Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/7/2017 16:55'(GMT+7)

Sử dụng hiệu quả Trọng tài quốc tế tại Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo (ảnh DP)

Quang cảnh Hội thảo (ảnh DP)

Ngày 13/7/2017, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Quốc tế Seoul (SIRDC) tổ chức hội thảo “Sử dụng hiệu quả Trọng tài quốc tế tại Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực Xây dựng Cơ sở hạ tầng, Thương mại và Đầu tư”. Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các công ty/văn phòng luật sư hàng đầu cũng như các chuyên gia trong các lĩnh vực và các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế chia sẻ: Với vị thế là các tổ chức giải quyết tranh chấp hàng đầu tại Việt Nam và Hàn Quốc, chúng tôi, VIAC, KCAB và SIDRC, tổ chức hội thảo này với hy vọng rằng sẽ tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp, các luật sư và các chuyên gia có thể trao đổi về những vấn đề cụ thể và thực tiễn, những rủi ro và bài học kinh nghiệm trong các tranh chấp về hoạt động vực xây dựng cơ sở hạ tầng và thủ tục giải quyết các tranh chấp này bằng trọng tài, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Hội thảo được chia thành ba phần chính với các nội dung cụ thể như sau: Những thay đổi gần đây trong khung pháp lý về Trọng tài tại Việt Nam và Hàn Quốc; Các vụ việc và bài học: Tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và Hàn Quốc; Nhà đầu tư nước ngoài và các tranh chấp quốc tế lĩnh vực cơ sở hạ tầng: Quá trình thành lập các khiếu kiện.Chuyên gia của Hội thảo đều là những chuyên gia với nhiều kinh nghiệm thực tiễn, giúp người tham dự có được cái nhìn tổng thể về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và đặc biệt là áp dụng phương thức này sao cho hiệu quả trong tranh chấp cơ sở hạ tầng.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của trọng tài, ông Shin Hi-Teak – Chủ tịch Trung tâm Giải quyết tranh chấp quốc tế Seoul lưu ý, trong các quan hệ kinh tế và thương mại, không thể tránh khỏi có những tranh chấp xảy ra. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhìn thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Theo đó, nguồn vốn đầu tư của các công ty Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, tương đương 35% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đứng thứ 3 của Hàn Quốc và là nhà xuất khẩu đứng thứ 8 của Hàn Quốc. Con số này thể hiện quan hệ thương mại, đầu tư của 2 quốc gia đã đạt nấc thang mới và đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, cần có cơ chế giải quyết hiệu quả.

Ông Cha Ji Hoon - Luật sư điều hành mảng thương mại quốc tế Công ty APEX LLC nhấn mạnh: Sự phát triển kinh tế và thương mại đòi hỏi chúng ta phải chú trọng đến sự phát triển quyền lợi cho các nhà đầu tư ở mỗi nước vì trong giao dịch tại các nước sở tại sẽ không tránh khỏi có những tranh chấp xảy ra và chúng ta phải có cơ sở pháp lý để giải quyết tại những vấn đề này. Một trong những phương pháp giải quyết đó là việc giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài.

Là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được đánh giá tiếp tục là lĩnh vực có nhiều dư địa phát triển trong cả hiện tại và thời gian tới. Đi kèm với sự phát triển nóng đó là nhu cầu cần đến các phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, hiệu quả được tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm bởi đặc thù của loại tranh chấp trong hoạt động này là thường có trị giá tranh chấp rất lớn và tính chất phức tạp.

Riêng ở Việt Nam, các vụ kiện và các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng ngày một nhiều hơn. Theo kinh nghiệm của các trọng tài quốc tế, tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng là những tranh chấp phức tạp nhất vì nó liên quan đến nhà thầu chính, nhà thầu phụ, chủ đầu tư, có khi liên quan đến cả nhà thiết kế, khách hàng, rồi biến động giá. Số vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng được VIAC giải quyết trong năm 2016 đã nhiều hơn năm 2015 là 15%.

Giáo sư Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý VIAC cho biết: Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa với việc các giao dịch thương mại xuyên biên giới sẽ tăng lên và cùng với đó là các tranh chấp phát sinh. Vì vậy, nhu cầu sử dụng trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp là hết sức cấp thiết. Khung pháp lý về trọng tài ở Việt Nam cũng đã có sự cải thiện theo từng năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đang cần có những kinh nghiệm nhiều hơn về những rủi ro và bài học kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp.

Hội thảo kết thúc sôi nổi trong phần thảo luận với nhiều câu hỏi từ các cán bộ pháp chế và doanh nghiệp. Trong tương lai, VIAC, KCAB và SIRDC hứa hẹn sẽ hợp tác tổ chức nhiều hội thảo với các chủ đề hấp dẫn hơn nữa dành cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam./.

Trong suốt 25 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhờ sự tác động của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu giữa hai quốc gia đã tăng 27%. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng vươn lên trở thành "Quán quân FDI vào Việt Nam" với tổng số vốn lên tới 54 tỷ đô la Mỹ.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất