Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Bảy, 13/10/2018 1:36'(GMT+7)

Rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, định hướng đúng đắn cho học viên

Mong muốn có câu lạc bộ giảng viên lý luận chính trị giỏi

Đó là chia sẻ của thí sinh Phan Thụy Mộng Thu, giảng viên kiêm chức của Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh khi đến tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Nam năm 2018.

Thí sinh Phan Thụy Mộng Thu tự nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án và dạy thử tiết học cho các đối tượng khác nhau để rút ra kinh nghiệm, hoàn thiện giáo án và nâng cao hiệu quả của tiết học. Theo cô, ngoài kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng sư phạm kiến thức để đưa vào bài giảng, mỗi một giảng viên lý luận chính trị cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đưa ra được những định hướng đúng đắn đúng với đối tượng học viên mình giảng bài.

 
 Thí sinh Phan Thụy Mộng Thu tham gia phần thi thao giảng

Một người giảng viên lý luận cần am hiểu những kiến thức trong lĩnh vực mình giảng dạy và có một phông nền kiến thức tốt về mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, mỗi người giảng viên phải luôn cập nhật kiến thức để đưa vào trong bài giảng của mình.

Kỹ năng sư phạm sẽ giúp cho người giảng viên lý luận chính trị truyền đạt những vấn đề đến học viên một cách dễ hiểu nhất và làm cho đối tượng mình tiếp thu bài được nhanh nhất. Nhưng quan trọng hơn, mỗi giảng viên lý luận chính trị cần có một bản lĩnh chính trị vững vàng, có cách nhìn nhận vấn đề, đồng thời đưa ra cách đánh giá vấn đề thật đúng đắn không chỉ đối với bản thân mình mà còn có thể định hướng cho các học viên.

Cô chia sẻ: «Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nhiễu loạn thông tin trên các trang mạng xã hội, những người sử dụng mạng xã hội giống như đang đi vào các đường hầm hơi tối. Giảng viên lý luận chính trị sẽ là những người chiếu rọi ánh sáng để giúp người khác đi đúng định hướng, nhìn nhận một vấn đề đúng đắn trong thực tiễn.

Đối tượng học viên của lý luận chính trị rất phong phú và đa dạng, đòi hỏi người giảng viên phải chịu khó, tìm tòi, phân tích kỹ xem đối tượng mà mình giảng bài cần những kiến thức như thế nào, thiếu hụt kiến thức gì để có thể đưa ra những kiến thức cần thiết đối với họ viên. Từ đó, định hướng đúng đắn cho họ về mặt nhận thức và hành động».

Đến với Hội thi lần này, thí sinh Phan Thụy Mộng Thu lựa chọn thao giảng bài Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền, chọn mốc niên đại từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1945, dành cho đối tượng trẻ là đoàn viên thanh niên

«Các bạn trẻ hiện nay thường xuyên sử dụng mạng xã hội và thường muốn tìm hiểu khía cạnh tiêu cực hoặc mặt trái của vấn đề chứ ít khi hiểu thông tin chính thống.

Do đó, trong bài giảng, tôi thường lồng ghép các câu chuyện từ trong quá khứ lịch sử đến những câu chuyện trong thực tế để học viên có nhận thức đúng đắn».

Các thí sinh của Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị

Các thí sinh của Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị

Giảng viên Phan Thụy Mộng Thu cho biết, trong giờ giảng của mình, cô đều áp dụng những phương pháp khác nhau để giúp cho học trò tiếp thu được kiến thức nhanh nhất. Ví dụ, đầu tiết học, có thể cho các bạn học viên nghe nhạc như sử ca để tạo không khí sinh động, thu hút học viên ngay từ đầu tiết học. Trong giờ học, bên cạnh việc thuyết trình, lồng ghép các trò chơi, tình huống để đánh giá mức độ hiểu biết, tiếp thu bài giảng của học viên. Điều đó cũng làm cho học viên thấy rằng, học lý luận chính trị rất sinh động, dễ tiếp thu và gần gũi với đời sống hằng ngày.

Thí sinh Phan Thụy Mộng Thu cũng mong muốn, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ sáng lập ra một câu lạc bộ giảng viên lý luận chính trị giỏi để các giảng viên có cơ hội gặp mặt, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp nghiệp vụ.

Tìm hiểu đối tượng học viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp

Đến với Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Nam năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lựa chọn giảng bài số 1 Khái lược lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho đối tượng kết nạp Đảng. Thông qua bài giảng của mình, đồng chí mong muốn, sẽ giúp các bạn học viên thêm hiểu về lịch sử Đảng, yêu Đảng hơn và luôn vững tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hóa

Đồng chí Nguyễn Văn Hóa

Chuẩn bị cho phần dự thi thao giảng vào buổi chiều ngày 12-10, đồng chí Nguyễn Văn Hóa cho biết, đặc biệt chú trọng tới đặc điểm đối tượng học viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

«Học viên trong bài giảng dự thi là đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng. Họ đều là những người đã trưởng thành, làm rất nhiều các ngành nghề khác nhau, có trình độ khác nhau. Vì vậy, tôi sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với phương pháp làm việc nhóm để các học viên nắm bắt bài học một cách nhanh và hiệu quả.

Sau mỗi nội dung, tôi sử dụng các kỹ thuật như neo chốt kiến thức để củng cố các phần kiến thức đã học».

Đồng chí Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, giảng dạy lý luận chính trị không phải «vừa khô, vừa khó, vừa nhàm chán» như mọi người vẫn suy nghĩ. Nếu người giảng viên biết lồng ghép bài giảng những câu ca dao, tục ngữ, những vần thơ, hình ảnh minh họa, âm nhạc thì học chính trị sẽ không bao giờ khô và chán.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hóa, điểm khó của các trung tâm bồi dưỡng chính trị chính là làm thế nào nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Thế hệ các giảng viên trẻ hiện nay thường không mặn mà với các môn học vừa khô vừa khó của lý luận chính trị. Phần lớn các giảng viên lớn tuổi lại có sức ì, chưa có khả năng tiếp cận với cái mới và áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, cách tốt nhất là bản thân mỗi giảng viên lý luận chính trị phải tự rèn luyện, trau dồi, nâng cao, cập nhật kiến thức cho mình.

Mỗi ngày, các giảng viên lý luận chính trị phải dành một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu tài liệu và cập nhật kiến thức. Bên cạnh việc đọc nhiều, nghe nhiều, biết nhiều, các giảng viên cần chọn lọc thông tin, kiến thức để đưa vào bài giảng của mình. Với vốn tích lũy đó, người giảng viên sẽ rất tự tin khi bước lên bục giảng.

«Tôi cũng như tất cả các thí sinh tham dự  Hội thi lần này sẽ cố gắng hết khả năng của mình. Nhưng tôi tin rằng, điều mà thí sinh  « được » nhiều nhất trong Hội thi lần này là những kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị của các bạn đồng nghiệp và tự sửa mình qua những lời nhận xét cô đọng, quý báu của Ban Giám khảo. Đây cũng là hành trang quý báu để các giảng viên tiếp tục vững bước trên con đường giảng dạy lý luận chính trị ở trung tâm bồi dưỡng cấp huyện » – Đồng chí Nguyễn Văn Hóa tâm sự.

Chú trọng liên hệ thực tiễn trong bài giảng lý luận chính trị

Là một giảng viên kiêm chức của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh không khỏi hồi hộp khi tham gia Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Nam năm 2018.

«Lớp học lý luận chính trị ở Côn Đảo - một huyện đảo cách xa đất liền nên có những điểm rất khác biệt so với các lớp học trong đất liền. Thông thường, có rất nhiều đối tượng trong cùng một lớp học như đối tượng là lực lượng vũ trang, đảng viên mới dưới khu dân cư,… Vì vậy, khi giảng bài, tôi cũng như các giảng viên lý luận chính trị ở huyện đều cố gắng lồng ghép liên hệ thực tiễn vào trong bài giảng của mình để các đối tượng có thể dễ dàng nắm bắt, hiểu và vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các tài liệu tham khảo đối với các học viên cũng khá hạn chế. Với mỗi nội dung giảng dạy, người giảng viên luôn cố gắng truyền tải điểm mấu chốt cho học viên, không đặt ra những vấn đề cao siêu, làm cho người học viên thấy khó hiểu». – đồng chí Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh xem lại bài  giảng trước khi dự thi

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh (áo kẻ) xem lại bài giảng trước khi dự thi


Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Côn Đảo là một địa danh với nhiều di tích lịch sử đặc biệt như Nghĩa trang Hàng Dương, Hệ thống Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914…, là những bằng chứng bi tráng cho lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây chính là những minh chứng sống động nhất cho các bài giảng lý luận chính trị. Các giảng viên lý luận chính trị tại huyện Côn Đảo nên tận dụng tối đa các minh chứng sống động này để đưa vào bài giảng.

Theo đồng chí, điểm khó khăn nhất khi giảng dạy lý luận chính trị là phải đưa được yếu tố chính trị vào trong bài giảng của mình, rèn luyện bản lĩnh chính trị để định hướng đúng đắn cho học viên.

Một trong những giải pháp để tăng cường yếu tố chính trị trong bài giảng là người giảng viên phải thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện, có kiến thức bao quát mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, người giảng viên cũng thường xuyên cập nhật xem hiện tại có những luồng tư tưởng nào trong xã hội để định hướng đúng đắn, cung cấp thông tin chính thống cho học viên, góp phần vào việc phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất