Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần rà soát lại việc cấp chứng nhận kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu.
Chiều 23/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã làm việc với ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan để thống nhất các phương án ứng phó với tình trạng sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, kém chất lượng trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền 2017.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm về sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả lớn nhất cả nước. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, các mặt hàng này được sử dụng để làm quà biếu nhiều, vì vậy, lượng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng tăng vọt.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Lê Văn Giang cho rằng, do lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Cục đang tập trung kiểm soát tình trạng làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện vẫn còn sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành và có hiện tượng đổ trách nhiệm cho nhau. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay đang bị thổi phồng quá mức, quảng cáo sai với sự thật, gây ra sự hiểu lầm trong người dân. Thời gian tới, Bộ Y tế cần sớm chấn chỉnh tình trạng này.
Từ đầu năm đến nay Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế đã phối hợp với lực lượng công an và quản lý thị trường bắt giữ hơn 50 tấn dược liệu kém chất lượng. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất dược liệu kém chất lượng là sử dụng một phần hàng thật, trộn thêm 8-9 phần hàng giả, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần rà soát lại việc cấp chứng nhận kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu. Chủ động lấy mẫu để thực hiện kiểm nghiệm đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất. “Cần khoanh vùng cụ thể những mặt hàng nào có khả năng làm giả, khu vực nào hay có đối tượng sản xuất hàng giả, nhất là các vùng ven, vùng giáp ranh để phát hiện và xử lý kịp thời”, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ và bắt giữ hàng gian hàng giả, đẩy mạnh trong dịp Tết cổ truyền 2017; tuyên truyền, vận động người dân tố cáo khi phát hiện hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng./.
Đinh Hằng/TTXVN