Sau một thời gian áp dụng nhiều biện pháp để chặn sim rác, tin nhắn rác
và thu được kết quả khá tốt, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định ban
hành một văn bản, siết chặt việc khuyến mại đối với dịch vụ di động
thông tin mặt đất.
Đây được xem là bước đi cần thiết của cơ quan quản lý nhằm hạn chế tối
đa sim rác, tin nhắn rác và thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả
sau.
214 triệu tin nhắn rác bị chặn
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trước nạn tin nhắn rác,
SIM rác, năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, yêu cầu đơn vị
này phải có biện pháp đảm bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người sử
dụng dịch vụ trên mạng, tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước.
Tới năm 2017, sau khi kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ công tác của Thủ tướng
yêu cầu đơn vị này “tiếp tục có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong
việc ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, hệ lụy tin nhắn rác, thu hồi SIM
kích hoạt sẵn và có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thuê bao
di động trả sau”
Thực tế cho thấy, cuối năm 2016 và năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền
thông đã có nhiều hoạt động nhằm chấn chỉnh vấn nạn SIM rác, tin nhắn
rác. Đơn vị này đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 49 trong đó quy định việc quản lý và đăng ký thông tin thuê bao.
Ngoài ra, nhà chức trách đã hướng dẫn doanh nghiệp di động nghiên cứu,
thống nhất ký cam kết và thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân
phối.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, tới hết năm 2017, tổng số SIM thuê
bao có dấu hiệu nghi vấn là 28 triệu, trong đó có khoảng 4 triệu SIM đã
đăng ký lại thông tin đã bị hủy, khóa (do hết thời hạn sử dụng…). Tổng
số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là 24 triệu SIM.
Sau bảy tháng triển khai cam kết (từ tháng 5 đến 11/2017), số lượng tin nhắn
rác được chặn trên toàn mạng là 214 triệu tin nhắn, Bộ Thông tin và
Truyền thông cũng tiếp nhận 68.610 lượt phản ánh tin nhắn rác tới đầu số
456.
Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng theo Bộ Thông tin và Truyền thông,
các nhà mạng liên tục đua nhau hút thuê bao trả trước đăng ký mới bằng
cách đưa ra các chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước, buông
lỏng quản lý đăng ký thuê bao nên hiện tượng lợi dụng đăng ký thuê bao
trả trước để nhắn tin quảng cáo, đe dọa, nhắn tin độc hại vẫn xuất hiện.
Trong khi đó, thuê bao trả sau trung thành, cung cấp đầy đủ thông tin
cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ lại ít được ưu ái.
"Siết" trả trước, "nới" trả sau
Nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại, Bộ Thông tin và Truyền thông
đã ban hành Thông tư số 47 quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ
thông tin di động mặt đất trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh
trên thị trường.
Văn bản này quy định, kể từ ngày 1/3, mức khuyến mại tối đa cho
thuê bao trả trước là 20% và 50% với thuê bao trả sau. Tỷ lệ này
cũng được áp dụng trong quy định mức giá trị vật chất tối đa
dùng để khuyến mại cho một đơn vị dịch vụ thông tin di động,
hàng hóa viễn thông chuyên dùng.
Trước đây, nhà chức trách quy định không khuyến mại thẻ nạp hơn 50% giá
trị. Do đó, quy định mới này được xem như đòn đánh mạnh vào chính sách
“ưu ái” thuê bao di động trả trước của doanh nghiệp.
Đồng thời, thông tư 47 cũng quy định khách hàng thường xuyên của dịch vụ
thông tin di động gồm thuê bao trả sau và thuê bao trả trước đã sử dụng
liên tục tối thiểu là 1 năm và có tổng giá cước đã thanh toán cho doanh
nghiệp kể từ khi là thuê bao tối thiểu là 1 triệu đồng.
“Các doanh nghiệp viễn thông phải lên kế hoạch hướng dẫn khách hàng
chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau nhanh gọn, đơn giản nhất.
Bên cạnh đó, phải tuân thủ nghiêm các quy định về hạn mức khuyến mại đối
với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Trường hợp vi phạm quy định về
hạn mức khuyến mại sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế với các
chương trình khuyến mại sai quy định”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền
thông cho biết./.
Trung Hiền (Vietnam+)