Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/5/2012 4:25'(GMT+7)

Sẽ không có gói kích cầu mang lại nguy cơ tái lạm phát

Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4-5-2012

Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4-5-2012

Sẽ có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong hai ngày 3 và 4-5, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4-2012. Chính phủ thống nhất đánh giá: các bộ ngành, địa phương đã chủ động triển khai quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến, đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực bước đầu trên nhiều lĩnh vực.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc.

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 7,5%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 9,3%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Sản lượng thủy sản trong 4 tháng tăng 4,1%. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm ước tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ đã có bức tranh rất đầy đủ, cụ thể về tình hình doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt là qua hai báo cáo tình hình doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của VCCI, Chính phủ đã hiểu rõ được hiện nay doanh nghiệp khó khăn về mặt nào để có giải pháp khắc phục.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách phù hợp.

Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất...

Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội (sử dụng nhiều xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, …).

Đồng thời sẽ tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động...

Khó khăn hiện nay cũng là một cơ hội lớn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định “sẽ không có gói kích cầu để đem lại nguy cơ tái lạm phát như một số lo lắng”. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là một gói những giải pháp được thực hiện đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất.

Theo báo cáo của các bộ, ngành thời gian qua có nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, dừng sản xuất. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ cho thấy, đa phần những doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực sản xuất xe máy, bán buôn, bán lẻ. Việc giảm cũng không phải đều là tiêu cực mà cũng có mặt tích cực, đó là giảm những doanh nghiệp trong lĩnh vực mà Nhà nước đang muốn giảm, như: doanh nghiệp trong khai khoáng, luyện thép bằng công nghệ cũ…

Tại phiên họp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, trong đó lưu ý nắm bắt, xử lý các bức xúc nổi lên như hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc từ các doanh nghiệp phải giải thể, hoặc ngừng hoạt động.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: những khó khăn hiện nay vừa là thách thức vừa là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu, đặc biệt nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, bản thân các doanh nghiệp sẽ tự tìm cách đổi mới quản trị doanh nghiệp, thay đổi công nghệ. Nhà nước và cả xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện thông thoáng về mặt hành chính, có công cụ hỗ trợ hiệu quả về mặt kinh tế để các doanh nghiệp nâng cao quản trị kinh doanh, đổi mới công nghệ sao cho từng doanh nghiệp có sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam đã mở cửa ra quốc tế thì đây là cơ hội cho đất nước, nền kinh tế và từng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đẩy mạnh tái cơ cấu.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 ( Khóa XI) về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ./.

Bài và ảnh: Xuân Dũng/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất