Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 4/5/2013 11:7'(GMT+7)

Sơn La: Bảo tồn và phát triển sự nghiệp văn hóa tạo nên nét dáng tiêu biểu của văn hóa vùng Tây Bắc

Là một tỉnh miền núi, Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống xen kẽ từ rất lâu đời, mỗi dân tộc đều mang những bản sắc văn hóa đặc trưng độc đáo, vì thế nơi đây có sự giao thoa về văn hoá giữa các cộng đồng người tạo ra sự tương đồng và khác biệt vẽ lên một bức tranh đa hương, đa sắc.

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với những giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đó trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống; khơi dậy truyền thống yêu nước, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân đối với đất nước, với xã hội và cộng đồng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã có tác động tích cực lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Mức hưởng thụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi, giải trí của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Để đảm bảo cho việc xây dựng con người trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Tính đến 31.12.2012 toàn tỉnh đã có trên 27.000 cán bộ, viên chức có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó trên 16.000 cán bộ, viên chức có trình độ đại học; gần 1.000 cán bộ, viên chức có trình độ trên đại học, trong đó có 24 tiến sỹ và 06 bác sỹ chuyên khoa II, trên 800 thạc sỹ, gần 100 bác sỹ chuyên khoa I; đội ngũ chuyên viên cao cấp của tỉnh tăng thêm 15 người;  gần 150 cán bộ đang được đào tạo trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I; trên 20 cán bộ đang thực hiện luận án tiến sỹ và bác sỹ chuyên khoa II. Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 1.070 người, trung cấp 6.504 người.

Những năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Sơn La đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Phong trào đã huy động được các nguồn lực của toàn xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo của các lực lượng, các tầng lớp nhân dân; tạo nên sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng đời sống văn hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh trật tự xã hội. Toàn
tỉnh có 138.734/241.286 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 57,5%; 940/3.289 bản, tổ dân phố văn hóa, đạt 28,5%; 1.765/2.060 đơn vị được công nhận Đơn vị đạt chuẩn hoá đạt 85,7%; số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 22%; có 460 câu lạc bộ thể thao; có 90% số trường học thực hiện giáo dục thể chất nề nếp.  

 

Phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật đã có những bước phát triển quan trọng, các tác phẩm tập trung phản ánh công cuộc đổi mới, sự lao động sáng tạo, sự chuyển mình của nền kinh tế, nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị. Văn học nghệ thuật đã phát hiện, khẳng định những nhân tố mới, lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, lối sống và đạo đức. Trong 15 năm đã mở được gần 60 trại sáng tác, liên hoan, triển lãm, hội thảo tại tỉnh và dự trên 70 trại sáng tác, liên hoan, triển lãm văn học, nghệ thuật tại khu vực và toàn quốc với hơn 4.000 lượt hội viên tham gia.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa: tính đến năm 2012, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 68 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và đưa vào danh mục, trong đó: về xếp hạng: có 12 di tích được xếp hạng quốc gia, 35 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 21 di tích chưa được xếp hạng; về loại hình: có 46 di tích lịch sử; 11 danh lam thắng cảnh; 02 di tích Kiến trúc nghệ thuật; 09 di tích Khảo cổ học; một số di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được đầu tư từ nguồn kinh phí của trung ương, tỉnh, xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo.

Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ
: trong 15 năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học, công nghệ của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục - Đào tạo được củng cố và phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng. Các xã, thị trấn đều có trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 67 trường đạt chuẩn quốc gia, hàng năm số học sinh giỏi các cấp và số học sinh trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp đều tăng, năm học 2011-2012 có 01 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế. Phát triển đi đôi với quản lý hệ thống thông tin đại chúng : đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên được đảng bộ tỉnh chú trọng, quan tâm xây dựng và củng cố, các phương tiện thông tin từng bước được trang bị hiện đại, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Định hướng tốt nội dung cho các cơ quan truyền thông, Báo Sơn La, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh nghiêm túc xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự để chuyển tải nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết. Tổng số tin, bài, ảnh trên Báo Sơn La đã đăng: 12.645 tin, bài, ảnh.

Trên tờ Tin ảnh Sơn La duy trì thường xuyên chuyên mục “Nét đẹp Sơn La” với số tin, ảnh là 1.800. Ngoài ra tại chuyên mục Văn hoá - xã hội của Báo Điện tử Sơn La còn thường xuyên đăng tải nhiều tin, bài, ảnh về kết quả thực hiện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần quan trọng làm cho Nghị quyết thấm sâu vào cuộc sống.
Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số: các giá trị văn hóa của các dân tộc đã được chú trọng giữ gìn và phát huy, như văn hoá trong trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở của người Thái, Mường, Mông, Dao...; văn hoá phi vật thể của các dân tộc khá đa dạng như các loại hình âm nhạc, khắp Thái, đang Mường, sáo Mông, lễ hội, các sáng tác văn học dân gian các dân tộc… đến nay, đã hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái, lập hồ sơ khoa học đề cử 02 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Thái vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống, các lớp học tiếng, chữ Thái, Mông... thường xuyên được mở và duy trì. Các loại hình nghệ thuật âm nhạc, ca múa, lễ hội, nghệ thuật, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, y học dân tộc… được khôi phục; các lễ hội truyền thống như : “Hết Chá”, “Hạn Khuống”, “Xên mường” của dân tộc Thái; “Cầu mưa”, “Cầu mùa” của dân tộc Khơ Mú; “Nào Sồng” của dân tộc Mông... đã góp phần bảo tồn, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Để thực hiện các chính sách đối với tôn giáo, 
Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã Ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 26.9.2002 về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân không học và truyền đạo trái phép; Hướng dẫn số 36-HD/TU ngày 29.4.2010 về triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 03.11.2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo. Việc mở rộng hợp tác quốc tế về văn hoá: tỉnh Sơn La đã mở  rộng giao lưu  hợp tác quốc tế về  văn hoá góp phần làm tốt công tác giới thiệu văn hoá đặc sắc của các dân tộc Sơn La với  bạn  bè trong nước và quốc tế. Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đi giao lưu trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động giao lưu hợp tác về văn hoá, tình cảm của con người và những nét đẹp văn hoá các dân tộc Sơn La đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, đồng thời thiết thực quảng bá những tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, tỉnh uỷ luôn quan tâm, chỉ đạo củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hoá, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hoá. Toàn tỉnh hiện có: 193/204 nhà văn hoá xã; Nhà văn hóa tổ bản là 1.600/3.289; 215 thư viện, tủ sách các cấp; 11 đội thông tin lưu động; 10 hiệu sách; 10 liên đội điện ảnh với 26 đội chiếu bóng cơ sở.

Có thể khẳng định rằng trong 15 năm thực hiện nghị quyết, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Nhiều phong tục tập quán lạc hậu của các dân tộc thiểu số đã được xoá bỏ, tập quán sản xuất cơ bản được đổi mới, nhân dân các dân tộc định canh định cư yên tâm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hoá cao, phấn đấu vì độc lập dân tộc và vươn lên đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo; Ý thức trách nhiệm năng lực tổ chức của cán bộ đảng viên được nâng lên, thế hệ trẻ được học tập tiếp thu nhanh kiến thức mới; Sự nghiệp giáo dục khoa học đạt nhiều thành tựu; Lĩnh vực văn học nghệ thuật có bước phát triển đã góp phần đẩy lùi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ, nhiều công trình được nghiên cứu sưu tầm từ kho tàng văn hoá dân gian; Lĩnh vực thông tin đại chúng phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, quy mô, hình thức, hệ thống mạng thông tin với quốc tế thông thoáng, đội ngũ cán bộ ngày càng đông đảo trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ; Hệ thống thể chế hoá từng bước được hoàn thiện, xây dựng cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác văn hoá, khuyến khích nhân dân lao động tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá./.

Vũ Thị Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất