Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 22/6/2019 15:4'(GMT+7)

Sáng tạo có ích cho cộng đồng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những bước tiến thần tốc của khoa học công nghệ mang lại cho con người nhiều lợi ích mới mẻ, trong đó đã làm thay đổi phương thức sáng tạo và quảng bá sản phẩm văn hóa-nghệ thuật. Như trước đây, ca sĩ trầy trật cả năm trời thu âm được một album nhạc, sao chép ra đĩa hát, hồi hộp chờ đợi lời-lỗ từ các kênh bán lẻ.

Nay, chỉ cần làm một video ca nhạc thật đặc sắc đăng tải lên internet, sử dụng mạng xã hội để quảng bá, ca sĩ chỉ việc “rung đùi” ngồi đếm lượt xem, lượt chia sẻ nhiều hay ít, rồi... ung dung lĩnh tiền nhờ quảng cáo gắn kèm video nhạc.

Công chúng từ phố thị đến góc núi ven rừng, giàu có hay chưa được khấm khá không còn có khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa. Internet đã tạo ra một thị trường văn hóa khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử, làm tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hiện nay, lượng người sử dụng internet ở Việt Nam đạt hơn 64 triệu, chiếm 67% dân số, xếp thứ 12 thế giới và hoàn toàn có thể trở thành một trong 10 nước có số dân sử dụng internet nhiều nhất vào năm 2020. Hệ quả tất yếu là từ giới văn nghệ sĩ cho đến một cá nhân bình thường đã xem internet là kênh chính phổ biến văn hóa phẩm.

Nhiều sản phẩm văn hóa-nghệ thuật trên môi trường internet đã góp phần bồi đắp kiến thức, làm giàu có đời sống tinh thần của công chúng. Một nhóm bạn trẻ ở tỉnh Long An lập ra kênh video “Mùa gặt miền Tây”, thường xuyên làm các video thực tế khám phá ẩm thực, sinh hoạt thường ngày của người dân quê. Người xa quê xem xong rưng rưng nhớ đồng lúa, hàng dừa; người xứ khác biết thêm về mảnh đất Tây Nam Bộ, hẹn dịp thuận lợi là lên đường du lịch thăm thú…

Nhưng không phải sản phẩm văn hóa trên internet nào cũng “ích nước, lợi nhà” như thế. Những hiện tượng “giang hồ mạng”, “thánh chửi”, Khá “bảnh”, Norin Phạm…; những phim ngắn hài nhảm, thô tục, có tính khiêu dâm… cũng xuất hiện như "nấm mọc sau mưa". Với lợi nhuận hằng tháng có thể lên tới trăm triệu đồng, các cá nhân sáng tạo chỉ chăm chăm “câu view” để kiếm tiền, vun vén cho bản thân mà không nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Người lớn có nhận thức vững vàng, biết phân biệt đâu là sản phẩm văn hóa tốt/xấu, chỉ xem giải trí chứ không làm theo. Nhưng nhiều người trong giới trẻ chưa có đủ bản lĩnh để phân biệt, thấy vui, thấy ấn tượng là làm theo mà không nghĩ đến việc làm đó có vi phạm pháp luật hay ảnh hưởng đến người khác hay không.

Đã có những động thái tích cực của các cơ quan chức năng khi yêu cầu các trang web gỡ bỏ những kênh video độc hại, trái với thuần phong mỹ tục. Luật An ninh mạng đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có hành vi: “Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Sản phẩm văn hóa-nghệ thuật muốn tồn tại lâu dài, đi sâu vào tâm trí quần chúng phụ thuộc vào tài năng sáng tạo của cá nhân. Những người sáng tạo chân chính, có tầm vóc văn hóa sẽ tự “gạn đục khơi trong”, biết sáng tạo mà không vi phạm những chuẩn mực cộng đồng, những điều pháp luật không cho phép.

Lương tâm của người sáng tạo tử tế sẽ đặt câu hỏi: "Sản phẩm này có lợi ích gì cho người thưởng thức?", chứ không vỗ ngực sáng tạo để thỏa mãn ý thích cá nhân. Thiếu đi chức năng dẫn đường, hướng người thưởng thức đến những giá trị chân, thiện, mỹ thì sản phẩm sẽ bị lãng quên theo thời gian.

Dù khuyến khích "cái tôi" sáng tạo cá nhân của mỗi người làm văn hóa-nghệ thuật, nhưng công chúng chân chính luôn đòi hỏi người sáng tạo phải mang "cái tôi" ra phục vụ lợi ích tốt đẹp cho "cái ta", cho cộng đồng thì sản phẩm của họ mới hy vọng có sức sống lâu bền./.

Hàm Đan (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất