Từ ngày 26 - 30/1 (mùng 4 đến mồng 8 Tết), tại Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam công diễn chương trình chào xuân mới "Sen - Rồng", biểu diễn liên tục vào các tối tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Ðình.
Chương trình gồm những tiết mục xiếc thú đặc sắc như: xiếc khỉ "Những tay đua kiệt xuất"; gấu đua ô-tô, gia đình chó ngộ nghĩnh, voi khổng lồ đá bóng; ảo thuật và hề xiếc... Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân các quận, huyện vùng ven: Hà Ðông, Hoàn Kiếm, Ðông Anh, Phúc Thọ, Ðan Phượng, Hoài Ðức... các vở: Duyên kiếp Bạch Trà, Giọt đắng oan tình, Khi hoa nở trái mùa.
* Tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua đã diễn ra nhiều hoạt động ca múa nhạc, hài kịch tại các sân khấu Hồng Vân, Lan Anh, Trống Ðồng, Suối Tiên, Ðầm Sen... với các chương trình như: Vũ điệu tuổi trẻ, Vòng tay bè bạn, Mùa xuân yêu thương, Hãy đến với mùa xuân... quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng... Ða dạng chương trình đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người xem khác nhau là Sân khấu kịch Phú Nhuận và Kịch Superbowl với nhiều vở diễn từ hài kịch đến chính kịch. Tiếp đến là các đơn vị: Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nụ cười mới, Nhà hát thế giới trẻ, Sân khấu cà-phê bệt, chương trình cải lương "Nghệ sĩ mừng xuân" ở rạp hát Thủ Ðô, Sân khấu Sen Việt ở rạp hát Nam Quang, v.v. Mặc dù giá vé khá cao từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/vé, nhưng lượng người xem vẫn đông. Hầu hết các tụ điểm sân khấu trên địa bàn thành phố đều đông kín người xem vào các buổi diễn và phần lớn đã phải tăng suất diễn lên hai, ba suất/ngày.
Trong dịp này, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng Xuân mới: ca múa nhạc, ca cổ, hài kịch, tiểu phẩm, trích đoạn cải lương... tại Công viên Gia Ðịnh 2, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc quận 9, Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và các khu vực vùng ven thành phố. Cùng với đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách cũng thu hút đông khách đến xem, ước tính trung bình mỗi ngày có hơn 400 nghìn bạn đọc và du khách tham quan.
* Từ ngày 25 đến 30/1 (mùng 3 đến mồng 8 Tết), trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Hội xòe dân tộc Tày xã Thanh Phú, Hội Gầu Tào của dân tộc Mông ở xã Tả Giàng Phình và xã San Sả Hồ, Hội hát then dân tộc Tày ở xã Bản Hồ, Hội hát giao duyên dân tộc Dao xã Tả Phìn và Hội Roóng Poọc của người Dáy xã Tả Van, thu hút đông nhân dân địa phương và du khách tham gia. Trong hai ngày qua đã có khoảng 20 nghìn lượt người dân các xã lân cận đổ về xem và tham dự Hội xuân Gầu Tào của xã Thải Giàng Phố, huyện vùng cao Bắc Hà, thể hiện đậm nét văn hóa đặc trưng của người Mông, nhằm cầu phúc, cầu an đầu xuân mới. Những ngày tới, Bắc Hà sẽ tiếp tục mở hội xòe Tả Chải, hội xuống đồng Na Hối... Ở các huyện khác, từ mồng 5 Tết, đồng bào dân tộc các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn... cũng tổ chức lễ hội xuống đồng ra quân sản xuất và tổ chức các hoạt động vui chơi mừng Ðảng, mừng Xuân mới.
* Sáng 26/1 (mùng 4 Tết), tại thôn Ðồng Kỵ, phường Ðồng Quang, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) người dân Ðồng Kỵ tổ chức lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham dự. Tại lễ hội, diễn ra các hoạt động: lễ rước, hát Quan họ trên thuyền, xem tuồng, thi đấu vật cổ truyền và các môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà... thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng truyền thống của lễ hội làng vùng Kinh Bắc./.
(Theo: Nhân dân)