Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 20/8/2016 21:39'(GMT+7)

Siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

Dạo một vòng quanh thành phố Huế vào mỗi sáng sớm hoặc giờ tan tầm buổi chiều, không khó để quan sát thấy hàng trăm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động nhộn nhịp. Chị Nguyễn Khoa Tuyết, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế cho biết: Thức ăn đường phố rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian, tuy nhiên tôi cũng lựa chọn những quán uy tín nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh hiện có hơn 5.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có gần 3.400 cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố. Thực phẩm, thức ăn đường phố là một trong những mối tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là phòng ngừa ngộ độc do thức ăn đường phố gây ra được các ngành chức năng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm. Cùng với việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng cũng chú trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, 10 tiêu chí thức ăn đường phố...Qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức của các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trong quá trình lựa chọn, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chị Lê Thị Lan, chủ quán bún trên đường Ngự Bình, thành phố Huế cho biết: Chúng tôi lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Diễn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh được quản lý tương đối tốt. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã thành lập 300 đoàn kiểm tra, thanh tra kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết quả cho thấy có 93% cơ sở, sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, đã có 60% cơ cở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn ký cam kết về đảm bảo 10 tiêu chí thức ăn đường phố, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ từ cơ quan chuyên ngành cho đến xã, phường. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến cuối năm 2016, có 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố thực hiện ký cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Diễn, vấn đề quản lí an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn bởi trong khoảng 3.400 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thì có đến 80% cơ sở nhỏ lẻ nên việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ buôn bán rất khó khăn. Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều lễ hội, số lượng người kinh doanh theo thời vụ không đăng ký kinh doanh quá nhiều, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.

Để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, ngoài sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, hơn ai hết, người tiêu dùng hãy chọn thực phẩm phù hợp, bảo đảm các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời là giám sát viên, tích cực lên án những điểm bày bán thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh./.

Tường Vi/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất