Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 14/9/2017 23:19'(GMT+7)

Số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước giảm trong 4 tuần gần đây

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội. (ảnh chụp sáng 9/9). (Ảnh: TTXVN)

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội. (ảnh chụp sáng 9/9). (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp vì cùng kỳ những năm trước là tháng cao điểm ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường, thuận tiện cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển; nhiều ổ bọ gậy nguồn tại các hộ gia đình qua các đợt kiểm tra vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, cả nước vẫn ghi nhận một số dịch bệnh như: bệnh tay chân miệng, dại, liên cầu lợn...

Số ca sốt xuất huyết giảm ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 13/9, cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong; trong đó, số trường hợp nhập viện là hơn 105.300 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 43,9%, số tử vong tăng 10 trường hợp. Từ ngày 4 - 10/9, cả nước ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc, không có tử vong; so với tuần trước 28/8-3/9, số ca mắc giảm 23,9%.

Kết quả kiểm tra tại địa phương cho thấy, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết nhưng hoạt động còn chưa triệt để; tỷ lệ hộ gia đình phát hiện ổ bọ gậy, loăng quăng còn cao; độ bao phủ trong phun hóa chất chưa cao (80%) do người dân đi vắng hoặc đóng cửa. Người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng...

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 1/1-10/9, Hà Nội ghi nhận hơn 27.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc của Hà Nội trong những tuần gần đây chững lại, có xu hướng giảm tại các quận nội thành sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trong thời gian qua. Đặc biệt, Hà Nội có 19 quận, huyện ghi nhận số ca mắc giảm so với tuần trước...

Trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường và chiến dịch phun thuốc diện rộng tại các xã phường có diễn biến phức tạp và các khu vực nguy cơ, trong đó phối hợp cả máy phun đeo vai, máy phun ô tô, máy phun mù nóng. Thống kê sơ bộ kết quả các đợt phun thuốc diện rộng từ ngày 12/8 đến nay cho thấy: 100% số trường học trên địa bàn đã được phun hóa chất diệt muỗi; số lượt hộ gia đình được phun đạt tỷ lệ 81,4%; số công trường có người làm việc được phun chiếm tỷ lệ 19%. Tỷ lệ này ở khu vực chợ dân sinh đạt 44,3%; tại các khu vực công cộng khác như đình chùa, nghĩa trang, cơ quan xí nghiệp đạt 25,2%...

Số ca mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ tăng cao


Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.055 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có hơn 28.000 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,2%. Số mắc tích luỹ tăng cao ở một số tỉnh, thành phố tại miền Nam như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Dương.

Thời gian tới, số trường hợp mắc tay chân miệng có nguy cơ tăng cao do thời tiết thuận tiện cho virus tồn tại lâu hơn trong môi trường, đặc biệt tại các trường mầm non, tiểu học nếu không vệ sinh, sát khuẩn trường lớp, đồ chơi, vật dụng thường xuyên. Hệ thống giám sát trọng điểm bệnh tay chân miệng cho thấy tỷ lệ (+) EV71 (virus đường ruột thường gây bệnh cảnh nặng) các năm gần đây có chiều hướng giảm so với các năm 2011, 2012.

Bên cạnh đó, tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31 trường hợp nhiễm virus Zika tại 8 tỉnh, thành phố trong tổng số 702 mẫu xét nghiệm. Số trường hợp mắc nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Đối với bệnh dại, tích luỹ đến thời điểm hiện tại, cả nước có 56 trường hợp tử vong xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố. Cả nước cũng ghi nhận 142 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn; trong đó có 101 trường hợp được chẩn đoán xác định ở phòng xét nghiệm, 12 trường hợp tử vong...

Phối hợp triển khai quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết


Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, thời gian tới, các bộ ngành cần phối hợp triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; tập trung cho các điểm nóng như Hà Nội. Ngành Y tế tiếp tục theo dõi, chỉ đạo đáp ứng phòng, chống dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ven biển miền Trung, Tây Nguyên.

Các địa phương duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt muỗi, bọ gậy; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ bệnh tại các xã, phường, thực hiện các biện pháp tổng thể phun hóa chất, phun công suất lớn, phun thể tích nhỏ và áp dụng phun mù nhiệt tại các hộ gia đình; thực hiện tốt việc đóng cửa sau phun hóa chất.

Các cơ sở điều trị đảm bảo công tác thu dung, phân tuyến điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết; điều trị ngoại trú, giảm quá tải tuyến trên, không để tử vong do sốt xuất huyết...

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trên cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần vừa qua đã giảm 29,3%. Đây là kết quả sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, đặc biệt là của 2 thành phố lớn có số ca mắc tăng cao thời gian qua là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh; cần tiếp tục coi hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết là nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết; trong đó diệt loăng quăng, bọ gậy là biện pháp quan trọng để duy trì tính bền vững của việc phòng bệnh; triển khai phun hóa chất trên diện rộng; kết hợp nhiều hình thức phun, đặc biệt chú trọng phun mù nhiệt diệt muỗi hiệu quả.

Chính quyền cần quyết liệt hơn trong vấn đề xử lý các gia đình không hợp tác khi phun hóa chất diệt muỗi. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, hỗ trợ ngành y tế trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến người dân, cộng đồng. Các Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường giám sát, kiểm tra hiệu quả phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động phòng chống một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới như tay chân miệng (chủ yếu là vệ sinh cá nhân, gia đình, trường học), phòng chống bệnh dại (bệnh chỉ phòng được mà không cứu được); giữ vững tỷ lệ tiêm chủng đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh.../.

Thu Phương (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất