Là tỉnh thuộc vùng trung
du và miền núi phía bắc, Yên Bái đang đặt ra những mục tiêu cao, bước
đi đột phá trong phát triển kinh tế, đồng thời đưa nội dung văn hóa
thành một yếu tố trong chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Các lễ hội
truyền thống ý nghĩa được phục dựng, hàng loạt hoạt động văn hóa, du
lịch đặc sắc diễn ra gần đây như ngày hội văn hóa các dân tộc; hội chợ
trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP địa phương;
giới thiệu trang phục và những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của các
dân tộc được gắn liền với các tổ chức, hình thành các tour du lịch cộng
đồng.
Giám
đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho
biết, vào ngày 24/9 tới tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ đón
nhận bằng của UNESCO ghi nhận “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch
Mường Lò, nhằm tôn vinh, quảng bá sâu rộng Di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại “Nghệ thuật xòe Thái”.
Sự
kiện nêu trên có sự tham gia của 8 tỉnh Tây Bắc, những địa phương đang
có chương trình hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là mô hình hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến,
liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài
nguyên du lịch của từng địa phương. Lượng khách du lịch đến Tây Bắc
tăng mạnh. Riêng 6 tháng đầu năm, các tỉnh Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí
Minh đã đón 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó, riêng khách du lịch
đến từ các địa phương trong nhóm hợp tác đạt khoảng 10 triệu lượt…
Cùng
chủ đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, tỉnh đang
tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa để gìn giữ và
làm giàu thêm tài nguyên du lịch, thúc đẩy du lịch, đồng thời thông qua
hoạt động du lịch tác động trở lại đối với di sản văn hóa, góp phần bảo
tồn, gìn giữ, nâng cao giá trị di sản văn hóa.
Năm 2022, thành phố Hà
Tĩnh chọn là năm đột phá về văn hóa - giáo dục. Bí thư Thành ủy
Dương Tất Thắng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh xác định gồm 5
chủ đề, 30 nội dung về lĩnh vực văn hóa, 9 nội dung về lĩnh vực giáo
dục - đào tạo. Các trọng tâm là: nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn
minh đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực
văn hóa, xây dựng hệ sinh thái văn hóa của thành phố, hướng tới sự đa
dạng bản sắc, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện
nay, “du lịch văn hóa” đang trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển
du lịch. Chính vì vậy, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng: Việc phát huy
giá trị di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch bền vững, vừa
bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn
các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời phải có sự kết hợp chặt chẽ
giữa Nhà nước - nhà đầu tư - nhân dân.
Con
người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là mục tiêu của phát
triển văn hóa. Phát triển văn hóa xét cho đến cùng chính là vì con
người, vì sự ấm no, hạnh phúc của con người. Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ
An, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “xây dựng con người văn hóa, gia đình
văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Bảo tồn và phát
huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn
hóa con người xứ Nghệ...”, và Nghệ An đã xây dựng chiến lược phát triển
con người.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các chuẩn mực giá trị về văn hóa và con
người Nghệ An qua các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, chăm sóc
sức khỏe nhân dân.
Nhiều chương trình, đề án được tỉnh ban hành,
triển khai: Phát huy giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình
và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; phát triển thể lực, tầm
vóc con người; xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại mới; xây dựng,
phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Qua đó, nhiều mô hình mới,
cách làm hay được nhân rộng như: Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc Thái bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông; làng văn
hóa tiêu biểu Khối Bắc, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu và mô hình xây
dựng, tổ chức tốt các hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hóa, thông
tin và thể thao xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương... đã cổ vũ và huy động các
nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đời sống, môi trường văn hóa.
Công
tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn liền với hoạt động thực tiễn ở Nghệ An đã
hướng mạnh vào mục tiêu xây dựng con người, gia đình văn hóa, phát huy
truyền thống bản sắc các dân tộc gắn liền quá trình phát triển kinh
tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng trên địa bàn.
Tại
Bắc Ninh, chủ đề và nhiệm vụ mang tính chiến lược về “Xây dựng con
người Bắc Ninh phát triển toàn diện với những đức tính, phẩm chất cụ thể
đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã ghi dấu
ấn mới trong nhận thức và hành động của tỉnh trong lĩnh vực này. Theo
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung, tỉnh tăng cường đầu tư
các nguồn lực cho phát triển văn hóa, phát huy các nguồn lực văn hóa,
con người tương xứng với tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, Bắc Ninh là
tỉnh thực hiện sớm và tốt cơ chế, chính sách chăm lo, đãi ngộ nghệ
nhân, hỗ trợ các làng, các câu lạc bộ quan họ... tác động trực tiếp đến
bảo tồn phát huy di sản phi vật thể.
Đặc biệt, Bắc Ninh đã và
đang hình thành phong trào khuyến học, khuyến tài, để xây dựng xã hội
học tập. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh Trịnh Nam Điền cho biết,
hiện tỉnh có hơn 400 nghìn hội viên khuyến học, chiếm 1/3 số dân. Cả hệ
thống chính trị của tỉnh tham gia đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng
gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng, đơn vị khuyến học, các
mô hình học tập hiệu quả. Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa, thể
thao trên toàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu
cầu hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật của nhân dân.
Trao
đổi và khảo sát tại một số tỉnh Tây Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng
cũng cho thấy cùng với thành tựu, bước tiến mới đạt được trong lĩnh vực
này, đối chiếu với nội hàm về vị trí, vai trò và mục tiêu của lĩnh vực
văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, nhiều địa phương còn bộc lộ những
hạn chế, bất cập: chưa tương xứng với mục tiêu phát triển mang tính
chiến lược; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy sức mạnh nội
sinh về văn hóa làm nền tảng phát triển xã hội.
Nguồn
lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng và dàn trải; nguồn nhân lực hoạt
động văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương tư duy về
phương thức bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
thiếu đồng bộ, chưa có bước đột phá; chưa bảo đảm xử lý hài hòa mối quan
hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây
dựng con người và phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng nói là ở một
số địa phương, ngành, việc đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân,
ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên
chưa thật sự chú trọng xây dựng nền văn hóa công vụ văn minh, hiện đại;
còn tiềm ẩn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng, đạo
đức, lối sống.
Thực tế nêu trên đòi hỏi, trước hết cấp ủy, chính
quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt triển khai, cụ thể hóa quan điểm,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, mới
nhất từ văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tinh thần, nội dung chỉ đạo từ
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; huy động được sự tham gia của
cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò chủ thể văn hóa của mỗi công
dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Cần
quán triệt, thể hiện rõ quan điểm “không đánh đổi môi trường, văn hóa,
văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế” thành nguyên tắc trong công
tác lãnh đạo quản lý, điều hành, bảo đảm hiện thực hóa trong đời sống xã
hội./.
Đặng Nam Hải - Trần Bích Thủy (nhandan.vn)