Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 28/1/2012 22:12'(GMT+7)

Sôi nổi các hoạt động văn hóa đầu Xuân Nhâm Thìn

* Sáng 28/1 (tức mùng 6 Tết), tại Khu di tích lịch sử đền Đuổm, xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), Lễ hội đền Đuổm và Hội Báo Xuân Nhâm Thìn 2012 đã chính thức khai mạc.

Đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời Lý Cao Tông là nơi thờ tự chính Thánh Đuổm - vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của nước Đại Việt dưới các triều vua Lý. Ông từng 2 lần được triều Lý phong làm phò mã và được nhân dân địa phương hết sức kính trọng. Tương truyền, 2 người vợ của Dương Tự Minh là công chúa Diên Bình và Thiều Dung đã có công truyền nghề cấy hái, chăn tằm, dệt vải cho người dân quanh vùng nên được nhân dân địa phương hết sức tôn kính. Sau khi ông mất, người dân địa phương đã lập đền thờ và mở hội hàng năm để tưởng nhớ công đức của người có công giữ yên, mở mang bờ cõi, đất đai cha ông. Trong hội đền Đuổm bao gồm 2 phần chính: nghi thức lễ tế và phần hội. Theo nghi thức cổ truyền, đoàn rước lễ gồm 8 mâm cỗ chay với các sản vật địa phương như: bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ; cỗ mặn gồm lợn quay, xôi ngũ sắc. Thay mặt đoàn rước, Chủ tế và 2 bồi tế trong trang phục áo thụng khăn xếp truyền thống, tấu cầu quốc thái dân an và năm mới an khang, thịnh vượng cho muôn dân... Hội Đuổm được tổ chức mỗi dịp đầu xuân mới từ lâu đã được coi là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, thu hút đông đảo khách thập phương tham dự với các trò chơi dân gian độc đáo, đặc sắc như: bắn nỏ, tung còn, bịt mắt đập niêu, đánh đu...

Hoạt động tâm điểm của Lễ hội đền Đuổm năm nay đó là Hội báo Xuân do Hội Nhà Báo tỉnh tổ chức. Hội báo Xuân Nhâm Thìn 2012 trưng bày hơn 500 đầu báo, tạp chí của các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, được nhân dân đặc biệt quan tâm bởi có nhiều thông tin về những sự kiện quan trọng của địa phương và của đất nước trong năm qua. Nhân dịp này, các xã trong huyện Phú Lương cũng có các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương như các loại bánh trái, mật ong, chè búp khô... nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của huyện.

* Ngày 28/1, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức giải đua thuyền độc mộc truyền thống chào xuân Nhâm Thìn năm 2012. Đây là một môn thể thao độc đáo được tổ chức đầu Xuân hằng năm trên dòng Đăk Bla. Cuộc đua thuyền lần này đã thu hút 86 vận động viên của 9 địa phương là các xã, phường sinh sống ven dòng sông Đăk Bla thuộc địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy. Theo đó, 43 chiếc thuyền độc mộc do 02 vận động viên điểu khiển thi đấu với 2 nội dung cá nhân và đồng đội. Các vận động viên đã tranh tài chèo ngược và xuôi dòng sông Đăk Bla với tổng chiều dài chặng đua là 3km.

Tại cuộc đua, hàng trăm cổ động viên là người dân Kon Tum và du khách đã tập trung bên bờ sông Đăk Bla để cổ vũ. Kết quả, đôi vận động viên A Krai – A Blưuh (thuộc đội huyện Sa Thầy) đã đạt giải nhất cá nhân. Đoàn đua của đội xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) đoạt giải nhất đồng đội. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải nhì, ba và khuyến khích cho các đội, cá nhân đã đạt thành tích tốt trong cuộc đua.

Thuyền độc mộc do người dân tộc (chủ yếu là người Ba Na) sinh sống dọc bờ sông Đăk Bla làm từ thân các cây cổ thụ được tìm kiếm khá công phu của người dân. Mỗi thuyền thường có chiều dài từ 3 – 5m, chiều rộng từ 50 – 80 cm dùng để cho người dân sinh sống trên các con sông chính ở Kon Tum.

* Ngày 27/1 (tức mùng 5 Tết), Hội thi “Người đan lưới giỏi” được tổ chức tại bãi biển Vũng Chào thuộc Thị xã Sông Cầu- cách tỉnh lỵ Phú Yên khoảng 70 cây số về phía Bắc- đã mở đầu cho những hoạt động lễ hội của tỉnh Phú Yên đón năm mới Nhâm Thìn.

Tham gia hội thi “Người đan lưới giỏi” có 13 đội với 26 thành viên là những ngư dân gắn bó với nghề đan lưới thủ công truyền thống. Ngoài ý nghĩa là hoạt động văn hóa, hội thi còn là dịp để ngư dân thể hiện kỹ năng khéo léo qua đôi tay nhanh nhẹn, chính xác và đầy kinh nghiệm nhằm tạo ra một tấm lưới với những mắc lưới đúng kỹ thuật và chất lượng; đồng thời qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống miền biển Phú Yên.

Kết quả, giải nhất được trao cho chị Trần Thị Lượm và anh Nguyễn Phụng Cảnh thuộc Phường Xuân Thành, Thị xã Sông Cầu với thời gian trong 30 phút đan được 20 x 13,5 số mắc lưới.

* Ngày 28/1 (tức mồng 6 Tết Nhâm Thìn), hội vật truyền thống làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, lại trống giong, cờ mở, tưng bừng khai hội. Hội vật làng Thủ Lễ mừng Xuân Nhâm Thìn năm nay có gần 100 đô vật, chủ yếu ở 2 lứa tuổi thanh niên và thiếu niên tại các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, thành phố Huế... tham gia tranh tài.

Ngoài việc giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống của dân tộc, hội vật Thủ Lễ còn là một sân chơi hấp dẫn không chỉ của riêng dân làng Thủ Lễ mà còn là nơi tụ hội đầu năm vui Xuân mới của người dân nhiều làng lân cận và từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thủ Lễ là một ngôi đình cổ lớn, vẹn nguyên được các vua Nguyễn nhiều lần sắc phong và hiện nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Cùng với những giá trị về mặt kiến trúc của đình làng, Thủ Lễ là làng cổ vẫn còn giữ những lễ hội dân gian mang đậm tinh thần thượng võ của một làng quê ven phá Tam Giang, tiêu biểu là hội vật hàng năm được tổ chức vào ngày 6 Tết âm lịch, hay hội đua thuyền đậm tinh thần đồng đội, hội kể chuyện dân gian, hội hò hát...

* Những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn , đền thờ thầy giáo Chu Văn An Phượng Hoàng ở xã Văn An, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã đón hơn 1 vạn lượt khách viếng thăm. Ngày mồng 6 Tết Nhâm Thìn (28/1), tại đây diễn ra lễ khai bút đầu xuân và trao thưởng cho các học sinh giỏi của thị xã Chí Linh.

Theo sử sách, Chu Văn An (1292-1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam . Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Đền thờ Chu Văn An là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Nhiều trường học trong cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Du khách đến viếng đền đầu xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho, cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.

* Trong những ngày Tết vừa qua, hàng ngàn bạn trẻ trong tỉnh đã đến thăm khu di tích bến tiếp nhận vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú ( Bến Tre ).

Năm nay có thuận lợi là đường đến cồn Bửng vừa được khánh thành đưa vào sử dụng (đường cấp VI đồng bằng ) là điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ về cồn Bửng xem nơi từng tiếp nhận đoàn tàu không số huyền thoại và cũng từng là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của Tỉnh ủy Bền Tre trong thời chống Mỹ. Năm 2011, với sự giúp đỡ của Trung ương, Bến Tre đã làm lễ khởi công đặt viên đá xây dựng Công viên - nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển nên càng thu hút các bạn trẻ đến tham quan. Ngoài ra, tại cồn Bửng còn có ngôi đình thờ bộ xương hai con cá ông; bãi biển bằng phẳng chạy dài hàng cây số được các bạn trẻ yêu thích. Vừa qua, Công ty du lịch Phù Nam ( An Giang ) đã đến khảo sát để đầu tư, phát triển du lịch./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất