Thứ Bảy, 28/9/2024
Thể thao
Thứ Sáu, 8/6/2012 22:24'(GMT+7)

Sách lược chọn HLV trưởng

HLV Falko Goetz khi còn dẵn dắt đội tuyển Việt Nam

HLV Falko Goetz khi còn dẵn dắt đội tuyển Việt Nam

Cuối năm 2009, thất bại trong chiến dịch đưa đội bóng xứ bạch dương đến Nam Phi (nơi diễn ra World Cup 2010), HLV trưởng đội tuyển Nga Guus Hiddink buộc phải nói lời chia tay “những chú gấu Bắc cực”. Thời gian sau, Liên đoàn bóng đá nước này tiếp cận với một người Hà Lan khác là Dick Advocaat. Chỉ sau vài cuộc thương thảo, Dick Advocaat đã nhận lời dẫn dắt ĐT trong 2 năm với mục tiêu chinh phục Euro 2012.

Dưới sự dẫn dắt của cựu HLV CLB Zenit Saint Petersburg, “gấu Nga” tiến thẳng một lèo tới Ba Lan và Ukraine - hai nước đồng chủ nhà giải vô địch bóng đá châu Âu sẽ diễn ra từ 8/6 tới. Trước giờ bóng lăn, người Nga đã gửi thách thức đến lục địa già khi “vỗ mặt” nhà vô địch World Cup 2006 - Italia 3 bàn không gỡ trong một trận giao hữu.

Hai năm “đóng thuyền” cho một lần ra khơi, có thể nói, người Nga đã đúng trong quyết sách “tìm” và “chọn” HLV trưởng, đồng thời khẳng định: thành công trong thể thao không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự trường kỳ trong công tác huấn luyện cùng một tầm nhìn chiến lược.

Trông sách lược chọn HLV trưởng cho đội tuyển của Liên đoàn bóng đá Nga, không khỏi giật mình khi ngẫm về quy trình lựa chọn người cầm lái thay thế ông thầy người Đức Goetz mà VFF đang áp dụng.

Khoảng một năm trở lại đây, chuyển động xung quanh chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thực sự rơi vào bế tắc “tít mù rồi lại vòng quanh”. Hàng loạt nhà cầm quân ngoại quốc đã được các quan chức VFF đưa vào tầm ngắm rồi lại “nửa đường đứt gánh”: kẻ chê đãi ngộ của VFF bèo bọt; người không chê thì lại chưa thuyết phục được VFF về… chuyên môn.

Không chuẩn trong cái nhìn “hướng ngoại”, VFF buộc phải dùng “hàng nội”. Lần lượt những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Mai Đức Chung… được “đánh tiếng”. Đáp lại lời mời không lấy gì làm trọng thị ấy là những cái lắc đầu - vì tất cả đang hài lòng với công việc hiện tại ở CLB. Ngay cả khi VFF đưa ra mức lương mang tính “cách mạng” lên đến 200 triệu/tháng, các ông thầy nội cũng không chịu thay đổi quan điểm. Họ phát ngôn “muôn người như một” rằng “tiền không phải là tất cả”. Thực ra ai cũng biết: nếu làm HLV trưởng đội tuyển Quốc gia thất bại, họ chẳng còn mặt mũi nào quay về CLB.

Không thành công trong việc tìm người cầm lái cho đội tuyển, VFF “bỗng dưng” nghĩ ra một giải pháp mới qua cách chơi chữ: “chuyên trách ngắn hạn” - dẫn dắt ĐTVN trong vài tháng. Đây là “biến tướng” của lời mời kiêm nhiệm cả đội bóng áo đỏ lẫn CLB - các HLV chỉ lên tuyển khi CLB nghỉ thi đấu (tránh EURO và kết thúc V.League). Chính vì vậy, nhà cầm quân Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T đã vui vẻ nhận lời. Một kết quả tốt cho cả hai bên: ĐTQG chấm dứt tình trạng vô chủ, còn ông thầy người Quảng - Đà không phải chia tay đội bóng Thủ đô.

Từ sách lược dài hơi của người Nga đến giải pháp “chuyên trách ngắn hạn” mang tính chữa cháy của VFF, dễ hiểu vì sao chúng ta vẫn quẩn quanh với “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”: chỉ vẫy vùng ở ao làng Đông Nam á khi đối thủ lớn nhất là Thái Lan đã “thừa mứa” vinh quang và bắt đầu nhìn ra châu lục!./.

Thanh Hà - Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất