Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 30/9/2016 9:26'(GMT+7)

Sức sáng tạo không ngừng nghỉ của văn trẻ hôm nay

Quang cảnh toạ đàm thơ (Ảnh:TA)

Quang cảnh toạ đàm thơ (Ảnh:TA)

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX , ngày 29/9, nhiều hoạt động văn học nghệ thuật sôi nổi diễn ra với các nhà văn, nhà thơ trẻ. Hai hội thảo về văn và thơ song song diễn ra đã thu hút sự quan tâm của các thế hệ nhà văn Việt Nam cũng như những người yêu mến văn học nước nhà. 

Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo

Diễn đàn là cầu nối để các nhà văn trẻ có thể cất lên tiếng nói của mình với các nhà quản lý, các nhà văn lão thành nhằm chia sẻ kinh nghiệm trên con đường nghệ thuật.

Xung quanh các phát biểu ý kiến của toạ đàm, nhà văn, nhà báo trẻ Trần Quỳnh Nga (Hà Tĩnh) cho rằng: Nhập cuộc, sáng tạo của mỗi nhà văn là khác nhau. Nhập cuộc là viết theo bản năng, có thể chọn nhân vật lịch sử nhưng thể hiện theo cách mới hơn chính là sáng tạo riêng của mình. Nhập cuộc còn có nghĩa là đi vào cuộc sống, tạo dựng được chỗ đứng từ nơi đã sinh ra, nơi ươm mầm tài năng cho mình. Tuy nhiên, theo nhà văn trẻ này, khá nhiều người viết trẻ ngày nay gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng, so với các nhà văn “cây đa, cây đề” đã thành danh thì các nhà văn trẻ cần khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tạo của họ. 

Chung quan điểm đó, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận), một tác giả trẻ đã gặt hái nhiều thành công trong văn nghiệp chia sẻ: Mỗi người viết đều có mảnh đất riêng, vùng miền riêng để “tung tẩy” với ngòi bút của mình; tuy nhiên không phải cứ đi nhiều hay bám riết lấy một mảnh đất là sáng tạo. Cái yếu chính là nhà văn trẻ hay bó hẹp với khuôn khổ “ruộng cũ cày sới mãi” mà chưa dám tìm hướng đi mới, vùng đất mới cho sáng tạo nghệ thuật. Với nhà văn Kim Hoà, điểm mạnh của người trẻ là sức sáng tạo trong văn học dồi dào, phải yêu hết mình, sống hết mình, nhập cuộc hết mình với những đam mê. 

Tại toạ đàm, các đại biểu văn trẻ cũng được lắng nghe ý kiến chân thành của GS Hồ Ngọc Đại, một trong những đàn anh đi trước của văn đàn Việt Nam. Theo ông, quan trọng nhất đối với một tác phẩm là tư tưởng. Nhà văn phải thể hiện được tư tưởng rõ ràng trong tác phẩm của mình. Nhập cuộc và sáng tạo là rất tốt, tuy nhiên trong quá trình đó, mỗi người viết trẻ nên là chính mình, hãy để cho tác phẩm chính là tác phẩm với sức sống riêng của nó, phải có dấu ấn riêng trong tác phẩm của mình để ghi đậm trong lòng bạn đọc...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã chia sẻ về nghiệp văn của ông cũng như kì vọng lớn vào các thế hệ văn trẻ hôm nay: Tôi thích văn của các tác giả trẻ hơn và mong muốn tìm đọc tất cả những tác phẩm mới ra đời. Tôi cho rằng văn xuôi trẻ đang đi đúng đường với sự nhập cuộc trẻ trung, đầy sáng tạo. Tôi hi vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ các nhà văn tương lai hôm nay. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: Các nhà văn trẻ ngày nay hầu hết có sức viết dồi dào, nhanh nhạy với thời cuộc và cũng đầy đam mê, sáng tạo. Tuy nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khuyên những người viết trẻ không nên chỉ quan tâm tới số lượng bởi nó không nói lên điều gì trong văn học. Mỗi người viết cần đầu tư cho sáng tạo, bám sát thời cuộc tạo ra dù chỉ một tác phẩm nhưng cũng có thể khẳng định tên tuổi của một thiên tài văn chương. Các nhà văn trẻ hãy viết những tác phẩm như Xuân Quỳnh nói “tác phẩm nào cũng như tác phẩm cuối đời mình”…

 Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân 

Diễn ra song song với toạ đàm văn học, diễn đàn về “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân” cũng thu hút rất đông các nhà thơ trẻ và những người yêu thơ tham dự,

Xoay quanh các vấn đề bàn luận thơ cách tân có nhiều ý kiến cho rằng: Các nhà thơ hiện nay chủ yếu tự xuất bản thơ, tự phát hành, tự đọc thơ mình chứ ít đọc thơ “người”. Cái yếu và thiếu của thơ trẻ hôm nay là chính việc thiếu các kênh thông tin truyền dẫn tới bạn đọc. Thơ hay nhưng lại kén người đọc thì xuất bản cho ai? Xuất bản phải chấp nhận “lỗ” nhưng vẫn phải ra sách?!

Nhà thơ trẻ, Nguyễn Anh Tuấn (Lào Cai) chia sẻ: Là người con Nam Định, anh lớn lên trong tiếng ru của mẹ, những câu hát Văn của bà. Đó có lẽ là lý do những sáng tác của anh không tách ra khỏi truyền thống. Sáng tác của Nguyễn Anh Tuấn thường song hành những ký ức từng trải của bản thân và dung nạp những cái mới đang được tiếp cận. 

Khái niệm thơ truyền thống, cách tân rất gần nhau là cảm nhận của nhà thơ Lê Hưng Tiến (sinh năm 1981, tới từ Ninh Thuận). Anh cũng cho rằng lớp trẻ ngày nay làm thơ hầu như không để ý đến ranh giới giữa truyền thống và cách tân. 
Nhà thơ Lê Hưng Tiến đưa ra gợi ý, có nên xem xét các khái niệm:

 
 Các nhà văn, nhà thơ trẻ (Ảnh: TA)

 Thế nào là thơ hay, truyền thống, cách tân; nhà thơ trẻ viết có cần để ý đến nhu cầu của độc giả hay chỉ cần để ý đến thế giới riêng của mình; nhà thơ có cần phải “va chạm” với lý luận, cần tìm hiểu thơ ca thế giới hay không?

Cả diễn đàn lặng đi khi nhà thơ Anh Ngọc cất lên những vần thơ “cô đơn” giàu cảm xúc. Ông “ra đề” cho các nhà thơ trẻ về bài thơ “cô đơn” khiến không ít nhà thơ bối rối trước đề bài không dễ dàng. Với ông, thơ là vần điệu kết hợp với nhạc lý ngân vang trong sự rung động, thẩm thấu của mỗi tâm hồn…

Nhà thơ Lương Đình Khoa chia sẻ: "Mỗi bài thơ như một đứa con tinh thần, bạn rất háo hức để đưa nó giới thiệu đến độc giả. Thời gian gần đây, vào năm 2014 may mắn có một đơn vị bỏ tiền ra mua bản quyền và in thơ của tôi. Theo nhận định của tôi, để có một đơn vị bỏ tiền mua bản quyền như thế thì tác phẩm thơ đã được đưa đến với độc giả trên đời sống mạng và được độc giả phản hồi. Đó là cơ sở để họ tin tưởng rằng thơ có đời sống, có độc giả thì họ mới in. Thứ hai mỗi nhà thơ phải là một nhà thơ hãy là một người biết cách truyền thông đến độc giả của mình".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – một cây bút thơ gạo cội nhận định: Thơ ca xuất hiện như một nhu cầu của tâm hồn. Nói đến thơ ca truyền thống của Việt Nam ai cũng nhắc đến thơ lục bát với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, thơ lục bát đã ra đời từ rất lâu trước khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Nguyễn Du đã thành công khi cách tân từ việc sử dụng cốt truyện của Trung Quốc, sáng tạo bằng ngôn ngữ thơ truyền thống của người Việt tạo ra một kiệt tác cho mọi thế hệ. 

Là người khai thác văn hóa, âm hưởng truyền thống để viết lên những ca từ đậm chất dân gian như “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi”..., nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghi nhận: Cách tân chính là sáng tạo, câu chuyện thơ trẻ chỉ nên bàn về tuổi tác, sự sáng tạo thường không có tuổi...

Xoay quanh diễn đàn Thơ trẻ - truyền thống và cách tân còn nhiều ý kiến để giúp thơ đi đến tay bạn đọc, cách truyền tải thơ như thế nào dễ dàng nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất thì còn cần phải phát huy sức sáng tạo của mỗi nhà thơ. Đó là cái khó khăn chung không chỉ của các nhà thơ trẻ mà cả của các nhà thơ lão thành lâu năm trong nghề. Song đa phần các đại biểu đều nhất trí rằng, thơ hay không cần đông người đọc mà phải biết chọn ra hướng đi riêng, nét đột phá mới trong thơ của mỗi tác giả sẽ đi tới được công chúng của mình./.

Nhật Minh 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất