Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 29/11/2010 15:37'(GMT+7)

Số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không giảm

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương gửi về Cục ATVSTP, trong chín tháng đầu năm 2010, cả nước có hơn 25 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được thành lập, trong đó, tuyến trung ương đã tổ chức 43 đoàn thanh tra, hậu kiểm bao gồm các đợt: Ðợt thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán (tại 30 tỉnh, thành phố); đợt hậu kiểm về sữa (tại tám tỉnh, thành phố); Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) tại 33 tỉnh, thành phố); đợt hậu kiểm về nước uống đóng chai, bếp ăn tập thể (tại 12 tỉnh); đợt hậu kiểm theo chuyên đề về quảng cáo (tại sáu tỉnh, thành phố); đợt hậu kiểm về CLVSATTP Tết Trung thu (tại sáu tỉnh, thành phố), đặc biệt trong đợt tổ chức Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP đã tổ chức 10 đoàn thanh tra về CLVSATTP nhằm góp phần bảo đảm  thành công của sự kiện quan trọng này.

Ðối với địa phương, đã có hơn 25 nghìn lượt thanh tra, kiểm tra VSATTP ở 338.465 cơ sở thực phẩm về các nội dung như: Việc công bố tiêu chuẩn và ghi nhãn sản phẩm; việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm; việc bảo đảm các quy định về điều kiện VSATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc bảo đảm chất lượng VSATTP đối với sản phẩm thực phẩm. Kết quả cho thấy, số cơ sở có vi phạm là 76.049 cơ sở (22,49%). Ðã xử lý 29.110 cơ sở (8,6%), bao gồm phạt cảnh cáo 22.953 cơ sở (6,78%), phạt tiền 6.052 cơ sở (1,79%), tổng số tiền phạt hơn 8,6 tỷ đồng. Ngoài hình thức phạt chính, các địa phương đã xử lý phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động hơn 260 cơ sở, đình chỉ lưu hành 700 sản phẩm, tiêu hủy hơn 1.900 sản phẩm vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với 105 cơ sở có dấu hiệu tội phạm. Cũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã lấy mẫu kiểm nghiệm, kết quả cho thấy với 32.212 mẫu được thống kê có 85% số mẫu đạt, 15% số mẫu không đạt. Một số chỉ tiêu không đạt hay gặp ở địa phương như: Phụ gia ngoài danh mục cho phép; độ pH, NO2, NO3 không đạt; hàm lượng mê-tha-non vượt quá mức cho phép trong rượu; dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa bảo đảm sạch. Ðối với các chỉ tiêu vi sinh, sản phẩm bị nhiễm vi sinh hay gặp là nước uống đóng chai và nước đá...

Tuy nhiên, ngoài các nội dung vi phạm được thống kê, theo báo cáo của các địa phương, trên thị trường vẫn còn nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc có sử dụng những phụ gia ngoài danh mục cho phép như phẩm mầu RhodamineB, hàn the..., việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế còn diễn ra ở một số địa phương như sử dụng phụ gia ngoài danh mục, thí dụ: Phoóc-môn trong bánh phở, hàn the trong giò chả, chả cá, phẩm mầu trong hạt dưa, mứt... Ðáng chú ý, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, năng lực của các đoàn kiểm tra của tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến vẫn chưa kiểm soát được hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2008/NÐ-CP về hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về VSATTP, song Luật Thanh tra năm 2004 không quy định có Thanh tra Cục, Thanh tra Chi cục, cho nên lực lượng này hoạt động rất khó khăn do tính pháp lý không cao và chưa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Chế tài xử lý còn một số điểm bất cập, trong đó Nghị định số 45/2005/NÐ-CP của Chính phủ, phần quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VSATTP còn nhiều điểm chưa phù hợp (nhiều hành vi vi phạm chưa có quy định mức phạt, một số mức phạt hiện nay không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung...). Năng lực kiểm nghiệm về CLVSATTP của nhiều địa phương còn yếu, trong quá trình thanh tra, số mẫu được kiểm tra tại Labo chưa nhiều, nhưng mất rất nhiều thời gian mới có kết quả, cho nên việc xử lý vi phạm chưa được kịp thời.

Ðể tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về CLVSATTP, trong thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước về CLVSATTP các cấp từ Trung ương đến địa phương sẽ liên tục triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu trên thị trường. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nhãn mác rõ ràng tại những địa chỉ cụ thể, tin cậy; sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn, còn hạn sử dụng và đáp ứng các yêu cầu khác về CLVSATTP. Ðồng thời, đề nghị người tiêu dùng tích cực phát hiện, phản ánh kịp thời các vấn đề liên quan CLVSATTP cho các cơ quan chức năng để có giải pháp quản lý phù hợp.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất