Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 11/3/2012 9:33'(GMT+7)

Sính ngoại là mầm mống gây rối loạn

 

Văn hóa tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực

- Gần đây, người ta nói nhiều về văn hóa tiêu dùng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam tổng hợp rất nhiều yếu tố, biểu hiện nhiều bản sắc và trình độ của nền kinh tế, về tiêu dùng và cả văn hóa của Việt Nam.

Ở Việt Nam thời kỳ kinh tế còn khó khăn, thường người ta chuộng nội dung, ăn chắc, mặc bền, chưa quan tâm nhiều đến mẫu mã, hình thức, thẩm mỹ. Gần đây, khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, đời sống được nâng lên, một số đối tượng có thu nhập cao quá dễ dãi dẫn tới một số người có xu hướng tiêu dùng chơi trội, sĩ diện, muốn thông qua hàng hóa tiêu dùng để xác định địa vị xã hội, đánh bóng tên tuổi. Thậm chí, có những cái rất phản văn hóa như hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Nếu Nhà nước quản lý không nghiêm, không chặt, chế tài xử lý không rõ ràng thì tâm lý sính ngoại, không thích dùng hàng Việt Nam sẽ phát triển, tạo cơ hội cho những hành động gây rối, phá hoại, làm mất thuần phong, mỹ tục luồn lỏi trong đời sống xã hội.

- Tức là, theo ông, sính hàng ngoại là mầm mống của sự mất ổn định xã hội?

- Thực tế cũng có những mặt hàng ngoại nhập mà chúng ta chưa thể sản xuất được, hoặc có giá cả hợp lý hơn, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn hàng nội. Nhưng, cũng có rất nhiều mặt hàng chúng ta có thể sản xuất được với giá cả tốt hơn, mẫu mã, chất lượng đều không thua kém hàng ngoại, nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu và một số người vẫn thích tiêu dùng. Như thế là làm yếu nền kinh tế. Hàng ngoại tràn lan trên thị trường sẽ bóp nghẹt nền sản xuất trong nước. Khi ấy, người lao động sẽ bị mất việc làm, dẫn tới sức mua bị giảm, sức mua giảm lại càng khiến sản xuất co lại, làm cho kinh tế suy sụp. Ngoài ra, nhập hàng ngoại nhiều quá thì sẽ phải dùng nhiều đô-la, ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, cán cân thương mại. Những cái ấy như hàn thử biểu, nếu vỡ thì nền kinh tế sụp đổ, chưa sụp đổ thì lạm phát cao. Ấy là chưa kể, khi người lao động bị mất việc làm thì ảnh hưởng tới thu nhập, thu nhập kém sẽ dẫn tới rối loạn, làm mất ổn định xã hội.

- Như vậy, tiêu dùng sính ngoại không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, nhà sản xuất nội địa, mà ngay cả Nhà nước cũng bị ảnh hưởng?

- Nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Sản xuất đình trệ, ngân sách thất thu, nhiều người mất việc làm thì trật tự, an toàn xã hội khó được bảo đảm. Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực là rất lớn, trên diện rộng và cũng rất sâu. Nó ảnh hưởng trực diện đến đời sống kinh tế và đe dọa sự phát triển của nền kinh tế về lâu dài.

- Vậy, theo ông, làm thế nào để khắc chế được những mặt tiêu cực của văn hóa tiêu dùng hiện tại?

- Muốn có văn hóa tiêu dùng tốt thì không thể đánh thẳng vào văn hóa được. Văn hóa chỉ là biểu hiện của các mối quan hệ và là biểu hiện của trình độ, bản sắc dân tộc. Những cái ấy hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường và hiệu quả kinh tế, cách quản lý và chế tài quản lý, cũng như sự minh bạch, công bằng của xã hội. Tức là phải bắt đầu từ nhiều lĩnh vực để tạo ra cái gốc, chứ không chỉ xây dựng văn hóa tiêu dùng.

Chưa quan tâm xây dựng thương hiệu

- Có vẻ như các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có sự đầu tư thích đáng xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng?

- Đúng thế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có ba dạng. Thứ nhất là nhận thức về thương hiệu, chất lượng và bảo vệ thương hiệu rất lơ mơ, “ăn xổi, ở thì”, làm đến đâu hay đến đó. Thứ hai là có thương hiệu rồi nhưng không giữ hoặc nâng tầm thương hiệu được. Thí dụ một loạt thương hiệu của mình, như cà phê, nước mắm, bị lấy hết rồi. Thứ ba là tuyên truyền giới thiệu, quảng bá, đầu tư lại cho việc này rất ít. Các doanh nghiệp Việt Nam thường coi đó là chi phí, không coi là khoản đầu tư. Vậy nên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư không nhiều cho lĩnh vực xúc tiến thương mại. Lỗi này chúng ta phải khắc phục có bài bản, hệ thống và toàn diện.

- Sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng là một trong những giải pháp hạn chế tiêu cực trong văn hóa tiêu dùng?

- Đó là một trong những giải pháp hạn chế tiêu cực trong văn hóa tiêu dùng và nó làm hạn chế tâm lý sính hàng ngoại, làm cho tính độc lập, tự chủ của dân tộc và khả năng tự bảo vệ sẽ cao lên.

- Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần giúp gì và họ cần làm gì để xây dựng, phát triển thương hiệu trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay?

- Thứ nhất là phải giúp cho doanh nghiệp đi vào sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động. Tất cả những cái đó mới là yếu tố bền vững, lâu dài, tạo ra hàng hóa có giá thành, chất lượng và mẫu mã tốt. Cái đó tôi cho là phải làm thường xuyên.

Thứ hai là phải tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá để các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường.

Thứ ba là từng doanh nghiệp, trong cộng đồng, trong xã hội phải có hỗ trợ lẫn nhau để có thể phát hiện những vấn đề lệch lạc, khó khăn, rút kinh nghiệm hay bổ sung cho nhau. Không nên để xảy ra tình trạng anh nọ phá giá anh kia, anh nọ cạnh tranh không lành mạnh với anh kia để dìm hàng, dìm chất lượng. Đó là những cách làm vô lối để thị trường rơi vào tình trạng rối, ảo.

Ngoài ba vấn đề trọng tâm trên, tất nhiên là còn nhiều vấn đề khác. Ví dụ như cần mở rộng tuyên truyền, mở ra các cuộc tiếp xúc, quảng bá thương hiệu, cần thiết thì có thể tập hợp lực lượng để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp trong các vụ kiện cáo, tranh chấp quốc tế…

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất