Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 21/10/2008 16:42'(GMT+7)

Quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng Biết kêu ai?

Những sai trái đó được sử dụng bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khi mà chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt và ngăn chặn những việc làm sai trái này, người tiêu dùng thì lại chưa biết tận dụng hết quyền hạn của mình để ngăn ngừa tình trạng trên. Và chịu thiệt hại cuối cùng lại chính là “Thượng đế”...

Người tiêu dùng bị “móc túi”...

Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; được cung cấp các thông tin trung thực về chất lượng, giá cả, phương pháp sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ và môi trường khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được hướng dẫn những hiểu biết cần thiết về tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng về việc thông tin quảng cáo sai sự thật. Người tiêu dùng có quyền đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Bên cạnh các quy định cụ thể này, Việt Nam cũng đã có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên, các hành vi gian lận, móc túi người dùng vẫn liên tục diễn ra, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ một cách chính đáng.

Tại cuộc Hội thảo “Thực trạng thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và định hướng xây dựng Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức mới đây với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong và ngoài nước, ông Hank Baker, đại diện Dự án Star Việt Nam, thẳng thắn nhận định: “Người tiêu dùng Việt Nam đang chịu quá nhiều thiệt thòi... Tôi không thích là người tiêu dùng Việt Nam!”. Giải thích về vấn đề này, ông Hank Baker cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam chưa được đảm bảo quyền lợi khi sử dụng các hàng hóa, dịch vụ. Đa số vẫn trông chờ vào “lòng tốt” của người bán hàng khi mua các sản phẩm trên thị trường. Khi gặp một sản phẩm không ưng ý, chúng ta vẫn hy vọng mình sẽ may mắn lấy lại được tiền. Trong khi đó, trên thị trường lại có quá nhiều người bán hàng không có tâm với hàng hóa mình bán ra. Hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Trong khi, người tiêu dùng có những quyền tối thượng như quyền được lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cũng như có quyền tảy chay các sản phẩm, dịch vụ không tốt, lừa dối khách hàng.

Một ví dụ điển hình nhất là sự gian lận tinh vi đến không ngờ của các cơ sở

kinh doanh xăng dầu và một số hãng taxi trong thời gian gần đây. Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã công bố danh sách 36 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về đo lường và chất lượng, “móc túi” khách hàng bằng hình thức tinh vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật đo lường, gian lận đo lường và gian lận giữa các loại xăng khác nhau. Bằng hình thức gian lận này, mỗi lần mua xăng, dầu người tiêu dùng bị “móc túi” khoảng từ 8 đến 10%. Trước đó, một cuộc thanh tra diện rộng được tiến hành từ tháng 6 đến giữa tháng 8-2008 đã phát hiện hơn 300 trong tổng số gần 2.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước có hành vi gian lận với các mức độ khác nhau khi bán xăng cho người tiêu dùng. Thủ đoạn gian lận phổ biến của hầu hết các cơ sở này là sử dụng phương tiện đo lường chưa được kiểm định, các phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định hoặc phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ, không đạt yêu cầu... Tinh vi hơn, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đã sử dụng những công nghệ hiện đại như lắp chíp điện tử, gắn bộ tăng xung có khả năng điều khiển từ xa, sửa chữa lại phần mềm điều khiển cột bơm… nhằm thay đổi tỷ lệ xăng bán ra trên thực tế so với số tiền khách hàng phải trả. Về gian lận chất lượng, các hình thức vi phạm chủ yếu là trộn loại xăng có trị số ốc-tan thấp với xăng có trị số cao ốc-tan cao hơn, nhưng vẫn niêm yết giá bán chung là A92.

Cũng trong thời gian mới đây, trong quá trình kiểm định đồng hồ cước của

một số hãng taxi trên địa bàn Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã phát hiện một hình thức gian lận cước mới rất tinh vi - đó là tính gian cước bằng cách bấm còi. Cụ thể, một số xe taxi đã gắn bộ phát xung điện đấu song song với đồng hồ tính cước. Khi xe chạy, tài xế chỉ cần bóp còi, trong 1 giây đồng hồ tính cước có thể tăng thêm 1km đến 2km. Hình thức gian lận này hết sức tinh vi, các thiết bị được gắn dưới gầm xe, có kẹp chì nên rất khó kiểm tra. Chỉ cần một thao tác bấm còi cũng có thể ăn gian thì hành khách, dù cẩn thận đến mấy cũng khó có thể phát hiện.

Bên cạnh đó, hàng loạt các hình thức gian lận cũng đã diễn ra trong thời gian vừa qua trên các sản phẩm như phân bón, sữa bột, sữa tươi... khiến người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn chưa được trả lại sự công bằng.

Còn thiếu nhiều chế tài xử lý

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam chưa được thực thi một cách hiệu quả. Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), hiện chỉ có hai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (năm 1999) và Nghị định 55/2008/NĐ- CP ngày 24/4/2008 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này. Tuy nhiên, cho đến nay các quy định của pháp lệnh lại chưa phát huy được hiệu lực trên thực tế. Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng đang được quy định rất chung chung. Các quy định mới chỉ được “gọi tên” mà chưa đi sâu phân tích bản chất cụ thế của các quyền và trách nhiệm đó. Ví dụ, điều 8 của Pháp lệnh quy định, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ... Những quy định về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn mang tính chất “nghị quyết”, chưa thực sự đảm bảo cơ chế cho việc thực thi các quyền này. Ngoài ra, còn tồn tại những bất cập trong quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Thực tế, đang thiếu các chế tài để xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như cân, đong sai, thông tin về dịch vụ hàng hóa thiếu trung thực...

Tại Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của mình khi chúng không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trình tự, thủ tục ra sao, hậu quả pháp lý mà cá nhân tổ chức phải gánh chịu khi không thực hiện yêu cầu này như thế nào lại không được nói tới... Có thể nói, những hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam chưa được bảo vệ tốt nhất về quyền lợi.

Theo tiến sĩ Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, với những vi phạm nêu trên, pháp luật Việt Nam cho phép người tiêu dùng có thể khởi kiện các cá nhân/cơ sở sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho mình. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng sẵn sàng làm đại diện đứng ra khởi kiện nếu được sự ủy quyền của người bị hại. Tuy nhiên, để làm được việc này hoàn toàn không đơn giản. Lý do, theo ông Hồ Tất Thắng, là không dễ gì có đủ các chứng cứ khởi kiện. Lâu nay, người tiêu dùng khi mua xăng hay đi taxi không có thói quen lấy hóa đơn chứng từ nên không có vật chứng để xác định mức độ thiệt hại. Hơn nữa, thủ đoạn gian lận của các đối tượng rất tinh vi, chỉ các cơ quan chức năng với chuyên môn nghiệp vụ cao mới có thể phát hiện được nên đợi đến khi xác định được rõ hành vi vi phạm thì trong quá trình đó kẻ bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua, và cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là “Thượng đế”.

Thực tế, trong khi bị “móc túi”, người tiêu dùng cũng đã đặt vấn đề, vai trò của Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đang ở đâu? Đã thể hiện rõ vai trò của mình chưa? Trong khi theo Nghị định 55/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Hội có quyền: Đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước về pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với vai trò của mình, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nêu ý kiến bằng văn bản đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan phải tăng cường việc kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, để việc ngăn chặn gian lận có hiệu quả. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đều nhận thấy, mức phạt hiện nay 20-30 triệu/vụ vi phạm là quá thấp, không đủ sức răn đe khi mà lợi nhuận từ sự gian lận là rất lớn với tỷ lệ 7-18% như đã có, cũng như Nhà nước cần truy thu nguồn thu bất chính của các cây xăng vi phạm tính từ khi thanh tra, nhưng vẫn không lên tiếng.

Thành lập đã 20 năm, nhưng Hội chưa bao giờ khởi kiện một vụ việc nào để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, dù rất nhiều vụ xâm phạm quyền lợi của họ đã bị phanh phui. Trả lời báo chí về việc tại sao Hội không đứng ra khởi kiện vụ việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu và đếm cước taxi, ông Hồ Tất Thắng cho rằng: Vì Việt Nam chưa có tiền lệ, vì chưa có bằng chứng về sự thiệt hại của người tiêu dùng, vì không có tiền nộp án phí cũng như thuê luật sư… Chính vì những tính toán thiệt hơn này mà Hội chưa hề có một động thái chính thức nào kể từ khi những vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng được phanh phui.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các cơ quan chức năng xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như: đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí là truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Sau đợt thanh tra, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đã chính thức công khai mức xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm, theo đó mức phạt cao nhất là 23,5 triệu đồng. Theo Bộ Khoa học & Công nghệ sắp tới sẽ nâng mức xử phạt hành chính với các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu lên mức tối đa 40 triệu đồng.

Khuyến cáo của các chuyên gia là trước tiên người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ chính mình. Người tiêu dùng nên căn cứ vào cảm quan của mình, nếu thấy lượng xăng được bơm vào bình hao hụt bất thường thì có thể nghi ngờ và gọi điện đến đường dây nóng. Người tiêu dùng khi mua xăng nên quan sát đồng thời cả hộp đo xăng và hộp tính tiền để biết được lượng xăng đã được bơm có đủ so với số tiền mình bỏ ra hay không. Nên chăng nhà sản xuất và phân phối xăng dầu cũng như các hãng taxi lắp hệ thống in hóa đơn tự động để đảm bảo minh bạch trong giao dịch và cũng nhằm làm cơ sở pháp lý cho những tranh chấp có thể nảy sinh sau này. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và ban hành luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cần có luật về hội để tăng cường vai trò của các hội trong công tác bảo vệ người tiêu dùng./.

Đỗ Quỳnh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất