Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 28/2/2009 19:55'(GMT+7)

Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội: Ngổn ngang trăm mối

Rau sạch tại Siêu thị Intimex Hà Nội.

Rau sạch tại Siêu thị Intimex Hà Nội.

Rau tươi, người héo
 
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 40 chủng loại rau được sản xuất trên địa bàn. Năng suất rau đại trà đạt 20,5 tấn/ ha/vụ; rau an toàn đạt 19,5 tấn/ha/vụ. Hằng năm, tổng sản lượng rau của toàn thành phố đáp ứng hơn 60% nhu cầu rau xanh, số còn lại do các tỉnh lân cận đưa về. Vậy mà, sau những ngày rau "đắt hơn thịt" vào thời điểm sau đợt mưa lụt cuối năm 2008 và Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, giờ đây, rau càng xanh tốt thì người trồng rau càng héo hon vì rau lại rơi vào tình cảnh ế ẩm và giá rẻ đến không ngờ. Rẻ nhất vẫn là các loại rau cải, giá cải ngọt, cải thảo tại các chợ hiện chỉ từ 1500 đến 3.000 đồng/kg, cải mơ khoảng 600 đến 700 đồng/mớ.
 
Chị Ðỗ Thị Vũ Quỳnh - Chủ nhiệm HTX rau an toàn Mạnh Quỳnh (xã Vân Nội, huyện Ðông Anh) cho biết: "Trồng rau an toàn với nông dân ở Thủ đô không phải là khó bởi họ đã có kinh nghiệm trồng rau lâu năm, lại được các ngành chức năng đầu tư triển khai xây dựng một số điểm sản xuất mẫu, tập huấn kỹ thuật và cử cán bộ giám sát. Nhưng HTX vẫn không dám mở rộng diện tích trồng rau an toàn bởi do chưa có đầu ra ổn định, lo không tiêu thụ hết và không có lãi". Vừa nhanh tay xếp những mớ rau cải, su hào vào sọt để mang đến chợ đầu mối Dịch Vọng bán vào sáng hôm sau, anh Nguyễn Văn Hào, xã viên HTX Tiền Lệ (huyện Hoài Ðức) than phiền: "Giá rau rẻ quá nên rau an toàn càng khó bán. Rau an toàn của HTX chúng tôi đang ế cả loạt. Giá thành để trồng một sào rau an toàn thường cao hơn khoảng 30% so với  giá thành trồng rau thường, nhưng nếu bán với giá cao hơn 30 đến 40% so với rau thường thì không ai mua. Từ 2,5 ha trồng rau an toàn, năm nay, Tiền Lệ dự định sẽ mở rộng lên 31 ha trồng rau an toàn, song đang trong tình cảnh rau rẻ thế này, xã viên chúng tôi lo lắng quá".
 
Hơn thế, những người nông dân trồng rau chỉ biết sản xuất còn việc tiếp thị, đóng gói sản phẩm... đều hạn chế. Còn nhớ, tại Phiên chợ rau an toàn do Trung tâm khuyến nông thành phố Hà Nội tổ chức cuối năm 2008, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Minh đã bộc bạch: "Tuy là vùng sản xuất rau nổi tiếng từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu chúng tôi được tham gia Phiên chợ rau an toàn nên chẳng biết phải trang trí, sắp đặt quầy rau sao cho "bắt mắt", thu hút người mua. Ngay cả cách bó rau, đóng gói sao cho đẹp chúng tôi cũng còn phải loay hoay, chật vật".
 
Người tiêu dùng phân vân
 
Vào thời điểm này, mặc dù giá rau an toàn có cao hơn rau thường một chút, nhưng so với các thực phẩm khác, giá rau an toàn hiện bán trên thị trường vẫn khá rẻ. Tại quầy bán rau an toàn của siêu thị Hapro Thanh Xuân Bắc, rau muống Vân Nội giá 6.000đồng/mớ; cải ngọt 5.000 đồng/kg, su su 8.000 đồng/kg và hoa lơ trắng to giá từ 6.000 đến 8.000 đồng/chiếc... Thế nhưng không ít bà nội trợ ở Thủ đô vẫn không dám... tăng luợng rau trong mỗi bữa ăn gia đình vì vẫn phân vân không biết rau có sạch và an toàn thực sự không. Tại quầy bán rau của HTX rau an toàn Hòa Bình, xã Yên Nghĩa (Hà Ðông) chị Bạch Thị Hương - nhà ở phường La Khê cho biết: Vì có con nhỏ nên dù giá rau ở cửa hàng rau an toàn có cao hơn chút ít so với rau thường bán tại các gánh hàng rong tại chợ, nhưng tôi vẫn đến mua ở đây thường xuyên vì cảm giác yên tâm hơn. Tuy nhiên, theo chị Hương, đây chỉ là yên tâm trong... "cảm giác" chứ còn thực sự thì chưa biết căn cứ vào đâu để biết chắc chắn đó là rau an toàn.
 
Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm lại bày tỏ: Bây giờ chẳng biết thế nào là rau an toàn nữa, chợ rau an toàn Vân Nội (Ðông Anh) bảo là chuyên bán rau an toàn, nhưng rồi do có một số người cứ đưa rau chưa được kiểm định, đánh giá là rau an toàn vào bán. Khối người lặn lội sang đó để mua rau về dùng cho cả tuần, nhưng rồi được biết chưa chắc rau mua tại đó đã là an toàn. Hiện nay, chợ Vân Nội đã phân thành hai khu, bán rau an toàn và bán rau thường, nhưng người tiêu dùng chúng tôi vẫn phân vân lắm, chả biết thế nào. Hơn nữa, muốn mua rau an toàn cũng không dễ vì nhà tôi ở chỉ gần... chợ cóc, chợ tạm, làm gì có quầy bán rau an toàn. Chẳng lẽ, cứ mỗi lần mua chỉ một bó rau ăn trong ngày, lại phải phóng xe tới các siêu thị cách nhà hai đến ba km thì phiền phức quá.
 
Chiến lược cho cây rau
 
Vậy đâu là hướng đi cho việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội? Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Ðể giúp người nông dân yên tâm phát triển nghề trồng rau, nhất thiết phải có sự hỗ trợ cả về vốn và kiến thức của các cơ quan chức năng cho bà con nông dân. Hà Nội cũng cần xây dựng được chuỗi các giá trị trong sản xuất và tiêu thụ rau nói chung, rau an toàn nói riêng. Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội cũng cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiến hành điều tra, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả điều tra, Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị chức năng vẽ bản đồ tổng hợp, lập bản đồ quy hoạch các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố theo tiêu chí phân loại: đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất có nguy cơ ô nhiễm và vùng không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
 
Từ kết quả điều tra, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội: Ðối với các vùng tập trung đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, thành phố cần có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khép kín theo nhu cầu đề xuất của các địa phương nhằm khuyến khích phát triển sản xuất rau an toàn; trong đó ưu tiên những vùng chuyên canh rau, vùng có diện tích sản xuất rau lớn. Ðối với những vùng đất ô nhiễm không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn hoặc không có nguồn nước bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, đề nghị thành phố cấm hoặc đề nghị địa phương có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để trình thành phố xem xét, phê duyệt. 
 
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2015 với mục tiêu từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm rau và rau an toàn cho bảy đến tám triệu dân của thành phố và ba đến bốn triệu khách lưu trú thường xuyên. Ðề án này dự kiến đầu tư xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn; xây dựng hệ thống cơ sở cung ứng vật tư, cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ rau an toàn cũng như tăng cường tuyên truyền quảng bá và xúc tiến thương mại cho rau an toàn; phấn đấu đến năm 2015, Hà Nội sẽ có 8.500 đến 10.000 ha rau an toàn, đáp ứng 50% nhu cầu rau xanh của người dân, tạo vành đai thực phẩm xanh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 
 
Hy vọng những việc làm này sẽ giúp người trồng rau yên tâm sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ, có quy trình trồng rõ ràng để sử dụng lâu dài./.

(Theo: Thanh Trà/Nhân dân ĐT)
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất