Thứ Bảy, 28/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 5/11/2010 10:46'(GMT+7)

Sử dụng chữ ký số: Cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý

Tại hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số” do Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Hùng - Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng của Chính phủ khẳng định, hiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã triển khai cho hàng nghìn chứng thư số, phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử.

Chứng thực chữ ký số là phương thức quan trọng trong việc góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục hồ sơ giấy tờ… góp phần xây dựng nên Chính phủ điện tử. Trong sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc ứng dụng chứng thực điện tử mang lại nhiều thuận lợi như: tiết kiệm thời gian luân chuyển, bảo đảm được bảo mật thông tin…

Trong 2 năm triển khai tại cơ quan Đảng và Nhà nước, chứng thực chữ ký số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Tại Văn phòng Chính phủ, hệ thống chữ ký số đã được triển khai trong dịch vụ xác thực dữ liệu, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để phục vụ xác thực chữ ký số trong hoạt động chuyên ngành, Bộ Công an đã sử dụng chữ ký số tích hợp cho thư điện tử. Bộ Ngoại giao đã ứng dụng chữ ký số tích hợp vào hệ điều hành tác nghiệp qua mạng. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã sử dụng thành công hệ thống ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ vào các giao dịch nội bộ của ngành tài chính.

Ngoài các cơ quan hành chính Nhà nước nêu trên thì việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn khá dè dặt tại các cơ quan Đảng và Nhà nước. Theo ông Vũ Duy Lợi – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Văn phòng Trung ương Đảng thì hiện nay, đơn vị chỉ mới thực hiện thí điểm chứng thực số trên mạng diện rộng ở Văn phòng Trung ương và 9 văn phòng Thành ủy.

Còn tại thành phố lớn như Hải Phòng, chỉ có duy nhất Sở GD&ĐT là sử dụng chứng thực chữ ký số. Hơn nữa việc ứng dụng chứng thực chữ ký số mới ở dạng một chiều trong các văn bản gửi từ Sở đến các đơn vị, trường thuộc Sở quản lý.

Việc Văn phòng Trung ương vẫn chưa triển khai chữ ký số trên diện rộng thì theo ông Lợi là do chữ ký số vẫn còn nhiều hạn chế tập hợp nhiều ký tự nên chưa tiện dùng. Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại cơ quan Đảng là còn do chữ ký số còn khá mới mẻ, việc ứng dụng vẫn chưa phải bị “bắt buộc”.

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở cũng là nguyên nhân thúc đẩy việc ứng dụng chữ ký số. Ông Đào Đình Khả - Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số Quốc gia (Bộ TT&TT) cho rằng, hiện nay, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để phục vụ cho việc chứng thực chữ ký số của chúng ta mới chỉ đi những bước đầu tiên, do vậy chỉ mới có thể đáp ứng được ở mức độ vừa phải. Còn nếu ở cùng một thời điểm, lượng người sử dụng quá lớn thì hoạt động của hệ thống dễ bị ngừng trệ. Cho nên ông Khả cho rằng, đầu tiên cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các đơn vị sử dụng chứng thực chữ ký số.

Còn giải thích cho việc các cơ quan hành chính Nhà nước tại Hải Phòng chưa mặn mà với ứng dụng chứng thực chữ ký số, ông Nguyễn Văn An – Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết, là do việc giao tiếp trên môi trường mạng internet không an toàn, không xác định được chính xác danh tính người gửi, dễ bị giả mạo, không đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản khi truyền trên mạng…

Bởi vậy, để triển khai ứng dụng chữ ký số trên tất cả các mặt như: chính phủ điện tử, hành chính điện tử, ứng dụng thương mại điện tử và kinh doanh điện tử… được đồng bộ, hiệu quả, ông An kiến nghị cần phải thống nhất, đồng bộ cả về luật pháp, công nghệ, con người… đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật, ông An đề xuất cần có quy định tạo môi trường minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các công ty cung cấp dịch vụ xác thực chữ ký số công cộng của Việt Nam, để công dân và doanh nghiệp chỉ sử dụng một thiết bị liên quan tới ứng dụng chữ ký số khi “giao tiếp” với cơ quan công quyền.

Để đẩy nhanh việc ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước thì việc tạo sự tin cậy trong văn bản pháp quy cần hoàn thiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sớm xây dựng thêm khía cạnh pháp lý để nhanh chóng liên thông với các chứng thực chữ ký số với các quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay./.

(Theo: VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất