Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 19/12/2017 10:19'(GMT+7)

Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

Ảnh VGP/Nhật Nam

Ảnh VGP/Nhật Nam

Chiều 18/12, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ (SAE) - đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) - ĐHQGHN đồng thời là đơn vị phối thuộc của Tập đoàn Viettel.

ĐHQGHN và Tập đoàn Viettel đã có hợp tác trong nhiều năm qua và đạt được một số kết quả có ý nghĩa then chốt, góp phần đổi mới căn bản giáo dục đại học, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực.

Tiếp cận với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp mới, hai bên tiếp tục hợp tác thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, mở chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ và xây dựng, phát triển mô hình hợp tác toàn diện giữa Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Tập đoàn Viettel.

Đây là mô hình hợp tác đặc biệt giữa một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu tiên phong và một Tập đoàn dịch vụ - công nghệ năng động hàng đầu Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động học tập, giảng dạy, thực hành, nghiên cứu, xác định các chuẩn đầu ra trong nghiên cứu, đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của quốc gia và có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút và đào tạo những người có năng lực tốt.

Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, việc ĐHQGHN hợp tác với Viettel xuất phát từ nhu cầu và trách nhiệm phát triển của hai bên đối với đất nước. ĐHQGHN cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để gắn nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu của mình với thực tiễn, nhận các đặt hàng nghiên cứu và cả sự hỗ trợ của doanh nghiệp.

Ngược lại, với mục tiêu phát triển thành một tập đoàn công nghệ, Viettel hợp tác với ĐHQGHN để đào tạo các chuyên gia trình độ cao theo yêu cầu phát triển của mình và phối hợp nghiên cứu phát triển các công nghệ nền quan trọng. Đây là nhu cầu tự thân, vừa là phương thức vừa là mục tiêu nhằm tới sự phát triển của từng đối tác, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

SAE thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học, nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực  hàng không vũ trụ đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước, cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, SAE sẽ triển khai một số định hướng nghiên cứu về công nghệ xử lý ảnh phục vụ trinh sát UAV, trinh sát vệ tinh, công nghệ truyền tin UAV, công nghệ MEMS ứng dụng trong chế tạo con quay vi cơ; công nghệ quang áp dụng cho con quay quang, công nghệ dẫn đường và điều khiển; tên lửa và vệ tinh ...

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, với định hướng trở thành tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Công nghệ cao, lọt top 100 Tập đoàn Công nghệ quốc phòng trên thế giới, Viettel đang rất chú trọng vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất trong quân sự và dân sự. Nghiên cứu làm chủ công nghệ hàng không, vũ trụ là một chiến lược quốc gia, đồng thời là một trong những định hướng trọng tâm của Tập đoàn. Hàng không vũ trụ là lĩnh vực liên ngành, đỉnh cao, huy động nhiều nguồn lực, chất xám khoa học công nghệ, tác động trực tiếp đến đời sống an sinh, quốc phòng.

Được thành lập tháng 1/2016, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel hiện có đội ngũ nhân lực được đánh giá cao với 64% chuyên viên nghiên cứu trình độ đại học, 24% thạc sĩ, 12% tiến sĩ. Trong đó các kĩ sư được đào tạo tại nước ngoài từ các trường đại học lớn liên quan đến hàng không vũ trụ như ĐH Công nghệ California, Mỹ, ĐH Quốc gia Singapore - NUS, Đại học Michigan, Mỹ… Nhiều kỹ sư của Viện đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thực tế tại các Tập đoàn, công ty lớn trên thế giới liên quan đến lĩnh vực hàng không vũ trụ: NASA, Boeing, Airbus, Viện thiết kế khí động hàng không Hàn Quốc, Cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản… Mục tiêu của Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Viettel là đến năm 2020 sẽ có 1.000 kỹ sư chất lượng cao và trở thành đơn vị nòng cốt của Tổ hợp CNQP công nghệ cao.

Làm việc tại Viettel, các kĩ sư được trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các sản phẩm công nghệ cao nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Các sản phẩm có định hướng nghiên cứu rõ ràng, dài hạn; môi trường làm việc chuyên sâu về nghiên cứu, nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao chuyên môn.

Cùng với việc thành lập Viện, ĐHQGHN đã phê duyệt chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Đây là chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn mực của các trường đại học hàng đầu thế giới, chú trọng đào tạo các kỹ năng cơ bản và công nghệ nền tảng của công nghiệp 4.0. Các giảng viên của Trường ĐH Công nghệ cùng với chuyên gia khoa học trong và ngoài nước (trong đó có các chuyên gia của Tập đoàn Viettel) sẽ phối hợp giảng dạy chương trình này. Các nội dung thí nghiệm, thực hành sẽ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu về hàng không vũ trụ của ĐHQGHN, Tập đoàn Viettel và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Sau 4,5 năm học, sinh viên sẽ nhận bằng Kỹ sư Công nghệ Hàng không Vũ trụ và có cơ hội được làm việc, tham gia các dự án về Hàng không Vũ trụ tại Tập đoàn Viettel, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các đơn vị khác.

Việc tuyển sinh khóa đầu tiên sẽ bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2017-2018. Đối tượng là sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐHCN thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, viễn thôngvà nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử và Cơ kỹ thuật, có đam mê lĩnh vực hàng không vũ trụ và chấp nhận thách thức. Từ năm học 2018-2019, chương trình sẽ tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất