đây trong Luật Xây dựng gọi là Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh) đã tồn tại lâu đời, song hành với sự phát triển của đất nước. Nhưng phải đến năm 2003, khi Luật Xây dựng được ban hành, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh mới chính thức có tên gọi. Lịch sử của ngành quy hoạch trên thế giới cũng chỉ rõ rằng quy hoạch được hiểu là quy hoạch vật thể.

Trên thực tế, vai trò của Quy hoạch xây dựng tỉnh rất quan trọng. Đó chính là việc xác định hình hài, quy mô đô thị, khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp (khu công nghiệp), khu nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Đó cũng là giải pháp kết nối vùng chức năng đấy với nhau, cân đối giữa chúng để những không gian này không mâu thuẫn và cùng nhau phát triển hài hòa bền vững. 

Đặc biệt, Quy hoạch xây dựng tỉnh chính là công cụ kỹ thuật quan trọng nhất để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong lãnh thổ một tỉnh. 

Hệ thống đô thị trên toàn quốc, đô thị nông thôn và hạ tầng kỹ thuật của từng tỉnh đã có hiện nay một phần là nhờ các hoạch định trong đồ án Quy hoạch xây dựng - ông Hưng dẫn chứng. 

Tương tác giữa các loại quy hoạch 

Nếu Quy hoạch tỉnh cập đến những định hướng lớn, quy hoạch không gian phi vật thể và không gian kinh tế thì Quy hoạch xây dựng tỉnh chính là cụ thể hóa các định hướng lớn của Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch xây dựng tỉnh là căn cứ để quản lý đô thị trong cấp tỉnh. Vì thế, 2 nội dung này khác nhau nhưng lại có sự tuân thủ, liên kết với nhau. Về tầng bậc thì Quy hoạch xây dựng tỉnh cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh là quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, nêu những định hướng lớn, phi vật thể. Còn Quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ ra những định hướng, chỉ tiêu, không gian rất cụ thể để quản lý, phân các khu vực hợp lý. Như vậy, Quy hoạch xây dựng tỉnh cụ thể hóa bằng những vật thể, là công cụ quản lý cấp tỉnh để thực hiện định hướng phát triển hệ thống đô thị-nông thôn. 

Ngay trong tờ trình gửi Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ cũng đã giải trình rõ, Quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về Quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Phó viện trưởng VIUP Nguyễn Thành Hưng phân tích Quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch được hiểu giống như một bản kế hoạch vĩ mô, tích hợp các chiến lược cũng như chính sách khung cho lãnh thổ tỉnh và thiên về phi vật thể. Còn Quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch mang tính kỹ thuật, nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể về không gian, các vật thể (đất đai, đô thị, hạ tầng …) và các giải pháp về quản lý, đầu tư xây dựng. Do đó, đề xuất tồn tại Quy hoạch xây dựng tỉnh theo mục tiêu này là rất cần thiết. 

Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tác động đến nhiều luật hiện hành. Vì vậy, Quốc hội đang bàn việc xây dựng Dự án Luật để sửa đổi các luật có liên quan; trong đó có Luật Xây dựng. 

Theo ông Hưng, quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch và Quy hoạch vùng tỉnh trong Luật Xây dựng là 2 quy hoạch khác nhau, đề cập đến 2 nội hàm khác nhau. Nói đến Quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch là đề cập đến quy hoạch vấn đề phi vật thể. Đó là các loại chỉ số như GDP, phát triển của tỉnh, dân số, lao động, nông nghiệp, lâm nghiệp, hải sản... Các nội dung này không thể tích hợp trong Quy hoạch tỉnh chung chung được, mà phải nằm riêng trong Quy hoạch xây dựng.

Các nước trên thế giới đều triển khai Quy hoạch xây dựng, nhằm kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Hiện 63 tỉnh, thành trong cả nước đều có Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, tích hợp rất khoa học tất cả các ngành, dựa trên dự báo phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Như vậy, không thể tích hợp Quy hoạch xây dựng vào Quy hoạch tỉnh, ông Hưng khẳng định. 

Quy hoạch tỉnh chỉ là quy hoạch phi vật thể với số liệu là chính, các chỉ số phát triển không thể làm rõ được nội dung mà Quy hoạch xây dựng đề cập. 

Một số chuyên gia cũng chia sẻ chưa nhìn thấy một bản đồ hay đồ án nào mà quy hoạch tích hợp một tỉnh hay một vùng tỉnh bởi bản vẽ không thể tích hợp được tất cả mọi thứ. Từ trước đến nay, Việt Nam có quy hoạch kinh tế ngành, Quy hoạch xây dựng riêng. Nhưng nay, nếu tích hợp trong một đồ án thì không thể. Hơn nữa, ký hiệu từng bản đồ cũng khác nhau. Nếu tích hợp tất cả các quy hoạch ở trong một bản đồ chung là Quy hoạch tỉnh thì chẳng có một hệ thống quy chuẩn nào có thể vẽ hay thể hiện được hết tất cả các chỉ dẫn.

Đồ án Quy hoạch xây dựng chính là công cụ quan trọng nhằm quản lý đầu tư xây dựng, giúp chính quyền địa phương kiểm soát được quá trình phát triển. Chính vì vậy, chẳng có lý do gì để tích hợp Quy hoạch xây dựng tỉnh vào Quy hoạch tỉnh mà cần phải song song tồn tại 2 quy hoạch để phục vụ phát triển đất nước, ông Hưng đề xuất

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển 

Có thể nói, Quy hoạch xây dựng được xem như một công cụ để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế xã hội bởi tất các các loại quy hoạch đều quy về không gian, đất đai và tất cả các ngành đều liên quan đến vấn đề này.

Mới đây, ngày 17/9/2018, tại quyết định 1369/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050; trong đó có định hướng mở rộng đô thị loại 1 Thành phố Bắc Ninh để đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương và Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc trung ương...

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh lần này của Bắc Ninh được đánh giá sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022, theo hướng hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh. 

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tiến Tài chia sẻ, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh thực hiện từ năm 2013 và một trong những yếu tố quan tâm đặc biệt của địa phương chính là đô thị và công nghiệp. Bởi vậy, trong lĩnh vực công nghiệp, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đã định hướng rõ hình thành 16 khu công nghiệp tập trung với diện tích gần 6.400 ha phân bố trên nhiều địa bàn, hướng tới phát triển công nghiệp theo xu thế hiện đại, sạch và công nghệ cao. 

Hiện Bắc Ninh có 9/16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; trong đó có những khu công nghiệp rất thành công như VSIP, Yên Phong… Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài như Samsung (đầu tư hơn 10 tỷ USD), mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Bắc Ninh và quốc gia. 

Ông Nguyễn Tiến Tài khẳng định đóng góp lớn vào thành công của các khu công nghiệp này là Quy hoạch xây dựng đã đặt vị trí khu công nghiệp, kết nối hạ tầng không gian, đất đai, cũng như khả năng cung cấp nguồn nhân lực và các đô thị dịch vụ cho khu công nghiệp đó. Phát triển công nghiệp mà đặt sai vị trí khu công nghiệp thì sẽ không thu hút được đầu tư. Như vậy, vai trò của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch chung đô thị có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. 

Đây cũng chính là ví dụ điển hình và sinh động nhất về sự cần thiết cũng như sức ảnh hưởng tích cực của quy hoạch xây dựng đối với phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. 

Trên thực tế, cả nước đang triển khai hiệu quả Quy hoạch xây dựng tỉnh nhằm định hướng phát triển không gian cho các khu đô thị, khu công nghiệp, điểm dân cư cũng như xác định các hệ thống hành lang kỹ thuật...

Căn cứ đồ án Quy hoạch xây dựng được duyệt, các địa phương kêu gọi đầu tư và nhà đầu tư nhìn vào đó để ra quyết định rót vốn./. 

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất