Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/5/2012 17:38'(GMT+7)

Sơ lược và thiếu giải pháp đột phá

Việt Nam có lợi thế nông nghiệp nhưng trong nội dung tái cơ cấu, nông nghiệp lại bị kéo xuống chỉ chiếm 15% GDP. Ảnh: Duy Khương

Việt Nam có lợi thế nông nghiệp nhưng trong nội dung tái cơ cấu, nông nghiệp lại bị kéo xuống chỉ chiếm 15% GDP. Ảnh: Duy Khương

 

 

 
Chưa làm rõ lợi thế so sánh

Chúng ta đang có lỗi với nông nghiệp khi tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 6,4% trong khi giá trị của nông nghiệp đang chiếm 22% GDP.

Chuyên gia kinh tế - Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân

“Việc xây dựng đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, đề án còn sơ lược và thiếu giải pháp đột phá” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) bắt đầu như vậy trong phần thảo luận ở tổ chiều 24.5. Theo ĐB thì chúng ta xây dựng đề án trong thời điểm mà nền kinh tế đang bộc lộ nhiều căn bệnh cố hữu, điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Vì vậy, muốn tái cơ cấu, chuyển đổi thành công thì việc đầu tiên phải “chẩn bệnh chính xác” mới kê đúng toa thuốc. Chuyên gia kinh tế - ĐB Trần Hoàng Ngân thì cho rằng, việc xây dựng đề án phải xuất phát từ thực tiễn kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, dường như cơ quan soạn thảo chưa thấy hết các lợi thế so sánh khi xây dựng nội dung tái cơ cấu. Theo ĐB Ngân thì chúng ta có lợi thế về biển và cả một nền nông nghiệp. Tuy nhiên, trong nội dung tái cơ cấu không hiểu tại sao cơ cấu nông nghiệp lại kéo xuống chỉ chiếm 15% GDP. Trong khi hiện nay, nông nghiệp đang chiếm 22% GDP. “Chúng ta đang có lỗi với nông nghiệp khi tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 6,4%”. Nhắc lại câu “phi nông bất ổn”, ĐB Ngân đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu, chỉ tiêu cho nông nghiệp. Giải pháp cho nông nghiệp là giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội. Ngoài ra, các lợi thế của một đất nước trên 80 triệu dân chưa được thể hiện trong việc cơ cấu lại nền kinh tế theo cách hướng nội. Theo các ĐB thì cơ cấu vùng trong đề án cũng chưa rõ nét. ĐBSCL có lợi thế về nông nghiệp, tuy nhiên vẫn cấy vào đó việc phát triển công nghiệp. Hậu quả là ô nhiễm môi trường, kéo theo hệ lụy lớn cho sản xuất và xã hội.

Sản xuất đình đốn, tồn kho tăng đã khiến hơn 17.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản trong quý I/2012. Ảnh: Đức Thanh

ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng: “Các quan điểm và định hướng nêu ra dường như được sao chép ở đâu, chứ chưa thực sự gắn với các lợi thế về tài nguyên, thị trường cũng như nguồn nhân lực của đất nước”. Đề án không đánh giá kỹ và hết vì sao chúng ta đã có chính sách tam nông nhưng đất nông nghiệp liên tục mất đi, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt. “Xây dựng đề án là để làm lại chứ không phải chung chung như vậy” - ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Chưa có giải pháp trọng tâm, đột phá

ĐB Võ Thị Dung thì cho rằng tình trạng quy hoạch manh mún, dàn trải, các tỉnh đua nhau làm KCN, sân bay và cảng biển đã khiến hàng loạt công trình dở dang, nhiều KCN bỏ hoang, cảng biển không tàu vào..., lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, đề án chưa thấy đề cập, giải quyết những tồn tại này.

ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, đề án chưa nêu được giải pháp trọng tâm, giải pháp mang tính đột phá. 12 giải pháp dàn hàng ngang chưa biết thực hiện giải pháp nào trước. ĐB Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UBKT - cho rằng, đề án tái cơ cấu nhưng chúng ta chưa đưa ra định hình nền kinh tế sẽ ra sao sau khi tái cơ cấu, giống như chúng ta định xây nhà nhưng không định hình được nhà chúng ta xây ra sao.

ĐB Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH - dẫn ra thống kê, chúng ta có hơn 500.000 DN nhưng thực tế chỉ hơn 200.000 DN hoạt động, còn lại là các DN “ma”. Vì vậy, vấn đề tái cơ cấu nền KT cần phải có thái độ cương quyết với những DN “ma” kiểu này. Việc hỗ trợ khó khăn cho DN cũng cần phân loại để không xảy ra những DN “ma” đục nước béo cò. Về các tập đoàn kinh tế, ĐB Phùng Quốc Hiển khẳng định, thực tế vừa qua cho thấy chỉ là con số cộng của các DN với nhau chứ chưa đủ sức là một tập đoàn. Về đầu tư công: Hiệu quả không cao, ICO cao nhất trong các lĩnh vực. Chính phủ đã có những điều chỉnh hợp lý như nhường những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế tham gia được. Việc sáp nhập lại các ngân hàng cũng cần phải tính đến việc quản trị ra sao, nếu không chỉ cộng hai tổ chức yếu lại với nhau có khi ốm yếu hơn.

Từ những phân tích trên, các ĐB cho rằng đề án tổng thể này còn quá sơ sài, cần phải được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Chứ tại kỳ họp này, QH khó có thể ra một nghị quyết về vấn đề này.

“Về nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế thì nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là quan trọng nhất, nếu như không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường thì mọi vấn đề khác đều rất khó thực hiện. Chỉ có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì mới có thể thúc đẩy tất cả các ngành kinh tế phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Lam Sơn - Sơn /Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất