Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 5/8/2011 19:41'(GMT+7)

Sử là gốc- Phải nhìn từ gốc

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Một điểm “không” (0) trong hàng ngàn, hàng vạn bài thi là chuyện bình thường. Nhưng có tới hàng ngàn bài thi bị điểm không (0) của một môn thi trong kỳ thi đại học và cao đẳng 2011 vừa rồi là việc không bình thường. Và bất thường hơn nữa lại rơi vào môn Lịch sử. Có nơi điểm (0) lịch sử chiếm tới 98%. Có túi khoảng bốn chục bài thi Lịch sử mà tổng số điểm chỉ là 5.

Giật mình, nhớ lại: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đang làm việc ở Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nhận được bức thư của ông giáo già ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh kể rằng: có cô bé học hết lớp bảy trả lời: “Tên thật của Bác Hồ là Trần Hưng Đạo”. Sửng sốt, ông giáo giảng giải cho cô bé nghe tên của Bác Hồ là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Còn Trần Hưng Đạo là anh hùng dân tộc đánh thắng quân Nguyên Mông từ thế kỷ XIII.

Sợ tôi không tin, ông giáo già nhắc đi nhắc lại rằng cô bé ấy chính là cháu ngoại của ông, tên là Vân. Cuối thư ông viết: “Chuyện thật như bịa là thế mà cháu tôi cứ cười tưng tưng. Còn tôi thì buồn đến não lòng. Tôi mong Đài có chương trình phát thanh Lịch sử để giúp các cháu học môn sử thật tốt. Như người ta thường nói: Văn là người, sử là gốc. Mong chờ ở bản đài nhiều lắm.”

Những năm 60 của thế kỷ trước, Lịch sử là môn học chính, cơ bản từ cấp một đến cấp ba. Thế hệ chúng tôi còn được học lịch sử, địa lý của địa phương. Không biết từ bao giờ Lịch sử bị coi như là môn học phụ. Cho đến bây giờ, trong kỳ thi đại học và cao đẳng vừa rồi, điểm Sử quá thấp, thấp đến tệ hại như giọt nước tràn ly, cất lên hồi chuông báo động khẩn cấp. Nếu như ai đó coi là bình thường thì hãy nhìn vào thực tại “bốn không”: Người quản lý không coi Lịch sử là môn học chính. Giáo viên không muốn dạy môn Sử vì thu nhập thấp. Học sinh không thích học môn Sử vì tẻ nhạt và không muốn thi Sử vì ra trường khó kiếm việc làm.

Thực trạng ấy là hệ quả của sai lầm từ quan niệm, sai lầm từ gốc. Học lịch sử đâu phải chỉ học thuộc lòng sự kiện, nhân vật, năm tháng? Học nhồi nhét, học cốt để thi là cách học giết chết sáng tạo, sự hưng phấn và lòng ham muốn. Theo tôi, học sử có hai đích để hướng tới. Một là làm cho học sinh hiểu lịch sử dân tộc để bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Học lịch sử thế giới để hiểu dân tộc ta, ông ta đã ứng xử trước lịch sử phát triển nhân loại như thế nào. Qua đó càng tăng thêm tự hào dân tộc và quan trọng hơn nữa là nung nấu ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước. Hai là học sử để biết rõ ràng mình là ai? Ở đâu và đang đi về đâu trong dòng chảy của lịch sử.

Cũng như học Văn, học Sử cốt là để tạo cho mình một phương pháp suy nghĩ độc lập và làm việc khoa học, hiệu quả. Tôi còn nhớ hồi học cuối cấp ba, thầy giáo dạy sử Vũ Hùng cho tôi điểm năm trừ (5-) (thang điểm 5/5) bài kiểm tra cuối kỳ. Khi trả bài, thầy bảo: “Tôi cho em điểm 5 vì có lập luận chắc chắn, tư duy logic, nhưng phải cho em một dấu trừ thật dài để em nhớ lâu là ngày tháng lịch sử phải chính xác.”

Năm 1969, đang học năm thứ ba Đại học Tổng hợp Văn, lớp chúng tôi được  Giáo sư Đinh Gia Khánh cho làm bài luận về văn học dân gian. Có một bài nhầm lẫn quan điểm, nhưng vẫn được điểm bốn cộng. Chúng tôi thắc mắc, thầy Đinh Gia Khánh nói nhanh, hóm hỉnh: “Các cô các cậu nghi thầy cảm tình riêng với cậu này chứ gì? Đúng là tôi rất cảm tình và đánh giá cao phương pháp nghiên cứu. Dù là quan niệm sai, nhưng biết bảo vệ cái sai lại là một phương pháp đúng. Tôi không khoái khi nhìn thấy các cô, các cậu ngồi ghi chép lia lịa, mà tôi muốn các bạn hỏi vì sao? Có thể nói khác hơn không? Tôi muốn các bạn động não, muốn thảo luận, trao đổi nhiều hơn là học thuộc lòng…” Tôi đã học được phần nào lời chỉ bảo của thầy dạy sử Vũ Hùng, thầy dạy văn Đinh Gia Khánh khi ra trường và làm báo suốt từ năm 1970 đến nay.

Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được tin đăng trên báo Thanh Niên: Thủ khoa có điểm môn sử cao nhất nước 9,5 điểm. Đó là em học sinh con nhà nghèo Tôn Nữ Thùy Linh ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Thùy Linh cho rằng: “Điều cốt lõi mà em cần nắm khi học môn sử là hệ thống lại kiến thức, biến các sự kiện đó diễn ra theo trình tự, hệ thống lại giai đoạn của lịch sử, sẽ rất dễ nắm ngày tháng của các sự kiện”.

Vậy là đã có em có phương pháp đúng học môn lịch sử và đạt kết quả cao. Nhưng để cho tất cả học sinh học tốt môn Sử nói riêng và học giỏi trong nhà trường, trên giảng đường nói chung thì phải đổi mới giáo dục và đào tạo mà khâu đột phá đầu tiên, từ gốc là đổi mới tư duy. Học để làm người, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, để làm việc, chứ không phải học cốt để đi thi./.

(Theo: Vĩnh Trà/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất