Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 25/12/2009 15:27'(GMT+7)

Sám hối hay tự đánh mất chính mình

Một hiện tượng nổi lên gần đây là có một số bài viết, một số cuốn sách viết theo dạng hồi ký được tung ra khiến dư luận quan tâm. Có cái đã được in thành sách lưu hành rộng rãi, có cái viết dưới dạng một bài phỏng vấn đăng trên báo trong nước và báo ở nước ngoài, có cái mới chỉ lén lút quăng lên mạng, khi bị dư luận lên tiếng thì vội thu về, có cái lại lặng lẽ lưu hành, ai muốn biết thì tự tìm lấy mà đọc…

Nhiều người tìm cách để đọc bởi một lý do, tác giả của những hồi ký trên hầu hết là những người đã từng một thời nổi tiếng, những người mà tên tuổi của họ được gắn liền với những danh hiệu cao quý và họ đã được thừa hưởng quá nhiều vinh hoa từ những danh hiệu đó. Ngoài lý do trên nhiều người tìm đọc còn vì một sự tò mò trước những "tin đồn giật gân" về nội dung trong các hồi ký này.

Và sự thật, nội dung của những hồi ký trên đúng như những gì mà người ta đã đồn đại, đều giống nhau, đó là những ký ức, những hồi tưởng về cuộc sống, tình cảm, về công tác của cá nhân được viết lại với những nỗi uất ức, bực bội, những tâm tư bất mãn của cá nhân từ đó đi đến nói xấu người thân của mình, quy kết chụp mũ anh em đồng nghiệp, lên án xã hội thậm chí xuyên tạc sự thật, bôi nhọ những cá nhân lịch sử và hình ảnh những anh hùng dân tộc.

Đã có nhiều bài viết phê phán hiện tượng lợi dụng viết hồi ký để lan truyền những nội dung mang tính vụ lợi cá nhân và gây hại. Công chúng mong muốn những hiện tượng đó không còn tiếp diễn nữa. Tuy nhiên, gần đây những hồi ký viết theo kiểu cách trên vẫn lén lút lưu hành.

Nó úp úp mở mở, thực thực hư hư, hình như để tránh sự lên án của công chúng, nó được in sao thành nhiều bản, nhiều đoạn để cho dễ dàng chuyền tay nhau theo kiểu "bí mật nội bộ", thậm chí có cái được đưa ra nước ngoài trước rồi chuyển vào trong nước.

Một số người cố tìm mọi cách "quan trọng hóa" để kích thích sự tò mò, thu hút người tìm đọc. Mọi người đều dễ nhận ra đây là những cách làm thường thấy của những người có dụng ý xấu. Họ không nhận ra rằng dư luận đều phê phán những người đã lợi dụng viết hồi ký để bêu rếu người thân, hạ thấp đồng nghiệp, nói xấu chế độ…, đó là những việc làm không có văn hóa, vong ơn bội nghĩa và thiếu tinh thần trách nhiệm của một công dân.

Khi nhà nước tặng cho họ những danh hiệu, công chúng suy tôn họ không chỉ mến mộ sự tài năng mà còn muốn gửi gắm vào họ một tinh thần trách nhiệm công dân cao, nhất là trong lúc đất nước đang gặp khó khăn, đòi hỏi mọi người chung sức để tăng cường sự bền vững cho an sinh xã hội, hiến giúp nhiều kế hay, nhiều giải pháp hiệu quả để đất nước nhanh chóng vượt qua khó khăn như nhiều công dân khác đã và đang làm.

Vậy mà họ không làm được như vậy, ngược lại còn tạo cớ cho những hoạt động gây giảm lòng tin, gây mất đoàn kết từ trong đất nước. Việc làm của họ chỉ làm vui lòng những kẻ có ý đồ gây mất ổn định đất nước. Đó không phải là sự suy diễn mà là thực tế đã diễn ra, ai cũng thấy.

Thực tế là các thế lực thù địch đã lấy nội dung trong các hồi ký này, lấy những người là tác giả của những hồi ký này làm bằng chứng để vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Họ luôn được các thế lực thù địch nhắc đến như là một minh chứng rõ ràng cho sự phản kháng, như là những người từ phía cách mạng đã sám hối và tự nguyện cúi hàng để trở về với đối phương. Họ được các thế lực thù địch bên ngoài ban tặng cho nhiều danh hiệu. Họ im lặng và như vậy có nghĩa là họ chấp nhận. Nhưng với chúng ta nhìn nhận thì với sự sám hối đó, họ đã đánh mất niềm tin và sự mến phục của mọi người đối với họ cũng chính là họ đã tự đánh mất chính mình.

Có người trong số họ, sau khi thả ra hết những phẫn uất bất mãn cá nhân lại còn lớn tiếng tự cho mình là đồ hèn. Một số ở bên ngoài không tiếc lời tâng bốc hành động "dũng cảm" đó. Thật là nực cười. Nhiều người đưa ra câu hỏi liệu có phải đây là lần cuối cùng người này tự cho mình là hèn không? Hôm nay anh ta sám hối những việc làm hôm qua là hèn, vậy thì ngày mai rất có thể anh ta lại sám hối việc làm hôm nay của mình là hèn. Người vốn hay tráo trở, quay phắt thì điều đó rất dễ xảy ra lắm chứ. Hãy đợi đấy!

Gần đây chúng ta thấy trên các báo có những bài phỏng vấn, hỏi chuyện, đàm thoại với những người nổi tiếng, vốn được gọi là người của công chúng. Ở đây chuyện đời riêng tư, chuyện thời cuộc được nói ra một cách cởi mở, ngay cả những suy tư, những trăn trở về những vấn đề của xã hội hôm nay cũng được nói đến với một thái độ thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm.

Và chính nhiều người trong công chúng đến lúc này mới biết có nhiều người nổi tiếng đứng vững hôm nay đã từng phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Đó là những người xuất thân không phải là thành phần cốt cán lao động, họ là con cái của gia đình quan lại… Họ bước vào đời với không ít những khó khăn bởi định kiến và bởi nhiều rào cản khác. Nhưng họ đã vượt lên tất cả.

Ở họ luôn kiên định một ý thức phục vụ đất nước, sống có đạo lý với đời, thủy chung với anh em đồng đội và gắn bó với mọi người. Chính những điều kiên định đó đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để đứng vững và tự khẳng định.

Không có cái gì có thể khiến họ thay phương đổi hướng hoặc làm phai nhạt đi những tình cảm cao quý đã lắng đọng trong lòng họ. Nói đến điều này chúng ta chợt nhớ đến một câu chuyện xảy ra cách đây cũng đã hơn chục năm. Đó là chuyện một người chạy trốn ra nước ngoài đã gửi một chiếc áo cho một người nổi tiếng ở trong nước nhưng đã bị từ chối bởi một câu nói khiến chúng ta nhớ mãi - áo ai người ấy mặc.

Họ đã hành động đúng, họ luôn sống trong tình cảm mến mộ của công chúng và chính họ đã luôn thức tỉnh một điều: Hãy đừng ngoảnh mặt lại với quá khứ, đừng nhạt phai với anh em đồng đội, cho dù nó mang danh là hồi ký sám hối thì cũng không sao tránh khỏi cái kết cục tự mình đánh mất chính mình./.

(Nguồn: CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất